Phối cảnh cầu qua sông Đào TP. Nam Định tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng được khởi công ngày 15/10/2022 và dự kiến năm 2024 đi vào hoạt động |
Định hướng lớn từ 5 nghị quyết
Nghị quyết số 04 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 nhằm phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xây dựng nền hành chính công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, hấp dẫn nhà đầu tư và doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút các dự án có vốn lớn, có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.
Phấn đấu đến năm 2025, Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm khá của cả nước, giai đoạn 2021 – 2025, thu hút đầu tư trên 80.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 2 tỷ USD.
Nghị quyết xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là nâng cao vai trò chỉ đạo, điều hành, năng động, tiên phong của lãnh đạo các cấp, các ngành, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư.
(Dự thảo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050)
Nghị quyết 05 về xây dựng phát triển vùng kinh tế ven biển của tỉnh bao gồm huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng với mục tiêu xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, phát triển nhanh, bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch, kết hợp với phát triển các ngành nông nghiệp, thủy sản, bảo vệ bền vững môi trường. Phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển trở thành cực tăng trưởng phía Nam, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.
Đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất của 3 huyện chiếm trên 45% so với toàn tỉnh, thu ngân sách đạt khoảng 8.000 – 9.000 tỷ đồng. Các huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 200 triệu đồng/người/năm. Đô thị Thịnh Long và Rạng Đông là đô thị loại III, thị trấn Hải Phú, Hải Đông (huyện Hải Hậu); Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Hưng) là đô thị loại V.
Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã đề ra như tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là giao thông, đô thị đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tính kết nối. Phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh, chủ lực như: cảng biển, sản xuất thép, xi măng, đóng tàu, dệt may… công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đẩy mạnh đầu tư mới hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Sớm hoàn thành giai đoạn I Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông và triển khai giai đoạn II.
Phát triển nhanh, đa dạng thương mại, dịch vụ, du lịch. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm cộng đồng gắn với phát triển các địa điểm du lịch như Vườn Quốc gia Xuân Thủy, các khu du lịch Quất Lâm, Thịnh Long… Hình thành các tour du lịch biển gắn với du lịch văn hóa, tâm linh và liên tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng, dịch vụ vận tải biển, hình thành các chuỗi cung ứng vận tải biển, tổng kho phân phối, hoàn thiện hạ tầng logistics kết nối liên thông với các cảng biển lớn của khu vực. Xây dựng lộ trình xây dựng, mở rộng, nâng cấp cảng tiếp nhận các tàu trọng tải lớn, cảng biển chuyên dùng phục vụ Khu kinh tế Ninh Cơ, Khu công nghiệp Rạng Đông…
Tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.
Nghị quyết 06 về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu, đến năm 2025, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn Nam Định giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; xã hội nông thôn dân chủ, đoàn kết, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thực sự là miền quê thanh bình, thịnh vượng
50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Huyện Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, Nam Định đã đề ra 7 giải pháp nhiệm vụ chủ yếu, trong đó trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị và kết nối liên vùng. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững.
Nghị quyết 07 về xây dựng TP. Nam Định phát triển nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng; là trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, văn hóa thể thao, giáo dục, y tế; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân, ngang tầm với các thành phố loại I của cả nước, đến năm 2030, trở thành thành phố thông minh, hiện đại, đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân trên 17%/năm, thương mại, dịch vụ trên 10%/năm. Đến năm 2025, giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, thu ngân sách đạt trên 4.000 tỷ đồng.
Sớm hoàn thành mở rộng địa giới hành chính thành phố theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; nâng cấp ít nhất 2 xã thành phường, đảm bảo quy mô, không gian và các điều kiện đô thị trung tâm vùng.
Năm 2022 – tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay
Ngay sau khi các nghị quyết được ban hành, Nam Định đã tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả. Năm 2022, kinh tế – xã hội của tỉnh Nam Định đã đạt những kết quả khá toàn diện, với 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt, tăng trưởng 9,07 % cao nhất từ trước đến nay.
Sản xuất công nghiệp tăng 14,3%. Lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 14,4% so với năm 2021. Thu ngân sách đạt 8.000 tỷ đồng, bằng 121% dự toán.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận. Lập quy hoạch dự án Khu công nghiệp Hồng Tiến, Trung Thành (huyện Ý Yên).
Đã khởi công giai đoạn II đường trục nối vùng kinh tế biển với tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nhà máy Sản xuất bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nghĩa Hưng và đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – đường bộ ven biển. Thực hiện cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ, khởi công cầu Bến Mới, đưa vào hoạt động Khu Trung tâm lễ hội khu di tích lịch sử – văn hóa thời Trần… Một số dự án trọng điểm của TP. Nam Định được triển khai như cầu qua sông Đào, đường trục phía Nam…, lập Đề án mở rộng địa giới thành phố và thành lập 3 phường.
Đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, khảo sát, nghiên cứu vào đầu tư. Năm 2022, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 32 dự án trong nước và 6 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 31.187 tỷ đồng và 38 triệu USD. Đặc biệt đã chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, Nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định… với tổng vốn đầu tư 98.900 tỷ đồng.
Đưa vào hoạt động trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ số Đánh giá về chuyển đổi số Nam Định xếp thứ 11/63, PCI đứng thứ 24/63, Par Index đứng thứ 40/63 tỉnh, thành phố – tăng 7 bậc. Tích cực hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.