Sẽ tăng năm nay
Trong dự báo mới đây, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) nhận định, giá vàng trong năm 2023 tương đối ổn định trước những bất ổn kinh tế nghiêm trọng. “Các nhà đầu tư nắm giữ vàng trong năm 2022 nhận được lợi nhuận tốt hơn so với một số kênh đầu tư khác. Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2023”, ông Juan Carlos Artigas, Trưởng bộ phận Nghiên cứu toàn cầu tại WGC cho biết.
Trước đó, dữ liệu do WGC tổng hợp cho thấy, nhu cầu vàng năm 2022 đã vượt xa bất kỳ năm nào trong 55 năm qua. Tháng 11/2022, WCG ước tính, các tổ chức tài chính trên thế giới đã mua 673 tấn vàng. Trước đó, riêng trong quý III/2022, các ngân hàng trung ương đã mua gần 400 tấn vàng, tăng gấp 4 lần so với một năm trước đó và đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 1967.
Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, giá vàng tăng do lo ngại dịch Covid-19, Fed tăng lãi suất chậm lại và Chỉ số đồng USD giảm nhẹ.
Thực tế cũng cho thấy, giá vàng thế giới được giao dịch quanh ngưỡng 1.840 USD/ounce trong những phiên đầu năm 2023, cao nhất trong vòng 6 tháng qua. Giới quan sát nhận định, xu hướng chung đối với giá vàng là tích cực. Bất kỳ sự sụt giảm nào của giá kim loại quý này nên được xem là cơ hội mua, vì giá vàng giao ngay có thể tăng lên mức 1.865 – 1.890 USD/ounce khi giá được duy trì trên mức 1.820 USD.
Trong một cuộc khảo sát về triển vọng giá vàng trong thời gian tới, các nhà đầu tư bán lẻ cho thấy tâm lý lạc quan khi vàng đã tạo ra một nền tảng tương đối vững chắc. Đồng thời, các nhà đầu tư bán lẻ kỳ vọng, giá vàng sẽ tăng lên mức cao mới một cách vững chắc, trên 2.000 USD/ounce.
Bank of America là một trong số những ngân hàng lạc quan nhất về vàng và triển vọng giá vàng trong năm 2023. Ngân hàng này dự báo, giá vàng sẽ chạm 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư hạn chế chạy theo đà tăng của giá vàng và chỉ nên mua vào khi giá điều chỉnh giảm.
Nhận định về nguyên nhân khiến giá vàng liên tục tăng, ông Anuj Gupta, Phó chủ tịch Bộ phận Nghiên cứu của Công ty chứng khoán IIFL Securities (Ấn Độ) cho rằng, giá vàng tăng tuần thứ 8 liên tiếp có thể là do mối lo ngại về làn sóng Covid-19 gia tăng, Fed gợi ý về khả năng giảm tốc lộ trình tăng lãi suất và Chỉ số đồng USD giảm.
Rào cản từ Fed
Giới phân tích lĩnh vực vàng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế đối mặt nguy cơ suy thoái, sự không chắc chắn về lộ trình tăng lãi suất của Fed và rủi ro địa chính trị, các nhà đầu tư vẫn thận trọng một chút và vàng có vẻ là tài sản khá hấp dẫn. Thậm chí, nếu Fed xem xét giảm tốc độ nâng lãi suất và kết thúc chu kỳ tăng lãi suất sớm hơn, thì giá vàng có khả năng tăng hơn nữa.
Trong thời gian tới, các sự kiện tác động đến giá vàng sẽ là cuộc họp sắp tới của Fed và báo cáo việc làm của Mỹ được công bố cuối tuần này. Vào cuộc họp chính sách tháng 12/2022, Fed đã quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25-4,5%. Những đợt tăng lãi suất trong năm 2023 có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù vàng được coi là một hàng rào chống lại sự không chắc chắn của nền kinh tế, nhưng nó có xu hướng giảm sức hấp dẫn trong môi trường lãi suất cao.
Đề cập triển vọng giá vàng trong năm 2023, các chuyên gia tài chính cho rằng, cấu trúc giá vàng tổng thể cho thấy một xu hướng tích cực khi bước sang năm 2023. Trong khi đó, dữ liệu do WGC tổng hợp cho thấy, nhu cầu đối với vàng trong năm 2022 đã vượt xa bất kỳ năm nào trong 55 năm qua. Theo dự báo triển vọng năm 2023 công bố mới đây, WGC nhận định rằng, vàng vẫn là một tài sản chiến lược quan trọng, vì kinh tế thế giới được dự báo khá bất ổn trong năm 2023.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấng cấp cao của WGC tại Singapore, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan cho rằng, triển vọng vàng tăng giá còn phía trước, kể cả khi Fed chưa dừng lộ trình tăng lãi suất USD, do tình hình kinh tế suy thoái.
Đó cũng là lý do các ngân hàng trung ương trên thế giới đang nỗ lực đa dạng hoá kho dự trữ ngoại tệ bằng cách tăng mua vàng. Trong đó, các ngân hàng trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và Ấn Độ cho biết đã mua lần lượt 31,2 tấn; 26,1 tấn và 17,5 tấn vàng…
Các ngân hàng trung ương được dự báo sẽ tiếp tục tăng mua vàng, bởi giá kim loại quý này vẫn chiều hướng tăng và không bị ảnh hưởng bởi các quốc gia khác.
Tuy nhiên, với thị trường Việt Nam, vàng không còn được xem là kênh đầu tư hấp dẫn kể từ sau khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ (và Thông tư hướng dẫn số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 của Ngân hàng Nhà nước về quản lý hoạt động kinh doanh vàng) có hiệu lực, giá cả thị trường vàng trong nước hầu như không bắt nhịp với thị trường thế giới. Kênh đầu tư vàng, theo đó, cũng kém hấp dẫn hơn với nhà đầu tư trong nước.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, với thị trường vàng hiện nay, nếu đầu tư ngắn hạn hay “lướt sóng”, nhà đầu tư sẽ gặp khá nhiều rủi ro, do giá vàng trong nước và quốc tế không liên thông với nhau, dẫn đến chênh lệch giá hơn chục triệu đồng/lượng. Dẫu vậy, theo ông Lực, nếu đầu tư vào vàng như một kênh tích lũy, dài hạn thì vẫn có thể chấp nhận được.