Đường sắt đã có lãi từ kinh doanh vận tải, nhưng kết quả chung vẫn còn lỗ
Tại Hội nghị tổng kết năm 2022, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Đặng Sỹ Mạnh cho biết, năm 2022, ngành đường sắt đã có lãi từ kinh doanh vận tải.
Năm 2022, doanh thu của VNR ước đạt hơn 7.718 tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm trước và vượt 15,8% kế hoạch năm |
Cụ thể, doanh thu của Tổng công ty ước đạt hơn 7.718 tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm trước và vượt 15,8% kế hoạch năm. Lỗ sau thuế dự kiến ở mức 130,5 tỷ đồng, song kết quả này giúp Tổng công ty giảm lỗ 407 tỷ đồng so với năm trước và vượt kế hoạch được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước giao.
Năm 2022, hoạt động của ngành đường sắt vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, đặc biệt trong quý 1/2022. Tính chung cả năm, hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đã phục hồi nhưng sản lượng vẫn chưa đạt như mức năm 2019, trước khi xảy ra dịch bệnh.
Vận chuyển hành khách đường sắt năm 2022 đạt 4,52 triệu lượt hành khách lên tàu, gấp hơn 1,5 lần cùng kỳ; vận chuyển hàng hóa đạt 5,7 triệu tấn, tăng nhẹ 0,8%; luân chuyển đạt 4.624,2 triệu tấn km, tăng 9,8% so với năm 2021.
Tỷ lệ tàu đi đúng giờ đối với tàu khách Thống nhất chạy tuyến Bắc-Nam đạt 98,9%; đến đúng giờ đạt 77,4%. Tàu khách khu đoạn đi đúng giờ đạt 97,7% (tăng 1,3% so cùng kỳ); đến đúng giờ đạt 84,6% (tăng 3,6%).
Ông Mạnh nhấn mạnh “Với chức trách, nhiệm vụ của lãnh đạo, trong các cuộc họp ở Tổng công ty hay đi cơ sở, chúng tôi quyết tâm phấn đấu để năm 2023, VNR sẽ cân bằng được thu – chi trong sản xuất kinh doanh; dự kiến từ các năm 2024 -2025 sẽ có lãi…”
Bamboo Airways thành lập công ty vận chuyển hàng hóa
Bamboo Airways vừa công bố quyết định thành lập và ra mắt đơn vị thành viên mới – CTCP Hàng hóa Hàng không Tre Việt – Bamboo Airways Cargo JSC (BAC).
Bamboo Airways công bố quyết định thành lập và ra mắt đơn vị thành viên mới – CTCP Hàng hóa Hàng không Tre Việt – Bamboo Airways Cargo JSC (BAC). |
BAC có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó Bamboo Airway góp 15 tỷ đồng (tương đương 75%), đặt trụ sở tại tầng 23 tòa tháp thương mại Bamboo Airways Tower, 265 Cầu Giấy, Hà Nội. Ngoài Bamboo Airway, BAC còn có 3 cổ đông cá nhân.
Đồng thời, hãng cũng công bố quyết định bổ nhiệm ông Doãn Hữu Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực, Phó tổng giám đốc thường trực Bamboo Airways giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT BAC; ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways giữ chức vụ Tổng giám đốc BAC; ông Đặng Văn Viện là Giám đốc điều hành BAC.
Đây là hoạt động mới nhất trong chiến lược tổng thể xây dựng hệ sinh thái hàng không, phát triển các công ty thành viên của Bamboo Airways, góp phần giúp hãng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Cũng trong ngày 3/1, CTCP Hàng không Tre Việt (BAV, Bamboo Airways) công bố Nghị quyết bổ nhiệm ông Phạm Đăng Thanh nắm giữ vị trí Phó tổng giám đốc của hãng. Ông Thanh tốt nghiệp Đại học Hàng không Kiev (Liên bang Xô Viết cũ), có nhiều năm kinh nghiệm công tác chuyên sâu trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không, từng đảm nhiệm các chức vụ cao cấp tại các tổ chức, đơn vị hàng không uy tín như: Công ty kỹ thuật VAECO, Xí nghiệp máy bay A76 – Tổng cục Hàng không Việt Nam…
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp sự cố kỹ thuật
Sự cố rò rỉ xúc tác tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) xảy ra từ cuối tháng 12/2022, đã có báo cáo tới Bộ Công thương.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. |
Việc tạm ngưng phân xưởng để khắc phục sự cố theo NSRP dự kiến hoàn thành vào sau ngày 10/1/2023. Đồng thời, các phân xưởng chế biến dầu thô và phân xưởng công nghệ khác được duy trì hoạt động ở công suất thấp hơn kế hoạch trong thời gian sửa chữa.
Thông tin từ NSRP, việc tạm dừng phân xưởng khiến cho sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu của tháng 1/2023 sẽ bị giảm một phần, khoảng từ 20 – 50% so với kế hoạch. Trong khi dự kiến tháng 1-2023, NSRP sản xuất và cung ứng ra thị trường 600.000m3 xăng dầu.
Trước tình hình này, Bộ Công thương cũng đã có văn bản gửi Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, yêu cầu sớm khắc phục sự cố tại phân xưởng RFCC, khôi phục lại hoạt động bình thường phân xưởng này và toàn nhà máy.
Bộ cũng đề nghị NSRP trao đổi với các chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn để có phương án bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt trong giai đoạn nhà máy giảm công suất, triển khai giải pháp để nhà máy vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả, thực hiện đúng cam kết với bên bao tiêu.
HAGL lần đầu có lãi nghìn tỷ đồng sau 8 năm
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vừa có thông báo khẳng định “chắc chắn đã vượt được kế hoạch lợi nhuận đề ra của năm 2022”, số liệu cụ thể sẽ được công bố chính thức tại báo cáo tài chính quý IV/2022 ngay trong tháng 1 này.
HAGL đã quay lại mức lãi nghìn tỷ đồng kể từ năm 2014 đến nay |
Trước đó, công ty của bầu Đức đặt kế hoạch khá tham vọng với mục tiêu lợi nhuận lên đến 1.120 tỷ đồng năm 2022, gấp 10 lần so với năm 2021 và tương đương với thời kỳ đỉnh cao kinh doanh trong giai đoạn 2011 trở về trước.
Như vậy, với con số lợi nhuận vượt 1.120 tỷ đồng, HAGL đã quay lại mức lãi nghìn tỷ đồng kể từ năm 2014 đến nay (lợi nhuận đột biến năm 2014 chủ yếu đến từ hoạt động tài chính).
Dù đang có những bước tiến lớn về kinh doanh, tập đoàn vẫn còn đối mặt với khoản lỗ lũy kế rất lớn gần 3.600 tỷ đồng tại cuối tháng 9. Kết quả lãi nghìn tỷ đồng năm nay vẫn chưa thể giúp công ty xóa hết lỗ các năm trước và do đó cổ phiếu vẫn nằm trong diện bị kiểm soát.
Kết quả này đến sau khi bầu Đức tuyên bố sẽ làm nông nghiệp khép kín theo mô hình trồng chuối xuất khẩu và tận dụng chuối thải chăn nuôi. Công ty cũng ra mắt thịt thương hiệu là Heo ăn chuối Bapi, Gà chạy bộ Marathon, mở rộng hệ thống bán lẻ Bapi Food… cũng như bắt tay với nhiều đối tác phân phối khác.