Ảnh minh họa. |
Theo thông tin từ Bộ GTVT, trong ngày mùng 1 Tết (22/1), trong lĩnh vực vận tải đường bộ, lượng khách đi lại bằng xe tuyến cố định liên tỉnh của người dân rất ít, chủ yếu đi lễ chùa, đi chúc Tết và chủ yếu bằng phương tiện cá nhân. Tại các bến xe rất vắng hành khách.
Trong khi đó, sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa của ngành đường sắt đều giảm so với năm 2022.
Trong lĩnh vực hàng không, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt hơn 2.050 lần hạ cất cánh, tăng 52,7%; xấp xỉ 258.000 hành khách, tăng 81,2%; hơn 1.700 tấn hàng hóa, tăng 13,7% so với cùng ngày âm lịch Tết Nguyên đán năm 2022.
Đối với 3 cảng hàng không quốc tế lớn, sản lượng vận tải hành khách đều ghi nhận mức tăng mạnh mẽ, trong đó, Tân Sơn Nhất đạt 736 lần hạ cất cánh (tăng 43,5%), 108.000 lượt khách (tăng 97,9%), 456 tấn hàng hóa (giảm 23,7%); Nội Bài đạt 462 lần hạ cất cánh (tăng 75,7%), 61.000 lượt khách (tăng 121%), 1.200 tấn hàng hóa (tăng 40,4%); Đà Nẵng đạt 214 lần hạ cất cánh (tăng 206%), xấp xỉ 25.100 lượt khách (tăng 214%), 8 tấn hàng hóa (tăng 911,5%).
Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển hơn 137.000 khách và 271 tấn hàng hóa, tăng tương ứng 85,2% về hành khách và 45% về hàng hóa so với cùng ngày âm lịch Tết Nguyên đán năm 2022.
Đối với lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa và hàng hải, hoạt động vận hành khách, hàng hóa diễn ra bình thường, đặc biệt vận tải hành khách tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Bộ GTVT, công tác phục vụ hành khách đi lại được an toàn, thuận tiện; các bến cảng, phương tiện đều chấp hành biện pháp phòng chống dịch bệnh và dịch Covid19; không có hiện tượng tăng giá cước vận tải hành khách tại các bến tàu, giá cước vẫn bảo đảm ổn định đúng mức giá doanh nghiệp công khai niêm yết; Bảo đảm an toàn, không có tình trạng mất an toàn, an ninh trong lao động.