Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (thứ 2 từ phải sang) tiếp các doanh nghiệp tới tỉnh tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ảnh: Văn Khương |
Theo “Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023” do UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành, tính đến ngày 31/12/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý và phân bổ là 5.001,947 tỷ đồng (tổng số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh là 6.032,873 tỷ đồng), đạt 82,91% kế hoạch, cao hơn 16,15% so với cùng kỳ. Tỉnh phấn đấu cả năm 2022 giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%, cao hơn 23,44% so với năm 2021 (năm 2021, đạt 76,56%).
Đồng thời, tỉnh Đồng Tháp cũng đã phân khai vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 24.974,836/26.279,874 tỷ đồng (trong đó, dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 là 407,029 tỷ đồng), đạt 95,03%.
Cùng với tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, Đồng Tháp cũng tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư, nhằm huy động các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, xem đây là một trong những động lực cho phục hồi kinh tế. Qua đó, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư tại địa phương như: Công ty CP NovaGroup, Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty CP Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Phát Đạt, Tập đoàn Masterise, Tập đoàn Everland, Công ty CP Đồ hộp Hạ Long…Trong năm 2022, Đồng Tháp đã tiếp nhận mới 78 hồ sơ đăng ký dự án đầu tư; trong đó, có 22 dự án được chấp thuận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 4.079 tỷ đồng, tăng 37,5% số dự án và tăng 95,2% về số vốn so với năm 2021.
Trong năm 2022, công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt kết quả tích cực, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, năm 2022, toàn tỉnh có 738 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 50,61% so với năm 2021, với tổng vốn đăng ký khoảng 5.411 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng 4.913 doanh nghiệp đang hoạt động.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp, nhất là các chương trình nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp, hợp tác xã, hội quán và cho đội ngũ phụ trách công tác khởi nghiệp, như: Chương trình tập huấn “Sản xuất và bảo quản nông sản an toàn, chi phí thấp và bền vững”, “Trade marketing – Tiếp thị tại điểm bán và xây dựng kênh phân phối”; “Nâng cao năng lực cho nữ tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp, khởi nghiệp năm 2022 và Định hướng phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn mới; “Hành trình Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo”; “Tăng cường marketing trực tuyến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”; “Khởi sự lập nghiệp từ nguồn tài nguyên bản địa”; Tọa đàm “Giới thiệu Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) và lợi ích của doanh nghiệp”; Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ tại tỉnh Đồng Tháp”…