Giá vàng được dự báo cán mốc 2.100 USD/ounce trong năm 2023. Ảnh: AFP |
Giá vàng được kích thích bởi nhiều nhân tố
Vàng giao ngay đã tiến sát mốc 1.850 USD/ounce trong ngày 3/1 trước khi giảm xuống và giao dịch quanh mức 1.835 USD/ounce. Trong khi đó, vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng giá 0,9% lên 1.842,80 USD/ounce.
Kể từ đầu tháng 11/2022, giá vàng đã đu theo xu hướng giảm chung khi thị trường chứng khoán hỗn loạn, dự đoán suy thoái kinh tế gia tăng và các ngân hàng trung ương mua tích trữ vàng nhiều hơn đã đẩy nhu cầu vàng đi lên.
“Nói chung, chúng tôi đang tìm kiếm một mức giá vàng thân thiện trong năm 2023 sẽ được hỗ trợ bởi suy thoái kinh tế và rủi ro định giá thị trường chứng khoán – mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng trung ương ấn định, cộng với triển vọng đồng đô la Mỹ suy yếu đi và lạm phát không quay trở lại mức dự kiến dưới 3% vào cuối năm – tất cả những điều đó đều gia tăng kích thích giá“, ông Ole Hansen, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo cho biết.
“Ngoài ra, hiện tượng giảm đô la hóa của một số ngân hàng trung ương vào năm ngoái khi một lượng vàng kỷ lục được mua vào có vẻ sẽ tiếp tục, do đó tạo ra một mức sàn mềm cho thị trường này“, đại diện Ngân hàng Saxo nói thêm.
Trong thời gian tới, ông Hansen cho rằng các sự kiện tác động đến giá vàng sẽ là cuộc họp sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và báo cáo việc làm của Mỹ được công bố cuối tuần này.
“Trên mức 1.842 USD, tức 50% [mức] điều chỉnh vào năm 2022, giá vàng sẽ tìm kiếm mức kháng cự tiếp theo là 1.850 USD và trên 1.878 USD”, ông Hansen lưu ý.
Cảnh báo giá vàng sẽ lập đỉnh mới
Phần lớn triển vọng năm 2023 đối với thị trường toàn cầu phụ thuộc vào quỹ đạo của chính sách tiền tệ khi các ngân hàng trung ương chấm dứt chính sách nới lỏng bằng các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm 2022 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn treo lơ lửng.
Tuy nhiên, quan điểm của các nhà kinh tế thế giới đang “vênh” nhau, trong đó băn khoăn lớn nhất hiện nay là việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm hay không, bởi lạm phát dự kiến sẽ vẫn cao hơn nhiều so với ngưỡng mục tiêu mà hầu hết các nền kinh tế lớn đề ra.
Theo các chiến lược gia, chính sách xoay trục ôn hòa hoàn toàn của các ngân hàng trung ương trong năm nay có thể tác động lớn đến thị trường vàng.
Ông Eric Strand, quản lý cấp cao tại Quỹ AuAg ESG Gold Mining ETF, cho rằng năm 2023 sẽ đưa giá vàng lên mức cao nhất lịch sử và bắt đầu một “thị trường giá lên kéo dài mới” với mức giá vượt quá 2.100 USD/ounce.
“Các ngân hàng trung ương sẽ bổ sung ngày càng nhiều vàng vào kho dự trữ của họ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, với mức kỷ lục đã thiết lập vào [quý III] năm 2022″, ông Strand cho biết.
“Chúng tôi cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ xoay trục chính sách tăng lãi suất và trở nên ôn hòa hơn trong năm 2023, điều này sẽ kích hoạt sự bùng nổ đối với thị trường vàng trong nhiều năm tới. Do đó, chúng tôi tin rằng giá vàng sẽ kết thúc năm 2023 với mức tăng ít nhất 20%…“, đại diện Quỹ AuAg ESG Gold Mining ETF nói thêm.
Tháng trước, ông Juerg Kiener, Giám đốc điều hành Swiss Asia Capital, bình luận trên đài CNBC rằng xu hướng tăng giá của vàng thỏi đã được lặp lại vào cuối năm ngoái khi các điều kiện thị trường tương tự như năm 2001 và 2008.
“Vào năm 2001, thị trường vàng không chỉ tăng giá 20 hay 30% mà còn tăng rất nhiều, giống như năm 2008 khi chúng ta chứng kiến một bán tháo nhỏ hơn trên thị trường và khi các gói kích thích quay trở lại, giá vàng đã tăng từ 600 USD lên 1.800 USD trong thời gian ngắn, vì vậy tôi nghĩ rằng chúng ta có cơ hội rất tốt để chứng kiến một biến động lớn”, ông Kiener nhận định.
“Sẽ không chỉ là (mức tăng giá – BTV) 10 hay 20%, tôi nghĩ rằng sẽ một biến động thực sự sẽ tạo ra những kỷ lục mới”, Giám đốc điều hành Swiss Asia Capital dự đoán.