Dưới đây là câu trả lời cho những thắc mắc về ChatGPT và chuyện gì đang xảy ra trên thị trường công nghệ nói riêng, cũng như các thị trường toàn cầu nói chung liên quan tới sản phẩm này.
ChatGPT là gì?
ChatGPT là một sản phẩm chatbot (mô hình đàm thoại) dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) do OpenAI – một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) xây dựng và phát triển. OpenAI được đồng sáng lập bởi Elon Musk và Sam Altman vào năm 2015, với sự hậu thuẫn của một số nhà đầu tư nổi tiếng, mà đáng chú ý nhất là Microsoft.
ChatGPT chỉ là 1 trong các sản phẩm Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) – kỹ thuật tạo ra trí thông minh nhân tạo trong đó máy tính sẽ sử dụng mô hình deep learning để tạo ra các nội dung từ yêu cầu con người đặt ra, ví dụ âm thanh, chữ viết, video, hình ảnh…
Trước đó, một sản phẩm Generative AI khác cũng trở thành hiện tượng trên toàn cầu là Dall-E, công cụ đưa văn bản thành hình ảnh, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật dựa trên mô tả do người dùng nhập vào. Dall-E cũng là một sản phẩm của OpenAI.
Dall-E cũng từng gây sốt với khả năng vẽ tranh theo mô tả của người dùng
Vậy ChatGPT có gì đặc biệt?
ChatGPT hoạt động dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (largr language model – LLM), cho phép công cụ này hiểu được ngôn ngữ và tạo ra các câu trả lời dựa trên thông tin lớn được tích hợp.
Công nghệ LLM mà ChatGPT đang sử dụng có tên gọi GPT-3.5. Đây là phiên bản mới nâng cấp từ công nghệ GPT-3. Tháng 5/2020, OpenAI chính thức trình làng GPT-3 với khả năng xử lý 175 tỷ tham số so với 1,5 tỷ của GPT-2. Điều này đồng nghĩa với việc GPT-3 thông minh hơn và có khả năng tạo ra văn bản không khác gì con người. Đây cũng là phiên bản mạnh nhất kể từ trước tới nay.
Khi người dùng đưa vào GPT-3 bất cứ tham số rời rạc nào, họ cũng sẽ nhận về một văn bản hoàn thiện, phù hợp nhất với những gì được đưa ra.
Hiện tại, điều khiến ChatGPT gây ấn tượng mạnh mẽ với người dùng là khả năng tạo ra các câu trả lời hoàn chỉnh và mang tính người bậc nhất.
“Thứ gây kích động lớn với người dùng là các câu trả lời ngày càng giống con người. Đây là thứ mà chúng ta vẫn luôn hoài nghi liệu một máy tính/một công cụ có thể làm được hay không”, Jeffrey Wong, người đứng đầu bộ phận sáng kiến tại EY chia sẻ với CNBC.
Một điểm nhấn khác là việc ChatGPT có khả năng sử dụng ngữ cảnh/tư liệu từ các hội thoại trước đó để tạo nên câu trả lời tiếp theo liền mạch.
Tại sao ChatPGT thông dụng tới vậy?
Trước ChatGPT, chưa từng có sản phẩm AI nào nhanh chóng trở nên nổi tiếng và “viral” tới vậy. ChatGPT trở thành chủ đề được thảo luận, bàn bạc tại mọi cộng đồng, xuất hiện ở Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, tạo nên cơn sốt trên toàn cầu.
Chỉ 5 ngày sau khi ra mắt, có 1 triệu lượt người đăng ký sử dụng, theo số liệu được người sáng lập OpenAI Altman công bố ngày 5/12/2022. Tính tới hết tháng 1/2023, ChatGPT đã đạt 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng xuất hiện, trở thành ứng dụng tăng trưởng người dùng nhanh nhất trong lịch sử, theo số liệu được UBS công bố.
