Dệt may, giày dép, thủy sản tăng tốc
Cơ hội dễ thấy nhất là với ngành dệt may, khi 2 năm gần đây đều xuất khẩu hàng tỷ USD hàng hóa sang Canada.
Theo Tổng cục Hải quan, dệt may là mặt hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu sang Canada. Trong tháng 12/2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 83,5 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 lên 1,3 tỷ USD, tăng 40,3% so với năm trước đó và chiếm 20,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.
Tiếp đến là giày dép các loại, đạt 47,5 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của mặt hàng này lên 604,6 triệu USD, tăng 64,3%. Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 39,8 triệu USD, giảm 11,4%, nâng tổng kim ngạch đạt 521,3 triệu USD, tăng 27,7%.
Một số nhóm mặt hàng khác cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao sang thị trường Canada trong năm 2022, như túi xách – vali – mũ – ô dù tăng 115,2%; chất dẻo nguyên liệu tăng 224,5%.
Thủy sản cũng là ngành có kết quả xuất khẩu ấn tượng trong năm qua, với kim ngạch xuất khẩu trên 370 triệu USD, tăng 39,3% so với năm trước đó.
Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada, thủy sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam sang Canada và còn có tiềm năng tăng trưởng cao trong những năm tới nhờ hoạt động đầu tư sản xuất, đón lõng thị trường mới trong CPTPP.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam và Canada. Đây cũng là FTA đầu tiên, Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường châu Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng thương mại.
Kể từ đó, hoạt động thương mại song phương giữa Việt Nam và Canada đã thực sự tăng tốc, kể cả trong giai đoạn đại dịch bủa vây. Năm 2021, xuất khẩu sang Canada đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2020 và tăng 75% so với thời điểm trước khi có CPTPP. Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này hơn 6,3 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2021.
Ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ (Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công thương) khẳng định, việc xuất khẩu sang Canada tăng mạnh, điển hình với nhóm hàng dệt may, giày dép, máy tính, thủy sản… cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh nhạy tận dụng thời cơ, đẩy mạnh xuất khẩu vào khu vực thị trường mới.
Cú hích từ giảm thuế
Theo cam kết trong CPTPP, Canada xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong đó, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan từ đầu năm 2019.
Thuế vẫn tiếp tục giảm theo lộ trình với từng ngành hàng cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện về xuất xứ được hưởng ưu đãi.
“Chẳng hạn, với hàng dệt may, Canada cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu xuống 0% ngay trong vòng 3 năm kể từ khi bắt đầu thực thi Hiệp định. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, thuế đã về 0% với toàn bộ sản phẩm dệt may của Việt Nam, nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ sang Canada và điều này đã phản ánh ngay trong con số ấn tượng hơn 1 tỷ USD hàng dệt may xuất sang Canada”, ông Hoàn phân tích.
Đối với mặt hàng giày dép, 55/69 số dòng thuế (tương đương 79,7%) được xoá bỏ từ đầu năm 2019. Điều này đã tác động ngay đến giá trị xuất khẩu của ngành này sang Canada, như năm 2022 đạt mức tăng trưởng 65%, với giá trị 605 triệu USD. Đây là mức cao nhất từ trước tới nay. Kết quả này cho thấy, giày dép sẽ sớm trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD sang Canada.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, trước khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu da giày sang thị trường này chỉ chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng nay đã tăng lên 14%, tạo ra nhiều thay đổi tích cực và dấu ấn xuất khẩu này có công lớn từ đà tăng tốc xuất khẩu sang Canada.
Bà Xuân cũng cho hay, CPTPP đã tạo ra được những thay đổi rất lớn đối với ngành da giày. Trong đó, ngoài cú hích tăng trưởng xuất khẩu, thì khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ cũng được cải thiện nhờ động lực thúc đẩy phát triển các nguồn nguyên phụ liệu trong nước. Dễ thấy là chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đã đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam, tạo đà để khi thực thi Hiệp định, tỷ lệ hàng xuất khẩu được cấp Chứng nhận Xuất xứ (C/O) ưu đãi rất cao.