Thông tin từ Ban tổ chức, Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng sẽ diễn ra vào ngày 5/2 tại Bình Định.
Một góc TP. Quy Nhơn hướng biển. Ảnh Nguyễn Dũng |
Tại sự kiện này, dưới sự chủ trì và chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện các địa phương và các tổ chức quốc tế, 23 dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ thông tin, đầu tư hạ tầng, du lịch, dịch vụ cảng biển… của 10 tỉnh, thành phố (gồm Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, TP. Đà Nẵng, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình và Bình Thuận) sẽ được nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp nhận Nhà đầu tư/ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư.
Có thể kể tới, tỉnh Bình Định có 3 dự án sẽ được trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, gồm: Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn Hoài Nhơn, (Công ty cổ phần Long Sơn Phù Mỹ làm chủ đầu tư, đầu tư nhà máy gang thép công suất 5,4 triệu tấn thép/năm tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn; tổng vốn khoảng 56.257 tỷ đồng); Dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software (Công ty TNHH Phần mềm FPT, tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng) và Dự án Sản xuất gạch ốp lát granite với công suất 18 triệu m3/năm tại Cụm công nghiệp Bình Nghi mở rộng (Công ty cổ phần Công nghiệp Kamado, tổng vốn đầu tư hơn 998 tỷ đồng).
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Định và AHK Việt Nam. Ảnh minh hoạ |
TP. Đà Nẵng có 3 dự án về lĩnh vực công nghiệp, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin, với tổng vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng. Trong đó, Đà nẵng sẽ trao biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu và triển khai cho Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện các dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông giai đoạn 2022 – 2030 gồm: Xây dựng Trung tâm Chia chọn tự động tại Khu công nghiệp Liên Chiểu với diện tích 8,6ha; Xây dựng Tòa nhà Viettel Đà Nẵng; Triển khai phủ sóng 5G toàn TP. Đà Nẵng trong năm 2023; Đầu tư Trạm cập bờ cáp quang biển Đà Nẵng; Xây dựng Trung tâm dữ liệu vùng phục vụ điều hành mạng lưới viễn thông, hạ tầng chính phủ điện tử và nền tảng công nghệ 4.0; Đầu tư Tổ hợp trung dữ liệu công nghệ cao bao gồm: Trung tâm dữ liệu viễn thông và CNTT (Data Center), Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, Trung tâm đào tạo công nghệ cao;
Đà Nẵng cũng sẽ trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Lưu trữ Mô – Tế bào gốc châu Á cho Công ty cổ phần Công nghệ cao châu Á; trao chủ trương nghiên cứu đầu tư cho Công ty cổ phần Create Capital Việt Nam.
Cũng tại Sự kiện, các địa phương như Quảng Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Thuận, Khánh Hoà… cũng sẽ tiến hành trao kết quả hợp tác đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ cho 2-3 dự án/địa phương trong dịp này.
Theo ban tổ chức, sự kiện lần này thực chất là một Hội nghị “3 trong 1”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.