Chương trình xây dựng NTM đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội tỉnh Hải Dương ngày càng được hoàn thiện.
Theo ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, Sau hơn 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được ví như “làn gió” mới, làm thay đổi nhận thức, thôi thúc người dân nông thôn hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Tổng kinh phí đã thực hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương cả giai đoạn gần 58.400 tỷ đồng. Nhân dân ngoài ủng hộ hơn 5.500 tỷ đồng đã hăng hái đóng góp hàng triệu ngày công lao động, tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để tạo nên diện mạo mới cho quê hương. Từ cấp xã, đến huyện và giờ đây là tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Hết năm 2020, tỉnh Hải Dương có 100% số xã đạt tiêu chuẩn NTM, trong đó có 24,2% số xã đạt tiêu chuẩn NTM nâng cao và 2,2% số xã đạt tiêu chuẩn NTM kiểu mẫu. Cả 12 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
Diện mạo nông thôn Hải Dương đã đổi mới toàn diện, khang trang. Tất cả các xã đều đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các công trình trụ sở, trường học, đường giao thông, trạm y tế, nhà văn hóa theo quy hoạch. Toàn bộ các tuyến đường giao thông thôn, xóm, trục xã, liên xã, đường trục chính ra các cánh đồng… đều được đầu tư nâng cấp, mở rộng, trải thảm nhựa, thảm bê tông theo quy hoạch. Đã hình thành các vùng chuyên canh, thâm canh, nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, nâng cao giá trị thu nhập.
Kinh tế nông thôn cũng có nhiều đổi mới khi đồng ruộng được quy hoạch quy củ với hơn 54.000ha đã dồn điền, đổi thửa và hệ thống thủy lợi chỉnh trang bài bản. Toàn tỉnh hiện có trên 15.500 ha rau sản xuất theo quy trình GAP, trên 5.000 ha rau được sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu; có 1.500 ha rau, trái cây được cấp chứng nhận theo quy trình VietGAP. Nhiều sản phẩm như vải, cà rốt, cải bắp… có chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường lớn Nhật Bản, Mỹ, Úc, Hàn Quốc… Giá trị sản xuất tại những vùng sản xuất tập trung đạt khoảng 250 triệu đồng/ha, có những vùng đạt trên 500 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình nhà màng, nhà lưới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất đạt khoảng 1-3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận trung bình 550 triệu đồng/ha/năm. Hải Dương cũng có hơn 800 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và 2.000 ha nuôi thủy sản phát triển theo hướng công nghệ cao.
Đường vào làng Hòa Nhuệ, xã Tiên Động (Tứ Kỳ) được nhựa hóa. Ảnh: Thành Chung |
Từ năm 2011 – 2015, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp được 3.184 km đường các loại. Kinh phí đầu tư là 3.095,543 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước đầu tư là 323,890 tỷ đồng (bằng 10%), tỉnh hỗ trợ theo Đề án là 605,520 tỷ đồng còn lại là ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp là 2.166,133 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng đường giao thông sửa chữa, cải tạo, nâng cấp được 1.187 km đường giao thông nông thôn với kinh phí từ ngân sách nhà nước là 319,7 tỷ đồng và từ nguồn nhân dân đóng góp và ngân sách xã khoảng 1.278,8 tỷ đồng.
Giai đoạn từ 2006 – 2008 đã có 736 nhà văn hoá được xây dựng, với tổng kinh phí là 36,800 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2009 – 2013 đã có 317 nhà văn hoá được xây mới, với kinh phí là 31,700 tỷ đồng; 443 nhà văn hoá được hỗ trợ sửa chữa nâng cấp, mua sắm trang thiết bị với kinh phí 22,150 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2014 tỉnh đã hỗ trợ xây dựng sân thể thao thao các xã, thị trấn và sân thể thao thôn trên địa bàn nông thôn, giai đoạn 2015 – 2020 mức hỗ trợ kinh phí xây dựng mới nhà văn hoá thôn, khu dân cư là 200 triệu đồng.
Hạ tầng kỹ thuật viễn thông đáp ứng đầy đủ việc kết nối cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tới 100% các thôn trên địa bàn tỉnh…178 xã được phủ sóng điện thoại di động, có mạng Internet được kết nối tới các thôn đáp ứng nhu cầu truy nhập của nhân dân. Toàn tỉnh có 235 đài truyền thanh cơ sở đang hoạt động có hiệu quả, 100% số thôn có hệ thống loa truyền thanh. Hệ thống một cửa điện tử được triển khai đồng bộ, thống nhất cho các cơ quan nhà nước, hệ thống đảm bảo kết nối, liên thông và cung cấp trực tuyến 1.853 thủ tục hành chính. Đến nay, tỷ lệ hộ có nhà ở nông thôn chuẩn theo quy định trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đều có tỷ lệ từ 95% đến 100% đạt tỷ lệ theo yêu cầu.
Xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn là một trong 3 địa phương của tỉnh Hải Dương gồm Đức Chính (Cẩm Giàng), Nhân Quyền (Bình Giang) hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Ảnh: Thành Chung |
Hiện, trên địa bàn tỉnh có trên 14.000 doanh nghiệp. UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức đánh giá và công nhận cho 73 sản phẩm đạt từ 3 – 4 sao và có 2 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận 5 sao; năm 2021 có 78 sản phẩm đăng ký tham gia Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đề án được triển khai là cú hích lớn để nâng tầm sản phẩm nông thôn. Đến nay, cả tỉnh đã có trên 200 sản phẩm được gắn sao. Nhờ vậy thu nhập của người dân ngày một cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo tiêu chí đa chiều. Đời sống vật chất ngày càng được nâng cao đã tạo ra những chuyển biến rõ nét trong đời sống tinh thần của người dân.
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2025, có 107 xã, chiếm 60% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 36 xã, chiếm 20% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Xây dựng 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và thu nhập hình quân người dân nông thôn đạt từ 76 – 80 triệu đồng/người/năm. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm sau khi rà soát 100% số xã đạt các chỉ tiêu, tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 và hướng tới xây dựng NTM thông minh. Đối với những xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu có đủ điều kiện nâng cấp lên đô thị, đồng thời nằm trong chương trình phát triển đô thị, tiếp tục triển khai, thực hiện xây dựng xã gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.