Thị trường có tuần giao dịch đi ngang và đóng cửa phiên cuối tuần tại mốc 1.060 điểm, tương ứng tăng 0,8% so với tuần trước. Thanh khoản cũng thu hẹp khi tổng giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn đạt chưa đến 11.000 tỷ đồng.
Nhóm dầu khí, tài nguyên cơ bản và dịch vụ tài chính là 3 nhóm đóng góp phần lớn điểm số cho thị trường tuần qua khi giá tăng lần lượt 5,4%; 3,2% và 2%. Chiều ngược lại nhóm bán lẻ có tuần giao dịch ảm đạm và là nhóm giảm mạnh nhất với mức giảm 2% so với tuần tước.
Xét theo vốn hoá, tuần qua nhóm vốn hóa lớn tiếp tục nhận được sự chú ý của dòng tiền khi chỉ số VN30 tăng 1% so với tuần trước. Trong khi đó chỉ số VNMIDCAP giảm 0,2% và chỉ số VNSMALLCAP tăng 0,4%.
Trong tuần, dù khối ngoại mua ròng 4/5 phiên song với việc bán ròng mạnh phiên cuối tuần đã chấm dứt chuỗi vào ròng 9 tuần liên tiếp. Thống kê lại tuần qua khối này đã bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng, tập trung vào các mã EIB, DGC, VCB. Chiều ngược lại HPG, CTG, VHM là top 3 mã khối này mua mạnh nhất.
Khối tự doanh vào ròng nhẹ gần 40 tỷ đồng, mua ròng nhiều nhất bao gồm KDH, VPB, MBB. Trong khi đó bán ròng chủ yếu các mã NVL, EIB, PVD.
Sau nhiều tuần rút ròng khỏi thị trường, khối nhà đầu tư cá nhân trong nước đã quay trở lại giải ngân 1.400 tỷ đồng trong tuần qua. Thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, tính đến cuối năm 2022, tổng số tài khoản chứng khoán gần 7 triệu tài khoản, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước là 6,84 triệu.
Tin tức đáng chú ý trong tuần qua là CPI tháng 12 của Mỹ tăng 6,5% – mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 10/2021, giảm mạnh so với mức tăng 7,1% tháng 11.
Theo Agrisesco Research, CPI tháng 12 giảm so với tháng trước nhờ giá xăng và nhiều mặt hàng khác cùng đi xuống và được xem là một dấu hiệu cho thấy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trong một xu hướng giảm bền vững. Nhưng, kết quả này vẫn đang cao gấp hơn 3 lần so với mục tiêu lạm phát 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra.
Theo đánh giá của Agriseco Research, đồ thị tuần của VN-Index hình thành cây nến Doji trên nền thanh khoản thấp (giá trị giao dịch bình quân chưa đến 11.000 tỷ đồng/phiên) cho thấy tâm lý thận trọng của cả bên mua và bán khi kỳ nghỉ lễ cận kề.
Agriseco Research cho rằng, trạng thái tâm lý này nhiều khả năng duy trì trong tuần tới, do đó nghiêng về kịch bản thị trường sẽ tiếp tục giằng co trong biên độ 1.050 – 1.070 điểm. Song với việc VN-Index đã có 3 lần kiểm định không thành công vùng kháng cự 1.065 – 1.070 điểm, xác suất chỉ số có thể quay về vùng giá 1.030 điểm, tương đương với hỗ trợ ngắn hạn MA20 để thu hút lực cầu tốt hơn cần được tính đến.
Nhà đầu tư có thể tích lũy các cổ phiếu thuộc một số nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng trong năm 2023 tại nhịp thị trường điều chỉnh bao gồm:
(1) Chủ đề Trung Quốc mở cửa nền kinh tế: Một số nhóm ngành hưởng lợi, theo Agriseco Research, bao gồm nhóm thủy sản khi Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam; Nhóm hàng không – du lịch cũng sẽ hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa, khách du lịch từ quốc gia này đóng góp khoảng 1/3 tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam tại thời điểm trước dịch Covid-19. Ngành thép cũng có thể hưởng lợi với kỳ vọng giá thép tăng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ vật liệu của Trung Quốc dự kiến tăng mạnh để phục vụ đầu tư hạ tầng tái thiết nền kinh tế
(2) Chủ đề đầu tư công: Giải ngân đầu tư công được kỳ vọng trở thành trụ cột mới cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Những nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp có thể kể đến là xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng (đá, xi măng, thép).