Công nghệ cao và công nghệ thông tin đang góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh |
Tín hiệu tích cực
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế thời gian qua đạt nhiều kết quả nổi bật. Gần như toàn bộ các bệnh viện đã có phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện, triển khai phần mềm truyền tải và lưu trữ hình ảnh; gần 100% bệnh viện đã kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan giám định và thanh toán bảo hiểm y tế, phục vụ giám định khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế điện tử. Bộ Y tế đã triển khai thành công, có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN.
Hệ thống quản lý và điều hành văn bản điện tử của Bộ Y tế được kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ, hơn 20 bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố; công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Hệ thống thông tin quản lý y tế dự phòng, triển khai phần mềm tiêm chủng mở rộng trên cả nước, đã có hơn 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý. Hình thành mạng lưới y tế từ xa, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới, vùng miền núi, vùng khó khăn.
Một số bệnh viện tuyến trung ương triển khai khám chữa bệnh từ xa, hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh ở tuyến tỉnh, tuyến huyện bước đầu có kết quả rất khả quan. Ngoài ra, các bệnh viện ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử, y tế từ xa, xếp hàng điện tử, thẻ điện tử thanh toán viện phí giúp quá trình quản lý bệnh viện được minh bạch hóa, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian khám, chữa bệnh, chờ khám, chờ mua thuốc, làm thủ tục xuất viện, hiệu quả công việc cao hơn, người dân thêm hài lòng.
Nói về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ nhiều năm nay, Bệnh viện đã đưa vào sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện với các ứng dụng cụ thể như xếp số tự động; tiếp nhận thông tin bệnh nhân; quản lý cận lâm sàng và lâm sàng cho người bệnh; quản lý thanh toán viện phí và bảo hiểm y tế.
Với phần mềm này, quy trình khám chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân được thực hiện khép kín, thuận tiện cho người sử dụng, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, từ đó, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Bệnh viện còn tham gia thực hiện hội chẩn trực tuyến qua Internet; tập huấn nâng cao về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ.
Còn nhiều “sạn”
Dù không thể phủ nhận những hiệu quả khi thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, song vẫn còn nhiều tồn tại khiến hiệu quả này chưa đạt kỳ vọng. Nhiều khó khăn khi cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế chưa hoàn thiện; chưa có định mức kinh tế – kỹ thuật, chưa có kết cấu chi phí công nghệ thông tin trong chi phí dịch vụ y tế.
Bên cạnh đó, theo ý kiến một số cơ sở y tế, các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin y tế chưa hoàn thiện, khó triển khai. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin y tế còn thiếu về số lượng và chất lượng chưa đảm bảo. Chưa kể, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã làm thay đổi thói quen, phương pháp lao động, đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải tiếp cận với cái mới, cần có thời gian để thích ứng.
GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, mặc dù đã có sự phối hợp tốt, đã có nhiều cố gắng, nhưng việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể, kết cấu hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin còn chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý. Hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu còn rời rạc, chưa liên thông với nhau, an toàn thông tin và nhiều yêu cầu về công nghệ thông tin còn chậm triển khai.
Nguồn lực dành cho công nghệ thông tin còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn chưa đồng bộ. “Những hạn chế trên dẫn đến việc phát triển công nghệ thông tin tại các bệnh viện rất khác nhau”, ông Thuấn nói.
Thiết nghĩ, để công nghệ thông tin phát huy hiệu quả hơn nữa trong công tác khám chữa bệnh, cần có sự quan tâm kịp thời, sát sao của lãnh đạo các cơ sở y tế. Chỉ khi chỉ đạo được thống nhất, xuyên suốt từ cấp lãnh đạo đến các cán bộ nhân viên y tế thực hiện, thì chất lượng khám, chữa bệnh sẽ ngày càng được nâng cao, giảm thời gian chờ đợi, giảm sai sót, nhầm lẫn, tăng cường tính công khai, minh bạch… và chắc chắn người bệnh sẽ hài lòng hơn.