Chúng ta đã trải qua 365 ngày của năm 2022 với nhiều tâm trạng. Vui mừng vì nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh thế giới tổn thương nặng nề bởi dịch bệnh, xung đột vũ trang, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao…
Lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP 8,02%. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt hơn 9,5 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD. Năm 2022, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.
Năm 2022, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, khi tăng 20 bậc, xếp vị trí 48/132 quốc gia và xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
Cả nền kinh tế, từng doanh nghiệp, người dân đã trưởng thành hơn, tự tin hơn sau hành trình vượt qua cơn bão dịch bệnh vô tiền khoáng hậu.
Tuy nhiên, lo lắng cũng không ít, nhất là khi kinh tế thế giới đang chìm trong những dự báo về một năm 2023 suy thoái, bất định, sẽ ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam.
Theo đó, nhiều động lực đã làm nên tăng trưởng của năm 2022 – nhất là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng – đang đối mặt với áp lực duy trì sức bền. Đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp, cùng với đó là bài toán lao động dư thừa.
Hơn thế, tốc độ tăng trưởng năm 2022 cao, nhưng trên nền tảng của tăng trưởng rất thấp trong năm 2021, trong khi niềm tin kinh doanh tiếp tục được thử thách bởi nhiều điểm nghẽn trong nội tại nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết…
Nhưng có một điều rõ ràng, ngày hôm qua dù có thể còn nhiều khó khăn, vất vả, song đã là những ngày nỗ lực, trăn trở và sáng tạo không ngừng để ngày mai sẽ là nơi khát vọng định hình.
Trong Bảng xếp hạng các nước hùng mạnh nhất thế giới năm 2022 do Tạp chí US News & World Report công bố vào những ngày cuối năm, Việt Nam xuất hiện với vị trí thứ 30. Trong bảng xếp hạng này, 5 nước đứng đầu theo thứ tự từ trên xuống là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức và Vương quốc Anh, nhờ điểm trung bình cao dựa trên 5 yếu tố: sự lãnh đạo, có ảnh hưởng kinh tế, có ảnh hưởng chính trị, liên minh quốc tế mạnh và quân đội mạnh.
Khi viết lời bình về quốc gia hùng mạnh, Tạp chí US News & World Report đã nhấn mạnh, đó là những quốc gia luôn xuất hiện trên các bản tin, khiến các nhà hoạch định chính sách quan tâm và định hình các mô hình kinh tế toàn cầu… Đặc biệt, các quốc gia này thể hiện ảnh hưởng của mình trên “sân khấu” toàn cầu.
Trên hành trình để trở thành một quốc gia có tầm ảnh hưởng, rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng đã, đang và sẽ được viết lên, được lan tỏa bởi các thế hệ người Việt khắp thế giới.
Con đường có thể còn dài, nhiều chông gai, nhưng tương lai luôn đủ rộng lớn để những khát vọng lớn lao, những giá trị khác nhau cùng tồn tại, cùng khởi sắc…