Doanh nhân Trần Quốc Vinh, CEO Gremsy |
Từ việc “giải” bằng được bài toán của người dùng…
Đang làm cho công ty nước ngoài với mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng, Trần Quốc Vinh vẫn quyết định bỏ lại tất cả để bắt đầu hành trình khởi nghiệp.
Năm 2011, anh cùng người bạn thân đồng sáng lập Công ty cổ phần Gremsy với định hướng phát triển các sản phẩm camera công nghệ cao và các thiết bị hỗ trợ phục vụ việc quay phim, chụp ảnh trên không. Việc thành lập một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại thời điểm đó khiến bạn bè, người thân của anh vô cùng bất ngờ. Nhiều người hoài nghi về khả năng thành công của anh, bởi với thực lực của một doanh nghiệp “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường công nghệ cao ở thời điểm đó, mọi việc không hề dễ dàng.
Bỏ qua những nghi hoặc, Trần Quốc Vinh quyết bước đi trên con đường mình đã chọn, đầu tiên là nghiên cứu sản xuất thiết bị bay không người lái phục vụ cho nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Vinh kể, ban đầu, Gremsy thiết kế bo mạch, chế tạo máy bay không người lái (drone) và cho ra sản phẩm bay ổn định. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, sản phẩm không cạnh tranh được với các sản phẩm khác trên thị trường lúc bấy giờ.
Từ thất bại đó, Vinh cùng các cộng sự ngồi lại, quyết tâm “giải” bằng được “bài toán”: người dùng đang cần gì ở các sản phẩm công nghệ cao. Mất một thời gian loay hoay tìm hướng đi, Vinh và các cộng sự quyết định chuyển hướng sang sản xuất thiết bị chống rung cho camera, thay vì sản xuất drone.
Lý giải quyết định này, Vinh nói, hệ thống chống rung cho camera rất cần thiết trong các lĩnh vực, như khảo sát trắc địa, lập bản đồ, tìm kiếm cứu nạn, an ninh quốc phòng… , nhưng cũng thừa nhận, khi đó chưa biết sản phẩm có thành công hay không.
“Chúng tôi đã cân nhắc nhiều để chọn đường này và khi đã chọn, thì quyết tâm làm”, Vinh kể lại.
Và rồi, thành quả đã đến khi các thiết bị chống rung cho camera của Gremsy được xuất khẩu đi Mỹ vào cuối năm 2013. Nhưng, những sản phẩm ban đầu được khách hàng đánh giá không mấy tích cực về thiết kế, tính năng. Thậm chí, có những đối tác trả hàng, yêu cầu cải tiến để đáp ứng được nhu cầu của họ.
CEO Trần Quốc Vinh giới thiệu sản phẩm cho đối tác nước ngoài |
Nhờ phản hồi của khách hàng, Gremsy đã chỉnh sửa lại thiết kế và sản xuất ra các thiết bị chống rung có khả năng tương thích cao với các máy bay không người lái và máy ảnh khác nhau, cung cấp cảnh quay ổn định. Không chỉ mang đến giải pháp hiệu quả cho ngành sản xuất phim, thiết bị còn phục vụ việc khảo sát và lập bản đồ, kiểm tra hệ thống lưới điện cao áp, hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời, nông nghiệp, xây dựng…
“Phải nói rằng, những phản hồi ngày đó của khách hàng là dữ liệu vô cùng quý giá, đã giúp tôi và đội ngũ Gremsy cải thiện các tính năng của sản phẩm để có thành công như ngày hôm nay”, Vinh nhớ lại.
Sau khi thành công với các lô hàng xuất khẩu, năm 2014, Gremsy nhận được nhiều đơn đặt hàng từ đối tác tại Mỹ. Ở thời điểm đó, vấn đề mới lại nảy sinh, đó là doanh nghiệp thiếu vốn để nhập chip, trong khi thời gian giao hàng ngày một cạn dần. Xoay xở bằng nhiều cách nhưng vẫn không vay được tiền, Vinh quyết định đi vay “nóng”, từ người thân, bạn bè, gom được 100 triệu đồng để mua vật liệu hoàn thành đơn hàng.
