VN-Index tiếp chuỗi 10 phiên tăng giảm đan xen: Kết phiên thủng mốc 1.065
VN-Index kết phiên ở mức thấp nhất trong phiên khi áp lực bán tăng mạnh ở cuối phiên. VN-Index giảm 8,19 điểm (-0,76%), xuống 1.064,03 điểm.
VN-Index liên tục thay đổi trạng thái trong 10 phiên trở lại đây với một phiên giảm theo sau một phiên tăng. Trạng thái giằng co cũng diễn ra trong chính phiên giao dịch khi VN-Index nhìn chung giao dịch quanh mốc tham chiếu, sắc đỏ áp đảo hơn ở cuối phiên.
Sự thất thường của chỉ số sàn HoSE khá tương đồng với diễn biến cổ phiếu Vietcombank – ngân hàng có quy mô vốn hóa lớn nhất hệ thống. VCB giảm 1.200 đồng (-1,27%) và đóng góp tới 1,4 điểm giảm trong tổng mức giảm hơn 8 điểm của chỉ số chung. Top 5 cổ phiếu kéo VN-Index giảm gồm VCB, VHM, VJC, BID, MSN. Ởi chiều ngược lại, GAS, PLX, GVR, PVD và OCB là trụ đỡ hỗ trợ tích cực nhất.
VN-Index liên tục tăng/giảm trong 10 phiên gần đây |
Trong khi đó, chỉ số sàn HNX và UPCoM đều giữ được sắc xanh. HNX-Index tăng 0,3 điểm (+0,14%), lên 210,91 điểm. UpCoM-Index tăng 0,82 điểm (+1,07%), lên 77,25 điểm.
Cổ phiếu VNZ giao dịch đầu phiên chiều là nguyên nhân chính “hích” UPCoM-Index tăng. Còn trên sàn HNX, top 5 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số gồm PVS, TNG, HUT, IDC và PLC.
Số lượng mã tăng/giảm giá trong phiên khá ngang ngửa khi toàn sàn có 343 mã tăng, 44 mã tăng trần; trong khi đó có 315 mã giảm và 10 mã giảm sàn. Sắc xanh “trội” hơn ở sàn UPCoM. Trên sàn HoSE, có tới 217 mã giảm trong khi chỉ có 178 mã tăng.
Hầu hết cổ phiếu bán lẻ đều đóng cửa trong sắc đỏ. Dòng ngân hàng có sự phân hóa hơn nhưng số lượng cổ phiếu giảm giá vẫn áp đảo. OCB là cổ phiếu tăng mạnh nhất (+2,21%), trong khi nhiều cổ phiếu ngân hàng khác giảm mạnh như STB, TCB, TPB, CTG, VCB, BID,…
Cổ phiếu thủy sản và dầu khí là điểm sáng hiếm hoi. Nhiều cổ phiếu tăng kịch biên độ như IDI. CMX, ANV… VHC cũng tăng gần 4% bất chấp kết quả kinh doanh đi lùi. Cổ phiếu họ P cũng có phiên hồi phục mạnh. PVD tăng kịch biên độ 6,92%.
STB chính thức kín room ngoại
Khối ngoại có phiên bán ròng hiếm hoi, nhưng giá trị bán ròng cũng khá thấp (hơn 39 tỷ đồng). Giao dịch bán tập trung ở một số cổ phiếu như BCM (87 tỷ đồng), VHM (61 tỷ đồng), VNM (56 tỷ đồng), BSR (49 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, STB là tâm điểm mua ròng của khối ngoại dù cổ phiếu của Sacombank đã giảm phiên thứ ba liên tiếp.
Khối ngoại đã mua ròng liên tục STB trong 9 phiên gần đây. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng đã chính thức kịch trần trong phiên hôm nay. Cùng với ACB, TPBank hay MSB, Sacombank cũng đã nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 30%. Đây cũng là một trong các tiêu chí khi xét chọn cổ phiếu trong rổ VN-Diamond.