Nhiều công ty công nghệ lớn nhất toàn cầu đang thực hiện cắt giảm lao động quy mô lớn do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, việc sa thải nhân sự xuất phát từ những năm tăng trưởng đột biến vừa qua.
Ngày 18/1/2023, Microsoft thông báo sẽ sa thải 10.000 nhân viên, tương đương 5% lực lượng lao động. Trong khi đó, Amazon bắt đầu quá trình thực hiện các đợt cắt giảm nhân sự với quy mô lên tới 18.000 việc làm. Tiếp theo, 20/1/2023, Google công bố kế hoạch sa thải 12.000 lao động. Meta – công ty mẹ của Facebook cũng cắt giảm 11.000 việc làm.
Mỗi công ty đưa ra những lý do khác biệt, nhưng đa phần đều “đổ lỗi” cho điều kiện kinh tế vĩ mô, khi nguy cơ một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra ngày càng rõ rệt.
Dù vậy, theo giới chuyên gia, một nguyên nhân khác xuất phát từ chính tốc độ tăng trưởng đột biến của các công ty công nghệ trong 2 năm vừa qua, đi kèm đó là tuyển dụng ồ ạt.
Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và càn quyét trên toàn cầu, các công ty công nghệ – cung cấp các dịch vụ kết nối, làm việc, giải trí… trở nên quan trọng hơn bao giờ hết với người dân. Nhu cầu gia tăng với sản phẩm – dịch vụ công nghệ đẩy doanh số bán hàng và lợi nhuận của các gã khổng lồ công nghệ lên cao và tiếp tục xu hướng này cho tới năm 2021. Để đáp ứng nhu cầu, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lượng lớn lao động, đặt kỳ vọng vào một “bình thường mới”.
Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như dự đoán. Tăng trưởng của các công ty công nghệ chậm lại, buộc họ phải đưa ra quyết định cắt giảm nhân sự để tiết giảm chi phí.
Trong bối cảnh này, Apple đang là ngoại lệ. Công ty không gia tăng tuyển dụng đột biến trong 2 năm qua và cho tới nay cũng chưa có thông tin về kế hoạch sa thải nhân sự.
Tài liệu mà các công ty cung cấp cho Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) cho thấy, các công ty công nghệ lớn nhất đã tăng trưởng mạnh mẽ như thế nào trong đại dịch.
Microsoft có 221.000 lao động toàn thời gian tính tới cuối tháng 6/2022, theo tài liệu gần nhất được công bố. Con số này tăng 40.000 người so với cùng kỳ năm trước đó, tương đương tăng 22%. Năm 2021, Microsoft cũng tuyển dụng thêm 18.000 lao động, tăng 11% so với 2020.
Tăng trưởng nhân sự của Microsoft qua các năm
Amazon lại là một trường hợp phức tạp hơn so với Microsoft bởi sở hữu lượng lớn lao động bán thời gian tại các kho hàng, cũng như khối nhân sự tại các văn phòng tương tự nhiều công ty công nghệ khác. Dù vậy, Công ty vẫn tăng thêm 310.000 việc làm trong năm 2021, trong khi năm trước đó đã tăng thêm 500.000 việc làm, tương đương tăng trưởng hơn 38%.
Tựu chung, Amazon có tổng 1,6 triệu lao động tính tới cuối tháng 12/2021.
Tăng trưởng nhân sự của Amazon qua các năm
Meta, công ty mẹ của Facebook cũng tăng hàng nghìn lao động tại trụ sở chính mỗi năm kể từ khi niêm yết vào năm 2012.
Năm 2020, Meta tuyển dụng thêm hơn 13.000 người, tăng 30% so với năm trước đó và là năm tuyển dụng lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp này. Năm 2021, Công ty tiếp tục tuyển dụng thêm 13.000 lao động.
Tăng trưởng nhân sự của Meta qua các năm
Alphabet, công ty mẹ của Google tuyển dụng hơn 21.000 nhân sự năm 2021, tăng 15% so với năm trước đó. Tương tự, Công ty đã tuyển thêm hơn 16.000 lao động năm 2020, tăng gần 14%.
Tốc độ tăng trưởng này là đáng nể trong đại dịch, tuy nhiên, không quá cách biệt so với lịch sử trước đó của Alphabet. Công ty gia tăng nhân sự tại trụ sở chính ít nhất 10% mỗi năm kể từ năm 2013 và tăng thêm hơn 20% nhân sự mới riêng năm 2018, 2019.
Tăng trưởng lao động của Alphabet qua các năm
So với các đại gia công nghệ kể trên, Apple có tốc độ tăng trưởng nhân sự khiêm nhường hơn trong suốt đại dịch. Thực tế, Công ty duy trì tốc độ tuyển dụng trong những năm qua khá đều đặn, tương đương xu hướng chung từ năm 2016 tới nay.
Tính tới tháng 9/2022, Apple có 164.000 nhân sự, chỉ tăng khoảng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tăng trưởng nhân sự của Apple qua các năm