PGS-TS. Phương Thiện Thương |
Tình yêu với thảo dược
Trong căn phòng làm việc ngăn nắp, nhỏ gọn tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), tôi có dịp được trò chuyện với PGS-TS. Phương Thiện Thương, Phó viện trưởng VKIST. Ông là người đã nghiên cứu thành công hoạt chất Hy Thiêm có nhiều tác dụng trong dự phòng và điều trị các bệnh lý xương khớp.
Từ chia sẻ của ông, tôi càng thấu hiểu những vất vả, nhọc nhằn và cả sự hy sinh thầm lặng của những nhà khoa học thực thụ. Họ đã dành cả thanh xuân, gác lại niềm vui, sở thích cá nhân, dồn nhiệt huyết, trí tuệ để từng ngày, từng giờ đau đáu với các công trình nghiên cứu khoa học, với khát khao mang lại những giá trị hữu ích cho cộng đồng.
PGS-TS. Phương Thiện Thương kể, ông sinh ra và lớn lên tại một vùng quê của Đồng bằng Bắc bộ – Bắc Giang. Dù cấp 3 học chuyên Lý tại trường chuyên của tỉnh, nhưng cậu học trò tên Thương lại có tình yêu đặc biệt với dược liệu, với cây thuốc.
“Cụ nội của tôi vốn là một thầy lang lấy việc bốc thuốc chữa bệnh cho bà con lối xóm là niềm vui, hạnh phúc. Nghe những câu chuyện về cụ, về lối sống thanh bạch và tấm lòng cụ dành cho mọi người, tôi rất xúc động, ước mong lớn lên sẽ làm công việc liên quan tới nghề y”, PGS-TS. Phương Thiện Thương chia sẻ.
Thi đỗ Trường đại học Dược Hà Nội danh giá năm 1994, lần đầu bước chân tới ngôi trường được coi là niềm mơ ước của nhiều lớp học sinh, chàng trai quê Bắc Giang ấn tượng bởi vẻ cổ kính của ngôi trường có lịch sử hàng trăm năm tuổi này. Khi được tiếp xúc với thầy cô, lắng nghe những bài giảng đầu tiên, chàng trai trẻ cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình.
Sau khi tốt nghiệp Đại học (tháng 8/1999), Phương Thiện Thương tiếp tục học chương trình đào tạo thạc sĩ tại Đại học Dược Hà Nội, chuyên ngành dược liệu – dược học cổ truyền và tốt nghiệp tháng 12/2002. Tiếp đó, ông bắt đầu chương trình đào tạo tiến sĩ dược học tại Đại học Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc), chuyên ngành hóa học các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học và tốt nghiệp tháng 8/2006.
Trong hai năm sau đó, ông làm việc với nhóm nghiên cứu phát triển thuốc mới từ hợp chất tự nhiên do GS. Oh Won Keun đứng đầu tại Viện Công nghệ sinh học Hàn Quốc và Đại học Chosun, Hàn Quốc. Công việc chính là tìm kiếm các dược liệu có hoạt tính sinh học, phân lập các chất có hoạt tính mạnh để nghiên cứu phát triển làm thuốc chữa bệnh. Quá trình đào tạo và làm việc ở nước ngoài đã giúp ông trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng, công nghệ phục vụ việc nghiên cứu về dược liệu và tìm kiếm các chất tự nhiên làm thuốc.
Chia sẻ lý do lựa chọn trở về Việt Nam, trong khi hoàn toàn có thể ở lại Hàn Quốc với môi trường làm việc và nghiên cứu tốt hơn, PGS-TS. Phương Thiện Thương không do dự nói rằng: “Bởi đó là quê hương”.
– PGS-TS. Phương Thiện Thương, Phó viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST)
Ông nhận thấy, đất nước muốn hiện đại hóa, công nghiệp hóa, thì cần phải phát triển khoa học – công nghệ. Ông mong muốn đem những điều mình đã được học, được trải nghiệm về ứng dụng tại Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước.
Về nước năm 2009 với điểm dừng chân là Viện Dược liệu, ông đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu lớn về dược liệu. Trong số các đề tài ấy, thành công có, dở dang có, nhưng điều quan trọng là tình yêu với dược liệu trong ông chưa bao giờ vơi bớt. Sau đó, với mong muốn được thỏa sức nghiên cứu ông đã lựa chọn VKIST đồng hành cùng giấc mơ khoa học của mình.
“VKIST là viện nghiên cứu ứng dụng công lập được thành lập theo Hiệp định giữa 2 Chính phủ Việt Nam – Hàn Quốc theo hướng hỗ trợ và cung cấp những giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam”, PGS-TS. Phương Thiện Thương nói.
