Trên thực tế, vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm là có hệ thống, có tổ chức trên quy mô lớn để lại nhiều hệ lụy tiêu cực trong hoạt động quản lý kiểm định xe cơ giới và công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Việc điều tra và phát hiện các hành vi sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới là một chiến công lớn của lực lượng Công an nhân dân, góp phần chấn chỉnh, làm trong sạch bộ máy ngành đăng kiểm. Việc này vừa có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ đối với toàn thể cán bộ, công nhân viên trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới, vừa góp phần làm rõ những lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước một hoạt động kỹ thuật nhưng có tính xã hội rất cao này.
Tuy nhiên, việc bắt giữ và tạm dừng số lượng lớn trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên trong một thời gian ngắn dẫn đến thiếu hụt trung tâm đăng kiểm và nhân lực để thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện ô tô trên nhiều địa bàn.
Tính đến ngày 12/1/2022, đã có tổng cộng 33/280 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới bị dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra, trong đó tại Hà Nội chỉ còn 20 trên tổng số 31 trung tâm đang hoạt động (11 trung tâm bị đóng cửa); tại TP. HCM chỉ còn 8 trung tâm và 1 chi nhánh trên tổng số 17 trung tâm và 2 chi nhánh đang hoạt động (9 trung tâm và 1 chi nhánh bị đóng cửa). Có địa phương (như Hòa Bình) không còn bất cứ dây chuyền kiểm định nào hoạt động. Điều đáng nói là, do vụ án đang trong giai đoạn điều tra, nên rất có thể sẽ có thêm trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động.
Sự thiếu hụt này đã dẫn tới tình trạng ùn tắc nghiêm trọng các phương tiện khi đi kiểm định, ảnh hưởng tới nhu cầu thiết thực của người dân, doanh nghiệp, tới kinh tế – xã hội, đặc biệt là trong đợt vận chuyển cao điểm Tết Nguyên đán 2023.
Không chỉ gây ách tắc trong hoạt động vận tải và lưu thông hàng hóa, việc chậm kiểm định xe cơ giới còn làm gia tăng nguy cơ gây mất an toàn giao thông do nhiều phương tiện hết hạn kiểm định, nhưng vẫn lưu thông hoặc có thể bị xử phạt oan do chưa được kiểm định đúng hạn…
Để khắc phục tình trạng ùn tắc trong kiểm định, trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông – Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phối hợp với các địa phương đưa ra nhiều giải pháp, như tăng thời gian làm việc từ 6 giờ sáng đến 21 giờ, làm việc cả ngày nghỉ, điều động tăng cường đăng kiểm viên cho các trung tâm, ứng dụng công nghệ thông 2 tin để chủ xe đăng ký lịch, thời gian kiểm định, khuyến cáo chủ xe đi kiểm định ở địa phương lân cận… Song tất cả giải pháp trên chỉ mang tính tạm thời, không thể kéo dài vì sức người có hạn và có thể phát sinh nhiều hệ lụy như tổn thất về thời gian, chi phí vì phải di chuyển xa để kiểm định, người dân phải xếp hàng từ đêm để có thể được đăng kiểm. Ngoài ra, hiệu suất làm việc của các trung đăng kiểm đang hoạt động là rất thấp do đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ luôn phải làm việc trong trạng thái áp lực, tâm lý không ổn định. Điều này, nếu kéo dài, sẽ gây tổn thất to lớn cho xã hội và người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu di chuyển, lưu thông hàng hóa, kìm hãm đà phát triển của nền kinh tế.
Vấn đề quan trọng lúc này là các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra cần xem xét, tạo điều kiện cho phép tái sử dụng các trung tâm đăng kiểm đang bị tạm dừng hoạt động được hoạt động trở lại bằng cách Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát để trang bị hệ thống máy tính mới thay thế cho hệ thống máy tính cũ giữ nguyên để phục vụ công tác điều tra. Ngoài ra, cần điều động bổ sung nguồn nhân lực đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ mới để sớm vận hành trở lại các trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đăng kiểm thiết yếu của người dân trước và sau Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông – Vận tải cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, công an các địa phương để thống nhất phương án triển khai thực hiện trong quá trình chỉ đạo điều tra, xử lý sai phạm liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm theo đúng quy định của pháp luật. Quan trọng hơn, các cán bộ, nhân viên làm việc trong ngành đăng kiểm cần phải nỗ lực tối đa, coi đây là cơ hội sửa sai, chuộc lỗi với nhân dân cả nước, để từng bước lấy lại uy tín, danh dự của ngành đã bị tổn hại lớn sau “cơn sóng thần” vừa qua.