CTCP Tập đoàn PAN (HSX: PAN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán quý IV và luỹ kế cả năm 2022.
Dù gặp nhiều khó khăn trong quý cuối năm, kết quả kinh doanh hợp nhất cả năm của PAN vẫn tăng trưởng mạnh mẽ so với 2021 và vượt kế hoạch về lợi nhuận. Tập đoàn ghi nhận mức tăng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt 48% và 51% so với cùng kỳ.
Tính riêng trong quý IV/2022, doanh thu hợp nhất của PAN đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ từ 278 tỷ xuống 235 tỷ (gần 16%).
Tăng trưởng doanh thu chủ yếu tới từ mảng nông dược và bánh kẹo khi VFC đạt 850 tỷ doanh thu (tăng 38,5% so với cùng kỳ) và Bibica đạt 670 tỷ doanh thu (tăng 53% so với cùng kỳ). Ngoài ra mảng hạt, hoa quả sấy cũng có tăng trưởng doanh thu cao ở mức 30% khi tận dụng nhu cầu cao cho dịp Lễ, Tết cũng như việc thị trường Trung Quốc, Hong Kong phần nào được nới lỏng giãn cách vào thời điểm cuối năm 2022.
Riêng với mảng thủy sản, với nhu cầu suy giảm trên thị trường thế giới (Mỹ, EU) khiến doanh thu trong quý cuối cùng của PAN trong năm 2022 giảm nhẹ 16% so với cùng kỳ năm trước.
Việc này khiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PAN trong quý 4 giảm nhẹ do lợi nhuận của 2 mảng lớn là thủy sản và giống cây trồng suy giảm. Biên lợi nhuận gộp chịu sức ép từ sức mua yếu (giảm giá) cũng như chi phí giá thành sản phẩm tăng (do chia nhỏ đơn hàng).
Việc tổ chức lại hệ thống bán hàng và cơ cấu lại danh mục sản phẩm phù hợp với thị trường ở mảng bánh kẹo đã chứng minh hiệu quả và sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2023 |
Tính chung luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất đạt 13.600 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 48% so với 2021, đến từ việc hợp nhất cả năm kết quả kinh doanh của VFC (2022 chỉ hợp nhất 1 tháng) và tăng trưởng nội tại ở các mảng kinh doanh chính bao gồm thủy sản (15%), bánh kẹo (47%), hạt và nước mắm (20%). Doanh thu của VFC cũng tăng trưởng xấp xỉ 40% so với 2021.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm 2022 đạt 774 tỷ đồng, tăng trưởng 51% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 363 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2021. Kết quả này cũng vượt kế hoạch lợi nhuận đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua (755 tỷ lợi nhuận sau thuế và 355 tỷ lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ).
Trong cơ cấu doanh thu lần lượt theo mảng kinh doanh chính cho cả năm 2022 của PAN, thì mảng thủy sản đóng góp 6.300 tỷ (46%), mảng nông nghiệp đóng góp 4.900 tỷ (36%), thực phẩm đóng góp 2.400 tỷ (17.9%). Về cơ cấu lợi nhuận sau thuế, mảng thủy sản đóng góp 42%, nông nghiệp 53%, thực phẩm 18% và bù trừ cho các chi phí khác khi hợp nhất -14%.
Trong năm 2023, với tình hình thị trường chung được dự báo còn nhiều thách thức, đặc biệt trong nửa đầu năm, PAN tập trung mọi nguồn lực ở các mảng kinh doanh mũi nhọn nhằm đảm bảo mức tăng trưởng bền vững.
Động lực trong thời gian tới có thể đến từ việc phát huy các hợp tác chiến lược, tiếp tục tăng trưởng về quy mô và phát triển sản phẩm mới trong mảng nông dược.
Ở mảng thủy sản, diện tích ao nuôi hơn 500 ha và các nhà máy mới ở điều kiện sẵn sàng sản xuất sẽ là cơ sở để tăng trưởng mạnh về sản lượng trong điều kiện thị trường được dự đoán phục hồi vào nửa cuối năm 2023. Trong khi đó, việc tổ chức lại hệ thống bán hàng và cơ cấu lại danh mục sản phẩm phù hợp với thị trường ở mảng bánh kẹo đã chứng minh hiệu quả và sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2023.
Tháng 9/2022, trong cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư tại Hà Nội và TP. HCM, Tập đoàn PAN cho biết, năm 2022 đánh dấu 10 năm tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm và đã sẵn sàng cho giai đoạn mới: giai đoạn tăng trưởng nhanh. PAN kỳ vọng sẽ vượt qua khó khăn ở giai đoạn đầu năm 2023 và tận dụng tốt các cơ hội để đạt mức tăng trưởng cao nếu thị trường phục hồi và cải thiện dần trong nửa cuối năm.