Ngày 30/12/2022, nhóm Dragon Capital vừa mua vào 1,1 triệu cổ phiếu PVD để nâng sở hữu từ 10,99% lên 11,19% vốn điều lệ.
Trong đó, quỹ DC Developing Markets Strategies Public Limited Company mua vào 600.000 cổ phiếu; quỹ Norges Bank mua vào 300.000 cổ phiếu; và quỹ CTBC Vietnam Equity Fund mua vào 200.000 cổ phiếu.
Trước đó, ngày 31/10/2022, nhóm Dragon Capital vừa mua vào 1,66 triệu cổ phiếu PVD; ngày 9/11/2022, nhóm quỹ Dragon Capital vừa mua thêm 1,1 triệu cổ phiếu PVD; ngày 17/11/2022, nhóm Dragon Capital vừa mua ròng 600.000 cổ phiếu; ngày 18/11/2022, nhóm Dragon Capital lại bán ra 1.147.300 cổ phiếu PVD; ngày 30/11/2022, nhóm Dragon Capital mua ròng 900.000 cổ phiếu PVD.
Được biết, từ ngày 9/3/2022 đến ngày 24/11/2022, cổ phiếu PVD giảm 57,1% từ 30.270 đồng về 13.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, cổ phiếu hồi phục, tính tới ngày 6/1/2023, cổ phiếu PVD giao dịch vùng 18.400 đồng/cổ phiếu, cao hơn 41,5% so với đáy ngày 24/11/2022 và đồng thời vẫn giảm 39,2% so với đỉnh ngày 9/3/2022.
Lỗ 201,66 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022
Trong quý III/2022, PV Drilling ghi nhận doanh thu đạt 1.241,74 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 51,81 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 55,63 tỷ đồng, tức giảm 107,44 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 11,8% về còn 9,4%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 1,8% so với đầu năm, tương ứng giảm 2,17 tỷ đồng về 117,19 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 53,1%, tương ứng giảm 29,24 tỷ đồng về 25,87 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 103,5%, tương ứng tăng thêm 44,45 tỷ đồng lên 87,4 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết giảm 73,7%, tương ứng giảm 30,83 tỷ đồng về 11,02 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 12,7%, tương ứng tăng thêm 10,74 tỷ đồng lên 95,4 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý III, PV Drilling ghi nhận lỗ do hụt doanh thu tài chính, lãi công ty liên doanh, liên kết và chi phí tài chính, bán hàng & quản lý doanh nghiệp tăng cao.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, PV Drilling ghi nhận doanh thu đạt 3.923,44 tỷ đồng, tăng 47,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 201,66 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 13,15 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 188,51 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2022, PV Drilling đặt kế hoạch doanh thu 4.700 tỷ đồng và không đưa kế hoạch lợi nhuận.
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm 2022, PV Drilling ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 278,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 616,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 783,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 214,7 tỷ đồng.
Được biết, trước đó năm 2021, PV Drilling cũng ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 376,4 tỷ đồng. Như vậy, nếu quý IV không có đột biến đảo ngược dòng tiền, Công ty sẽ có hai năm liên tiếp dòng tiền kinh doanh âm.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của PV Drilling tăng 0,7% so với đầu năm lên 20.896,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định đạt 13.823 tỷ đồng, chiếm 66,1% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 2.314,1 tỷ đồng, chiếm 11,1% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.241,2 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, tiền và đầu tư tài chính giảm 13,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 360,9 tỷ đồng về 2.314,1 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 15,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 305,4 tỷ đồng lên 2.241,2 tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý, tính tới 30/9/2022, PV Drilling đang ghi nhận 93,48 phải thu của KrisEnergy (Apsara) Cambodia Company Ltd, trích lập dự phòng 45,47 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã tăng trích lập dự khoản phải thu đơn vị này trong 9 tháng đầu năm 2022.
Được biết, trong năm 2020, PV Drilling và KrisEnergy Apsara ký hợp đồng dịch vụ cung cấp giàn khoan PV Drilling III cho chương trình khoan phát triển giai đoạn 1A mở Apsara thuộc lô A, Campuchia, chiến trình khoan đã kết thúc vào ngày 12/2/2021.
Ngày 4/6/2021, Công ty KrisEnergy Limited thành lập tại Singapore – Công ty mẹ của KrisEnergy Apsara đã đệ đơn lên tòa án tại Cayman Island về việc xin giải thể công ty do tình hình tài chính khó khăn.
Về nợ vay, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay giảm nhẹ 1,3% so với đầu năm về 3.901,2 tỷ đồng và vẫn chiếm tới 18,7% tổng nguồn vốn.
Điểm đáng lưu ý, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối tới 30/9/2022 đã giảm 78,8% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.515,6 tỷ đồng về 407,3 tỷ đồng và chỉ còn chiếm 1,9% tổng nguồn vốn.
Cổ phiếu PVD tiếp tục không được cấp margin
Ngày 31/8/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa quyết định đưa cổ phiếu Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).
Lý do được HoSE đưa ra do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm là số âm.
Được biết, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong 6 tháng đầu năm ghi nhận âm 115,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 97,6 tỷ đồng.
Thêm nữa, đầu năm 2023, HoSE tiếp tục đưa cổ phiếu PVD vào danh sách cổ phiếu không được cấp margin do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2022 là số âm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/1, cổ phiếu PVD giảm 600 đồng về 18.400 đồng/cổ phiếu.