Đối mặt nhiều thách thức, song kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng khả quan trong năm 2023. Ảnh: Đ.T |
Địa phương nỗ lực
Để kinh tế cả nước phát triển, vai trò của các địa phương là rất quan trọng. Bởi thế, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; cũng như Hội nghị tổng kết năm 2022 và Phương hướng, nhiệm vụ của ngành Kế hoạch – Đầu tư và Thống kê, hàng loạt địa phương đã “hiến kế” để làm sao, kinh tế – xã hội đạt được mục tiêu cao nhất trong năm 2023.
Vui mừng thông báo việc tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh đạt 10,28% trong năm 2022, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Quảng Ninh trong năm qua là giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Huy, tính đến cuối năm 2022, Quảng Ninh đã giải ngân được 120% vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. “Chúng tôi giảm các công trình không cần thiết, chỉ tập trung vào công trình trọng điểm, vì vậy giải ngân nhanh”, ông Huy nói. Ông cho biết, năm 2022, Quảng Ninh tập trung vào 12 dự án, nhưng năm 2023 còn tập trung hơn nữa, chỉ còn 9 dự án động lực.
“Kinh nghiệm của chúng tôi là khâu chuẩn bị đầu tư rất quan trọng. Nếu chuẩn bị tốt, thì giải ngân sẽ nhanh. Muốn làm được điều đó, thì phải chuẩn bị sẵn về đất đai, phân công lãnh đạo các sở, ngành phụ trách từng địa phương, từng chủ đầu tư để đôn đốc triển khai công trình, dự án”, ông Huy chia sẻ kinh nghiệm của Quảng Ninh.
Trong khi đó, theo Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong, để đạt được tốc độ tăng trưởng trên 9% trong năm 2022, Lào Cai đã nỗ lực rất lớn, đặc biệt trong thúc đẩy ngành dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế – xã hội của tỉnh.
“Chúng tôi đã chủ động làm việc với tỉnh Vân Nam và các tỉnh biên giới của Trung Quốc để giải quyết khó khăn về xuất nhập khẩu. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Năm 2022, du lịch của Lào Cai đã tăng nhanh, đạt gần với con số của năm 2019”, ông Đặng Xuân Phong cho biết.
Kinh nghiệm và thành tựu đạt được trong năm 2022 sẽ là nền tảng để các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thậm chí, trước khó khăn, quyết tâm còn lớn hơn.
Theo chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, năm 2023, Thanh Hóa quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 11%; tất cả ngành, lĩnh vực đều phấn đấu đạt cao hơn năm 2022.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, ngay trong tháng 1/2023, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị để quán triệt, đồng thời triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết này được coi là động lực quan trọng cho sự phát triển của TP.HCM trong tương lai.
Sau những vất vả, khó khăn vì Covid-19, năm 2022, kinh tế TP.HCM đã phục hồi mạnh mẽ, với mức tăng trưởng GRDP 9,03%. Kết quả này có được khi đầu tàu kinh tế của cả nước đã tập trung quyết liệt giải quyết khó khăn, vướng mắc kéo dài của các dự án đầu tư, dự án sản xuất, từ đó khơi thông nguồn vốn, tạo niềm tin rất lớn cho thị trường, cho xã hội. Một khi các biện pháp này tiếp tục được triển khai hiệu quả, kinh tế – xã hội TP.HCM sẽ tiếp đà phục hồi, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Chính phủ bản lĩnh, linh hoạt hóa giải khó khăn
Sự nỗ lực từ các địa phương sẽ mang lại kết quả tích cực cho không chỉ kinh tế – xã hội địa phương, mà cho cả nước. Đây là một điểm tựa quan trọng của nền kinh tế trong năm 2023.
Theo dự báo, dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam sẽ có thêm một năm tăng trưởng mạnh mẽ, thuộc hàng cao trong các nền kinh tế ở châu Á. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra con số 6,1%, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm 2023. Mức dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cao hơn, khoảng 6,7%.
– Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Triển vọng tăng trưởng lạc quan của Việt Nam tiếp tục được dự báo dựa trên việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tăng trưởng xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài tích cực. Cộng với đó, đầu tư công đang tiếp tục được đẩy mạnh.
Tuy vậy, các khó khăn đang càng ngày càng phát lộ, vì sức mua yếu trên thị trường toàn cầu được cho là sẽ ảnh hưởng đến cả sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Mấy ngày trước, S&P Global đã công bố báo cáo về Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 12/2022. Theo đó, Chỉ số PMI đã giảm xuống mức 46,4 điểm so với mức 47,4 điểm của tháng 11/2022. Như vậy, chỉ số này đã lần thứ hai liên tiếp nằm dưới ngưỡng trung tính 50 điểm và điều này cho thấy, các điều kiện kinh doanh ngành sản xuất, các đơn hàng mới tiếp tục giảm.
Kinh tế khó khăn hơn, trong khi theo chỉ đạo mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm 2023 nhất định phải đạt nhiều thành tích hơn năm 2022.
Đây là nhiệm vụ, là bài toán khó mà Chính phủ phải giải. Và lời giải đang nằm ở Nghị quyết 01 của Chính phủ, sẽ được ban hành trong những ngày đầu năm mới 2023, với 6 quan điểm điều hành và 11 nhóm giải pháp đã được đưa ra.
Quan điểm của Chính phủ vẫn là phải nắm chắc tình hình, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chủ động, kịp thời thích ứng, hành động quyết liệt, tích cực và hiệu quả hơn. “Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động; luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành giật cục”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.
Tham dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và Phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của ngành Kế hoạch – Đầu tư và Thống kê, Thủ tướng đã giao tới 12 nhiệm vụ cho cơ quan tham mưu tổng hợp về kinh tế – xã hội.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ đạo toàn ngành trong năm 2023 tập trung vào 5 nhóm giải pháp quan trọng. Trong đó, có việc đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về tính kịp thời, chính xác và chất lượng công tác tham mưu điều hành kinh tế vĩ mô, công tác tham mưu cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dự báo năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn, thách hơn, nhiều yếu tố bất định hơn so với năm 2022…
“Mục tiêu nhất quán là phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng đồng thời, bảo đảm tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và phấn đấu tăng trưởng ở mức cao nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đây là những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng đồng thời cũng là các vấn đề hệ trọng của nền kinh tế. Khi các nhiệm vụ, giải pháp này được thực thi hiệu quả, thì những thách thức của nền kinh tế sẽ từng bước được hóa giải, tạo đà cho sự tăng tốc của nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo.