Hiệu quả nửa vời
Là một trong những bệnh viện đi đầu về xã hội hóa y tế, có thời điểm gần 100% số thiết bị xét nghiệm, máy chụp cộng hưởng từ, hệ thống máy điều trị ung bướu tại Bệnh viện Bạch Mai là thiết bị xã hội hóa, thiết bị diện liên doanh liên kết.
Tuy nhiên, theo đại diện Bệnh viện, trong 2 năm Covid-19 và sau nhiều rắc rối liên quan đến pháp luật, hàng chục đề án liên doanh, liên kết phải chuyển cơ quan điều tra, nhiều thiết bị phải đắp chiếu, tổng thu của Bệnh viện năm 2020 giảm 2.000 tỷ đồng so với năm 2019. Đến năm 2021, doanh thu Bệnh viện tiếp tục giảm 2.000 tỷ đồng so với năm 2020, kéo theo thu nhập của đội ngũ y, bác sỹ của bệnh viện giảm mạnh. Chính vì thế, mặc dù là một trong 2 bệnh viện đầu tiên triển khai tự chủ tài chính toàn diện, nhưng Bệnh viện Bạch Mai đã gặp nhiều khó khăn khi tiến trình xã hội hóa nhuốm màu sai phạm.
Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cũng là một trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt với hơn 3.200 giường bệnh và mỗi ngày có 6.000 – 8.000 bệnh nhân đến khám, nhưng hầu hết hệ thống xét nghiệm của Bệnh viện là máy đặt, máy mượn. Nguyên nhân do khi thực hiện tự chủ, hệ thống máy của Bệnh viện đã hết khấu hao. Để mua mới thì chi phí quá lớn, nên phương án của Bệnh viện là dùng máy mượn, máy đặt của đơn vị trúng thầu hóa chất.
Thống kê tại các bệnh viện công lập tại 45 địa phương, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, có tới hơn 2.000 máy, thiết bị đang được sử dụng là máy mượn, máy đặt của các đơn vị cung cấp sinh phẩm sau khi trúng thầu. Theo các bệnh viện, việc dùng máy mượn, máy đặt phù hợp thông lệ quốc tế, nhưng cần có quy định rõ ràng.
Qua phản ánh của các cơ sở y tế khi thực hiện xã hội hóa là họ đang gặp khó do chưa có quy định để tính phần góp của bệnh viện trong đề án liên kết. Theo đó, Bệnh viện góp mặt bằng, nhân lực, thương hiệu… nhưng những phần đóng góp này quy ra bằng bao nhiêu phần trong liên doanh lại không rõ. Cho nên, có đề án chia bệnh viện 3 phần, nhà đầu tư 7 phần, có đề án lại chia 4/6, thậm chí chia 5/5, nhưng vì sao chia như vậy lại chưa được làm rõ, bởi chỉ thỏa thuận miệng. Vì thế, cơ sở pháp lý của dịch vụ xã hội hóa trong bệnh viện công vừa lỏng lẻo, vừa ẩn chứa nguy cơ lợi ích nhóm xuất hiện.
Khi mà lợi ích chưa rõ ràng thì xã hội hóa y tế tại bệnh viện công hiện nay đang tạo ra những góc khuất nguy hiểm. Tại một số bệnh viện còn “nở rộ” tình trạng nhân viên của bệnh viện góp vốn đầu tư thiết bị để chia lợi tức.
Bên cạnh đó, xã hội hóa y tế không những gián tiếp gây ra tình trạng lạm dụng chụp chiếu, xét nghiệm, mà còn là tiền đề cho một sự bất công khác. Sở dĩ như vậy là do theo cách phân tuyến hiện nay, các bệnh viện tuyến dưới không được phép làm nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Từ đó, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào các bệnh viện tuyến trên, tạo ra sự chênh lệch ngày càng lớn giữa tuyến trên và tuyến dưới, làm cho người bệnh đổ dồn lên các tuyến trên, gây quá tải.
Kiềng ba chân
Theo các chuyên gia y tế, hiện các quy định về hợp tác công – tư trong lĩnh vực y tế chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở, nhất là việc xây dựng các định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí, ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp y tế làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu còn chậm, thiếu chặt chẽ dễ dẫn đến sai sót, vi phạm.
Bên cạnh đó, khu vực y tế công hiện đang hướng đến thực hiện tự chủ tài chính, nhưng cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ, dẫn đến nguồn thu ngày càng giảm. Do đó, càng tự chủ, càng xã hội hóa thì càng khó khăn, nguồn thu ngày càng hạn hẹp, teo tóp dần. Nhiều cơ sở y tế công lập không đủ tiền trả lương cho nhân viên, không tái đầu tư, không đủ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực khiến rất nhiều nhân viên y tế bỏ việc.
Ngoài ra, cơ chế quản lý, tài chính trong giữa khu vực công và tư trong lĩnh vực y tế hoàn toàn khác nhau, nên việc kết hợp theo kiểu xã hội hóa là chưa phù hợp, rất khó thực hiện trong thực tế dẫn đến vướng mắc, bất cập, sai phạm.
Để khắc phục những bất cập của xã hội hóa y tế, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ông Nguyễn Lân Hiếu đề xuất quy định 3 hình thức hợp tác công – tư trong y tế, gồm cho vay có ưu đãi để bệnh viện mua sắm đầu tư; thuê và cho thuê trang thiết bị khám chữa bệnh và hợp tác công – tư phi lợi nhuận.
Riêng với hợp tác công – tư phi lợi nhuận, theo ông Hiếu, các nhà hảo tâm, các quỹ xây dựng bệnh viện và cho các bệnh viện công vận hành, lợi nhuận nếu có sẽ không chia, mà tiếp tục giữ lại đầu tư để phát triển bệnh viện, nâng cao đời sống nhân viên, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Trong khi đó, từ góc độ thị trường, TS. Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công đề xuất, cần phải tạo cơ chế cạnh tranh công – tư trong tiếp cận nguồn chi trả từ bảo hiểm xã hội như một công cụ thị trường để nâng cao hiệu quả bệnh viện công; đồng thời khuyến khích tư nhân phát triển.
Nhắc lại quan điểm cần phải tạo thị trường đúng nghĩa, TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng cho rằng, một chính sách y tế hợp lý, chú trọng vào tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng. Chẳng hạn, minh bạch và bình đẳng tiếp cận nguồn chi trả của Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ giúp y tế tư nhân nhanh chóng mở rộng mạng lưới đến tận vùng nông thôn, miền núi.