Lượng truy cập website OpenAI và nền tảng ChatGPT kể từ tháng 11/2022 tới nay
Để so sánh, TikTok cần 9 tháng để đạt 100 triệu người dùng và Instagram cần 2,5 năm.
31/1/2023 là ngày đánh dấu mốc lớn của ChatGPR khi ghi nhận kỷ lục 28 triệu lượt người sử dụng trong 1 ngày, theo số liệu của Similarweb. Con số này tăng 165% so với 1 tháng trước.
Một trong những lý do khiến ChatGPT trở nên thông dụng là khả năng truy cập dễ dàng. Dịch vụ ChatGPT được mở miễn phí cho bất kỳ ai trên website của OpenAI và có khả năng đáp ứng nhiều yêu cầu của người dùng, từ việc làm bài tập về nhà cho tới các luận văn, tài liệu.
Thời điểm ra mắt cũng góp phần tạo nên thành công của ChatGPT.
“Khi chúng ta bước ra khỏi đại dịch, chúng ta mong đợi những hoạt động sáng tạo. ChatGPT ra mắt đúng thời điểm người dùng đang háo hức cho những sáng tạo mới”, Jeffrey Wong nhận định.
Tại sao các ông lớn công nghệ lại giật mình?
Microsoft đã đặt cược hàng tỷ USD vào OpenAI – cha đẻ của ChatGPT. Vào cuối tháng 1/2023, gã khổng lồ công nghệ này thông báo đã có thoả thuận đầu tư nhiều năm với giá trị hàng tỷ USD với công ty khởi nghiệp OpenAI. Microsoft từ chối công bố con số cụ thể, nhưng một báo cáo từ Semafor cho biết, nhiều khả năng Microsoft đang thảo luận để đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào OpenAI. Trước đó, Microsoft đã đầu tư 1 tỷ USD.
Ngày 8/2/2023, Microsoft đã tổ chức sự kiện thông báo ra mắt phiên bản mới của Bing – công cụ tìm kiếm phổ biến thứ hai chỉ sau Google. Theo đó, Bing được tích hợp công cụ nhận dạng AI, cho phép máy tìm kiếm câu trả lời và tương tác tự nhiên với người dùng giống với ChatGPT. Altman xác nhận, OpenAI hợp tác với Microsoft để sử dụng công nghệ GPT-3.5 cho Bing.
Sự kiện này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Google công bố công cụ mang tên Bard AI – đối thủ của ChatGPT. Công ty dự kiến sẽ bắt đầu đưa Bard vào công cụ Google Search trong vài tuần tới.
Bard là một chatbot mới được hỗ trợ bởi AI do Google phát triển
ChatGPT được xem là một mối đe doạ với Google. Thay vì tìm tới các trang web tìm kiếm, mà phổ biến nhất là Google Search, người dùng có thể đưa ra hàng loạt câu hỏi với ChatGPT để tìm thấy câu trả lời.
ChatGPT hiệu quả tới mức nào?
ChatGPT có những hạn chế. Các câu trả lời của ChatGPT không mang tính xác thực, hoặc có thể dựa trên dữ liệu không chính xác. Đáng chú ý, chính Mira Murati, CTO của OpenAI thừa nhận, điểm yếu lớn nhất của công cụ này là có khả năng bịa ra sự thật, không phải câu trả lời lúc nào cũng đúng. Ví dụ, công cụ này có thể tự sáng tác ra các câu chuyện hoặc sự kiện lịch sử không có thật.
Người dùng cũng có thể “dạy” ChatGPT câu trả lời chính xác hoặc cập nhật kiến thức mới. Nhưng điều này lại dẫn tới rủi ro cố tình đưa thông tin sai lệch.
Kiến thức của ChatGPR hiện đang dựa trên các dữ liệu của năm 2021, tuy nhiên có thể cập nhật/cải tiến theo thời gian. Dễ nhận thấy, với việc thị trường rất thích thú với GPT-3, thế hệ tiếp theo GPT-4 do OpenAI phát triển đang rất được mong đợi.