Sáng 12/1/2023, tại Thủ đô Vientiane (Lào), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone đã đồng chủ trì Kỳ họp thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Sonexay Siphandone đồng chủ trì Kỳ họp 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào (Ảnh Đức Trung) |
Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào có ý nghĩa rất quan trọng, bởi diễn ra ngay sau cuộc họp của hai Bộ Chính trị và nhằm mục đích cụ thể hóa, triển khai các nội dung đã được hai Bộ Chính trị trao đổi và thống nhất.
Theo đó, có 3 nhóm vấn đề trọng tâm. Đó là tạo chuyển biến mới trong hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục, y tế và Khoa học – Kỹ thuật; nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, tháo gỡ dứt điểm các khó khăn vướng mắc, thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào, đặc biệt các doanh nghiệp lớn; đồng thời, thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế và xã hội của Lào.
Tại Kỳ họp, hai bên sẽ kiểm điểm tình hình thực hiện Thỏa thuận Hợp tác năm 2022, đồng thời thảo luận, thống nhất về phương hướng hợp tác trong năm 2023.
Hợp tác song phương đạt được nhiều kết quả quan trọng
Phát biểu tại Kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đã bày tỏ sự vui mừng khi được cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì Kỳ họp 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt – Lào.
Toàn cảnh Kỳ họp 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào (Ảnh: Đức Trung) |
“Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với tình cảm chặt chẽ gắn bó lâu đời giữa hai nước và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của hai bên, Kỳ họp sẽ thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt giữa hai nước”, Thủ tướng Sonexay Siphandone nói và chúc mừng những thành tựu kinh tế – xã hội quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua.
Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là Kỳ họp có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam – Lào. Chính vì vậy, Thủ tướng đã đề nghị hai bên trao đổi cụ thể các nội dung hợp tác lớn, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là với các dự án mà hai bên quan tâm.
“Thỏa thuận hợp tác phải làm sao có tính khả thi và có tính hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ đạo phải xử lý dứt điểm các vướng mắc chưa xử lý được, đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đối phó khủng hoảng, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả.
Điểm lại tình hình thực hiện Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác Lào – Việt trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khamchen Vongphosy, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào – Việt đã đánh giá cao những kết quả đã đạt được.
Theo Bộ trưởng Khamchen Vongphosy, năm 2022, tình hình thế giới và khu vực biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường đã tác động tiêu cực đến các nước, trong đó có Việt Nam và Lào. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương hai Đảng và hai Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp của hai Bên đã chủ động phối hợp và tích cực triển khai thực hiện Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam – Lào năm 2022.
“Chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần vào sự ổn định và phát triển của mỗi nước; tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào”, Bộ trưởng Khamchen Vongphosy nhấn mạnh.
Theo đó, không chỉ đạt được các kết quả tích cực, quan trọng trong hợp tác về chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực…, mà hợp tác về kinh tế cũng đã được đẩy mạnh.
Một trong những nội dung hợp tác quan trọng được Bộ trưởng Khamchen Vongphosy đánh giá cao là các bộ ngành của Việt Nam, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã tích cực chia sẻ linh nghiệm, giải pháp quản lý, ổn định kinh tế vĩ mô.
Cùng với đó, hợp tác đầu tư cũng đã được đẩy mạnh. Theo Bộ trưởng Khamchen Vongphosy, đầu tư của Việt Nam sang Lào đã có bước chuyển biến đáng ghi nhận. Năm 2022, một số dự án mới được cấp chứng nhận đầu tư. Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong thời gian tới.
Điều quan trọng, theo Bộ trưởng Khamchen Vongphosy, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Khamchen Vongphosy cũng đã đánh giá cao việc trong thời gian qua, hai Bên đã trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ cùng nhau giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cho một số dự án lớn, quan trọng.
Trong đó, có Dự án thủy điện Xê-ca-man 3, Sân bay Nọng-khảng, Dự án khai thác chế biến Bauxit tại huyện Dakchung, tỉnh Sekong…
Bên cạnh đó, công tác thúc đẩy đầu tư được quan tâm chú trọng và mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, hai bên cũng đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các dự án sử dụng vốn ODA, các dự án trọng điểm…
Bộ trưởng Khamchen Vongphosy cũng bày tỏ sự vui mừng khi hợp tác thương mại song phương đã được đẩy mạnh. Cụ thể, kim ngạch thương mại hai nước đã có bước tăng trưởng vượt bậc, năm 2022 đạt trên 1,7 tỷ USD, tăng trên 24,1 % so với năm 2021; vượt mục tiêu đề ra tại Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam – Lào năm 2022 (10-15%)…
Hợp tác kinh tế chưa tương xứng, cần thúc đẩy hợp tác
Đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam tham dự Kỳ họp |
Tiếp lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã điểm lại các “mặt được” và “mặt hạn chế” trong quan hệ hợp tác hai nước năm 2022.
Về “mặt được”, Bộ trưởng cho biết, quan trọng nhất là quan hệ chính trị tiếp tục được tăng cường, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn bó, tin cậy.
Cụ thể, hai bên đã phối hợp tổ chức tốt các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước. Hai bên đã phối hợp tổ chức rất thành công Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào thiết thực Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, với hàng trăm hoạt động dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Cùng với đó, hợp tác quốc phòng, an ninh ngày càng chặt chẽ đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả tích cực. Cụ thể, thực hiện tốt nghị định thư về quốc phòng và an ninh; tổ chức khai thác hiệu quả 15 cụm bản đã hoàn thành; hoàn thành thủ tục triển khai và tổ chức lễ khởi động xây dựng 2 cụm bản mới tỉnh Hủa-phăn và tỉnh Phông-sa-lỳ vào tháng 8/2022.
“Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế có chuyển biến tích cực, các khó khăn, vướng mắc được phối hợp tháo gỡ kịp thời, công tác xúc tiến đầu tư – thương mại, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc được đẩy mạnh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, đầu tư của Việt Nam vào Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Vốn đầu tư sang Lào cả năm 2022 có thể đạt trên 180 triệu USD, tăng tới 52,5% so với năm 2021. Đóng góp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp Việt Nam cho Chính phủ Lào trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 200 triệu USD/năm.
Kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào năm 2022 có bước phát triển vượt bậc trong bối cảnh kinh tế thế giới và hai nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, tổng kim ngạch thuơng mại hai nước đạt khoảng trên 1,7 tỷ USD, tăng trên 24,1% so với năm 2021; vượt mục tiêu đề ra tại Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam – Lào năm 2022 (10-15%).
Cùng với đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được quan tâm ưu tiên. Trong năm 2022, Việt Nam đã dành cho Lào 1.200 suất học bổng.
Hiện số lưu học sinh Lào tại Việt Nam hơn 14.000 người, trong đó diện Thỏa thuận của hai Chính phủ hơn 3.400 người. Đã hoàn tất đàm phán và ký kết Nghị định thư về hợp tác đào tạo Việt Nam – Lào giai đoạn 2022-2027.
Một mặt được quan trọng khác, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là viện trợ của Việt Nam dành cho Lào năm vừa qua là 733 tỷ đồng. Sau khi Chính phủ Lào áp dụng chính sách mở cửa trở lại từ ngày 9/5/2022, các chủ dự án hai bên đã nỗ lực phối hợp thúc đẩy tiến độ; đa số các dự án vẫn đảm bảo kế hoạch thực hiện đề ra.
Trong năm có 4 dự án hoàn thành, tiến hành các thủ tục bàn giao đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, dự án Trường dạy nghề Khăm-muộn (quà tặng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc) mặc dù mới khởi công đầu năm 2022 nhưng tiến độ triển khai nhanh, kịp bàn giao trong năm.
Bên cạnh đó, mặc dù nền kinh tế còn gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19 và tác động của bối cảnh thế giới, Việt Nam vẫn thu xếp vốn cho Lào vay 100 triệu USD.
Trong khi đó, về “mặt tồn tại, hạn chế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, công tác phối hợp triển khai thực hiện một số thỏa thuận còn chậm; an ninh chính trị tại các địa bàn xung yếu ở Lào, nhất là ở tỉnh Xay-xom-bun, tỉnh Xiêng-khoảng tiềm ẩn phức tạp; hoạt động tội phạm xuyên quốc gia, mua bán vận chuyển chất gây nghiện, mua bán người, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép qua biên giới chưa được kiểm soát.
“Hợp tác kinh tế chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp; một số thỏa thuận chậm được ký kết”, Bộ trưởng nói.
Cùng với đó, công tác tuyển dụng, quản lý học sinh còn nhiều bất cập; chất lượng lưu học sinh ngoài diện học bổng của hai Chính phủ chưa cao; công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình viện trợ chưa được quan tâm đúng mức; khâu chuẩn bị đầu tư của một số dự án viện trợ chậm.
“Trên quan điểm phát huy tối đa các kết quả đạt được, phân tích, đánh giá các nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm, chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng và triển khai các giải pháp cụ thể, phân công, phân nhiệm rõ ràng, chọn việc nào giải quyết dứt điểm việc đó”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã kiến nghị một số công việc trọng tâm cần tập trung giải quyết trong năm 2023, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến một loạt dự án hợp tác quan trọng.
Chẳng hạn, hai bên tạo thuận lợi, thúc đẩy đưa dự án Sân bay Nọng-khảng hoàn thành bàn giao vào tháng 4/2023; quyết tâm hoàn thành trong tháng 6/2022 đối với hai bệnh viện tại tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Xiêng Khoảng; sớm khởi công Dự án Công viên Hữu Nghị Lào – Việt Nam…
“Đề nghị phía Lào chỉ đạo các chủ dự án Lào khẩn trương tiếp nhận bàn giao các hạng mục thiết bị hoàn thành của hai bệnh viện, đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả, tránh hỏng hóc các thiết bị y tế đã đầu tư nếu không được sử dụng”. Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất các phương hướng, giải pháp xử lý và thúc đẩy các dự án đầu tư quan trọng khác, như Dự án phát triển Cảng Vũng Áng, bến 1,2,3; Dự án Thủy điện Xê-ka-mản 3; Vườn quốc gia Him Nam No, tỉnh Khăm Muộn; Dự án Muối mỏ Kali tại Khăm-muộn; đường cao tốc Hà Nội – Vientiane…
Trong khi đó, liên quan các lĩnh vực cần quan tâm ưu tiên thúc đẩy trong đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Lào trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến; năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án dọc biên giới hai nước kết nối với lưới điện Việt Nam; mỏ khai khoáng chế biên sâu dành cho doanh nghiệp Việt Nam; kết nối du lịch…
“Nhiệm vụ trong năm 2023 là rất khó khăn và nặng nề, tôi tin tưởng rằng, với tình hữu nghị đồng chí, anh em, gắn bó, bền chặt theo đúng ý nghĩa “tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” và sự cố gắng, nỗ lực của cả hai bên, chúng ta chắc chắn sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban hợp tác song phương giữa Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.