Công tác tại VKIST, ông cùng đồng nghiệp tiếp tục hướng nghiên cứu tìm kiếm các hoạt chất có triển vọng để phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nguồn dược liệu Việt Nam, gồm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm, qua đó nâng cao giá trị gia tăng cho thảo dược Việt. Mong muốn của ông là đưa thảo dược Việt Nam bước ra thị trường, cả thị trường trong nước và quốc tế, phát huy tiềm năng và giá trị của thảo dược Việt, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Từ năm 2011, ông đã nghiên cứu về hoạt chất Hy Thiêm – vị thuốc được dùng trong y học cổ truyền với công dụng trừ phong thấp, dùng trong trường hợp điều trị thấp khớp, đau nhức xương khớp, tê mỏi lưng, chân tay.
Mất tới 10 năm, qua nhiều khó khăn, vất vả và cả thất bại, đến năm 2021, ông mới nghiên cứu thành công và chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường.
Áp lực của người làm nghiên cứu
Là một nhà khoa học, PGS-TS. Phương Thiện Thương luôn trăn trở với nỗi lo các đề tài khoa học có thể phải “cất trong ngăn kéo”. Ông đã từng chứng kiến nhiều đề tài nghiên cứu sau khi nghiệm thu không được sử dụng, không được chuyển giao cho các đơn vị sản xuất. Bản thân ông cũng đã từng trải qua điều đó.
Khi một đề tài phải “cất trong ngăn kéo”, thông thường, người ta sẽ cho rằng, đề tài không có tính thực tiễn, hoặc các nhà khoa học không năng động, dẫn đến kết quả nghiên cứu không được ứng dụng…
Điều đó đúng, nhưng chưa đủ, vì tình trạng này đôi khi không xuất phát từ phía nghiên cứu.
Chẳng hạn, một đề tài cần có thời gian để thực tiễn bắt kịp được công nghệ mà đề tài đó tạo ra; hay để ứng dụng được công nghệ theo nghiên cứu của đề tài, thì phải đầu tư tốn kém về thời gian, công sức và tiền bạc; hoặc do thông tin của đề tài không đến được với người cần.
Cũng có thể, doanh nghiệp cần, nhưng lại lựa chọn mua công nghệ của nước ngoài, do chưa tin tưởng các nghiên cứu trong nước.
Thậm chí, nhiều đề tài được chuyển giao, nhưng kết quả không thành công, bởi dây chuyền và công nghệ của doanh nghiệp không đáp ứng được. Ngay như đề tài nghiên cứu về hoạt chất Hy Thiêm của ông lúc mới bắt đầu chuyển giao cũng phải tạm dừng, vì phía doanh nghiệp không đủ quyết tâm theo đuổi.
Một thực tế khác nữa, là các đề tài nghiên cứu khoa học muốn thành công thường phải mất rất nhiều thời gian, có khi hàng chục năm, vài chục năm. Trong khi đó, theo quy định hiện nay, đề tài được nhà nước cấp kinh phí chỉ được kéo dài tối đa 5 năm, thông thường là 2 – 3 năm. Chừng đó thời gian không đủ để một đề tài được nghiên cứu và chuyển giao thành công, chưa nói tới chất lượng nghiên cứu, mà ngay cả thời gian, thủ tục hành chính cũng là cả vấn đề nan giải.
Ngoài ra, có những đề tài nghiên cứu cho kết quả là tri thức mới, còn phải trải qua giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm, thì mới có thể ứng dụng vào thực tiễn.
Trên thực tế, doanh nghiệp cũng có nhu cầu lớn về sản phẩm khoa học – công nghệ, nhưng các nhà khoa học lại chưa thực sự quan tâm, hoặc không có được thông tin. “Đây thực sự là điều đáng tiếc”, GS-TS. Phương Thiện Thương nói.
*
* *
PGS-TS. Phương Thiện Thương chia sẻ, dù không có nhiều thời gian đi du lịch, gặp gỡ bạn bè hay thực hiện các sở thích cá nhân, nhưng ông không cho rằng đó là thiệt thòi. Trái lại, ông cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với công việc, vì được nghiên cứu, được làm những việc mình thích, được cùng đồng nghiệp đồng cam cộng khổ, cùng trải qua cảm giác buồn lo khi đề tài nghiên cứu chưa có tiến triển, hay vui mừng, nhẹ nhõm khi nỗ lực của mình có tín hiệu khả quan.
Ngoài lịch trình kín đặc ở phòng thí nghiệm, PGS-TS. Phương Thiện Thương cũng cố gắng dành chút thời gian để cùng đồng nghiệp chơi thể thao. Ông cũng thích đọc sách về lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam và sách về thành công của một đất nước, một tổ chức hay một cá nhân.
Đặc biệt, với ông, hai tiếng gia đình rất thiêng liêng và đáng quý. “Ngoài công việc nghiên cứu, tôi dành nhiều thời gian cho gia đình, trong đó có cả việc dạy con cái học bài”, PGS-TS. Phương Thiện Thương bộc bạch…