Ảnh minh họa: Politico |
Theo trang tin Politico.eu ngày 27/1, phản ứng của EU đối với mạng lưới các dự án cơ sở hạ tầng và thương mại của Trung Quốc trải dài trên toàn cầu cuối cùng cũng trở thành hiện thực.
Cụ thể, đó là các dự án thuộc sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” (Global Gateway) hàng đầu của châu Âu nhằm tìm cách cung cấp cho các nước đang phát triển một giải pháp thay thế cho các khoản đầu tư chiến lược của Trung Quốc trong BRI, mà qua đó Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng của mình dọc theo các tuyến thương mại chiến lược thông qua phát triển cảng, kế hoạch năng lượng và mạng lưới viễn thông.
Các dự án đầu tiên trong Global Gateway của EU bao gồm cáp kỹ thuật số dưới Biển Đen; một tuyến cáp quang biển để kết nối các nước Địa Trung Hải và Bắc Phi, và một con đập cùng nhà máy thủy điện ở Cameroon.
Đó chỉ là một số trong số 70 dự án mà EU đang ưu tiên trong năm nay theo Global Gateway. “Global Gateway đang trở nên cụ thể hơn. Bây giờ chúng tôi muốn nói đến kinh doanh”, một quan chức cấp cao của EU nói với Politico.eu về danh sách dự án.
Global Gateway đặt mục tiêu huy động tới 300 tỷ euro quỹ công và tư vào năm 2027 để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của EU ở nước ngoài.
Để so sánh, Trung Quốc đã đầu tư gần 2,3 nghìn tỷ USD vào gần 4.000 dự án đầu tư và xây dựng ở nước ngoài kể từ năm 2005, mang lại cho Bắc Kinh một khởi đầu thuận lợi trước khi EU triển khai nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế của mình.
Phương Tây đã nhiều lần phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng những nỗ lực thách thức BRI của họ quá rời rạc và chậm chạp.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã phát biểu tại một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao EU vào tháng trước rằng khối này cần nâng tầm vai trò của mình và mang lại kết quả rõ ràng trên thực tế. Cuộc họp đó đã dẫn đến việc lựa chọn loạt dự án đầu tiên kể trên.
“Điều này cho thấy Global Gateway sẽ trở nên thực tế hơn vào năm 2023”, một quan chức khác của EU cho biết, lưu ý rằng một số dự án đang có triển vọng tốt, với các bước cụ thể trong năm nay như bắt đầu công việc xây dựng, ký kết biên bản ghi nhớ hoặc chuẩn bị tài chính. Tiếp đó, EU sẽ bắt đầu đặt nền móng cho các dự án khác trong những năm tới.
Quan chức EU đầu tiên cũng nhấn mạnh rằng danh sách này không phản ánh bất kỳ lựa chọn địa chính trị nào. “Không có thông điệp chính trị nào đằng sau việc này”, quan chức trên nói.
Tuy nhiên, EU cũng có một số dự án nhạy cảm, được cho là thực hiện ở “sân sau” của Trung Quốc, chẳng hạn như quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng với Indonesia và dự án kết nối kỹ thuật số ở Philippines. Điều tương tự cũng xảy ra với một số dự án ở “sân sau” của Nga, chẳng hạn như dự án hydro ở Kazakhstan, tuyến giao thông ở Trung Á, hai dự án ở Mông Cổ và một nhà máy thủy điện ở Tajikistan.
Danh sách các dự án ưu tiên lần đầu tiên được thảo luận bởi các nhà ngoại giao EU vào cuối tuần trước. Hai quan chức EU cho biết sẽ có các cuộc đàm phán tiếp theo trong tuần này, với mục đích hoàn tất danh sách vào tuần bắt đầu từ ngày 6/2 tới.