ChatGPT cán mốc 100 triệu lượt sử dụng trên toàn cầu |
App giả mạo ChatGPT nở rộ
Siêu AI sản sinh ChatGPT cán mốc 100 triệu lượt sử dụng đang tạo nên cơn sốt toàn cầu. “Ăn theo” trào lưu này, hàng trăm ứng dụng giả mạo ChatGPT đang tồn tại trên chợ ứng dụng App Store và Google Play ngày đêm móc túi người dùng.
Phóng viên đã tải ứng dụng có tên “ChatGPT Chat GPT AI With GPT-3” được giới thiệu là ứng dụng chính thức dành cho bot ChatGPT, nhưng dường như không có liên kết nào với Open AI, những người tạo ra ChatGPT hoặc chính bot này. Ứng dụng tính phí người dùng 7,99 USD/tuần hoặc 49,99 USD/năm để sử dụng bot không giới hạn số lần và loại bỏ các quảng cáo trong ứng dụng.
Bên cạnh đó, ứng dụng trên và bot của nó không nhất quán, đôi khi cung cấp các phản hồi chung chung hoặc hoàn toàn không liên quan đến lời nhắc do người dùng đưa ra. Khôi hài là ứng dụng này có năng suất phổ biến thứ hai trên App Store ở Mỹ. Ứng dụng hiện được xếp hạng 4,6/5 và có hơn 13.000 xếp hạng trước khi bị gỡ xuống cách đây vài ngày.
Hay như ứng dụng Open Chat – GPT AI Chatbot với hơn 1 triệu lượt tải, người dùng cũng được yêu cầu phải trả tiền để sử dụng. Mức phí cụ thể là 118.000 đồng/tuần, 211.000 đồng/tháng hoặc 1,4 triệu đồng trọn gói.
Trang Top10VPN mới đây đã phát hiện hàng loạt ứng dụng giả mạo ChatGPT trên App Store và Google Play. Theo đó, trên Google Play là các ứng dụng như AI Chat Companion, ChatGPT 3: ChatGPT AI, Talk GPT – Talk to ChatGPT, ChatGPT AI Writing Assistant, Open Chat – AI Chatbot App… Còn trên App Store là Open Chat – AI Chatbot, Wisdom AI – Your AI Assistant, Chat AI: Personal AI Assistant, Alfred – Chat with GPT 3, TalkGPT – Talk to ChatGPT, Write For Me GPT AI Assistant, Genie – GPT AI Assistant… Ước tính có hàng triệu người dùng tải ứng dụng và trả phí cho các ứng dụng giả mạo này.
Cẩn trọng “tiền mất, tật mang”
Theo GizChina, bằng cách tạo ra các ứng dụng ChatGPT giả mạo để đánh lừa người dùng tải về từ App Store và Google Play, tin tặc có thể đánh cắp dữ liệu của người dùng. Ngoài ra, một số ứng dụng giả mạo còn yêu cầu một khoản phí sử dụng hằng tháng.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho biết, Chat GPT chưa mở cho thị trường Việt Nam. Hiện những phần mềm, thông tin giả mạo và những đường link có kèm theo mã độc được lan trên các mạng xã hội. Khi người dùng cài, sẽ có nguy cơ dính phần mềm gián điệp.
“Khi phần mềm gián điệp nằm trên điện thoại, nguy cơ bị mất tài khoản Facebook, ngân hàng, theo dõi từ xa… là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài việc hiển thị quảng cáo, các ứng dụng ChatGPT giả mạo còn yêu cầu người dùng trả phí hằng tháng với mức giá dao động 8-50 USD hoặc cung cấp thông tin thẻ VISA để chiếm đoạt tiền”, ông Thắng chia sẻ thêm.
Việc giả mạo các ứng dụng “hot” không phải là điều quá mới lạ. Mỗi năm, trên App Store và Google Play xuất hiện hàng ngàn ứng dụng giả mạo. Bộ Xã hội – Kinh tế Kỹ thuật số Thái Lan (DES) và Trung tâm An ninh mạng quốc gia của Anh (NCSC) mới đây đã phát hiện 203 ứng dụng độc hại trên nền tảng Android và iOS.
Theo cảnh báo của 2 cơ quan trên, những ứng dụng độc hại này có khả năng thu thập thông tin cá nhân, đánh cắp tài khoản ngân hàng của người dùng và kiểm soát các smartphone bị nhiễm mã độc từ xa. Điểm chung của các ứng dụng là đều chứa mã độc và có thể gây hại cho thiết bị ngay sau khi được cài đặt.
Đầu năm 2023, Bộ Công an cũng đã phát đi cảnh báo về những rủi ro khi dùng ứng dụng giả mạo. Về cơ bản, sau khi người dùng cài đặt, các ứng dụng giả mạo thường yêu cầu đăng nhập tài khoản ngân hàng, họ tên, số căn cước công dân…, với lý do giúp người dùng bảo mật thông tin.
OpenAI, cha đẻ của ChatPGT khuyến cáo, ChatGPT là một công cụ hoàn toàn miễn phí. OpenAI cũng cung cấp gói thành viên hàng tháng 20 USD với một số quyền lợi chỉ những người tham gia mới nhận được như ưu tiên quyền truy cập, khả năng phản hồi tốt hơn, thử nghiệm chức năng mới… ChatGPT mới đang ở giai đoạn thử nghiệm, chưa cung cấp ứng dụng trên App Store và Google Play. Vì vậy, người dùng không tải ứng dụng, trả phí hoặc làm theo hướng dẫn từ các nhà cung cấp trên App Store và Google Play.
– Ngày 7/2, Tập đoàn Baidu Trung Quốc cho biết, doanh nghiệp sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ dự án kiểu ChatGPT có tên là “Ernie Bot” vào tháng 3, tham gia cuộc đua toàn cầu về ứng dụng AI.
– Ngày 6/2, Google thông báo sẽ ra mắt chatbot có tên gọi Bard cạnh tranh với ChatGPT. Bard đã được phát triển trong vài năm qua, dựa trên Mô hình ngôn ngữ cho hệ thống các ứng dụng hội thoại (LaMDA) của Google.