“Khi hàng xuất đi và nhận được thanh toán, chúng tôi vỡ òa trong niềm vui sướng. Lúc đó không vay được tiền để sản xuất lô hàng này, thì Công ty phá sản”, Vinh kể.
Từ đó, Gremsy liên tiếp nhận được nhiều đơn đặt hàng từ đối tác tại Mỹ và châu Âu. Đến nay, Gremsy đã được biết đến là nhà cung cấp sản phẩm chống rung cho camera thuộc nhóm hàng đầu trên thế giới. Công ty đã xuất khẩu sản phẩm đến hơn 60 nước trên thế giới và có 50 nhà phân phối hoạt động trải dài ở khắp các châu lục.
Chia sẻ về bí quyết tạo nên thành công, Trần Quốc Vinh cho biết, ngay từ khi thành lập, Công ty đã xác định và hướng đến làm các sản phẩm công nghệ cao; không đi theo “chiến lược” sản phẩm giá rẻ để bán được nhiều; không cạnh tranh bằng giá mà cạnh tranh bằng chất lượng. Chiến lược của Gremsy là làm sản phẩm để xuất khẩu, hướng đến khách hàng quốc tế, nên các nguyên vật liệu đầu vào cũng được chọn lọc kỹ lưỡng theo đúng tiêu chí chất lượng cao. Vì vậy, đa phần nguyên vật liệu để làm các thiết bị chống rung cho camera được nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…
Giai đoạn xảy ra dịch Covid-19, do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, việc nhập khẩu chip bị chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến thời gian hoàn thiện sản phẩm và thời gian giao hàng cho đối tác. Tuy nhiên, rút được “bài học xương máu” từ năm 2018, Gremsy đã có giải pháp dự phòng với kế hoạch đặt hàng dài hạn để sản xuất cho 2 năm sau, nên đến nay, nguồn chip để sản xuất của Gremsy vẫn được đảm bảo.
Tuy nhiên, thời điểm năm 2020 và 2021 khi dịch Covid-19 bước vào giai đoạn căng thẳng, các đơn hàng từ châu Âu giảm mạnh, doanh thu giảm sút, Vinh chịu rất nhiều áp lực. May mắn, sau đó, Covid-19 được kiểm soát, thị trường tốt lên, doanh nghiệp lại có đơn hàng.
“Thời điểm đó, nếu dịch Covid-19 kéo dài thêm 6 tháng nữa, thì có lẽ Công ty cũng không trụ được. Khi vượt qua được giai đoạn khó khăn rồi đứng vững, thì những khó khăn sau này tôi cảm thấy không đáng lo”, Trần Quốc Vinh tự tin khi chia sẻ về con đường phía trước.
Đến vươn tầm toàn cầu của công ty công nghệ Việt
Sau xuất khẩu thành công thiết bị chống rung cho camera đến hơn 60 nước, Trần Quốc Vinh cùng cộng sự nung nấu ý chí mở một nhà máy sản xuất với quy mô lớn tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Hồ sơ xin cấp phép đầu tư xây dựng sau đó được gửi đến các cấp có thẩm quyền.
Cuối tháng 10/2022, Dự án Nhà máy Sản xuất thiết bị chống rung cho camera đã chính thức được Khu công nghệ cao TP.HCM trao giấy phép đầu tư.
Ngày nhận giấy phép đầu tư, Trần Quốc Vinh và cộng sự mừng vui khôn tả. Hôm đó, đứng trước báo chí, CEO của Gremsy đã không thể nói nên lời.
Tiết lộ về kế hoạch xây dựng nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM, Trần Quốc Vinh cho biết, nhà máy sẽ sản xuất 14.000 sản phẩm/năm, dự kiến khởi công đầu năm 2024, hoàn thành trong năm 2025, tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng.
Bên cạnh việc sản xuất thiết bị chống rung cho camera, nhà máy cũng sản xuất các loại camera thế hệ mới, có độ phân giải cao. Trên các sản phẩm sẽ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để đưa ra phương án xử lý cho người dùng khi phát hiện lỗi tại các dự án.
Trần Quốc Vinh chia sẻ: “Dự án xây dựng nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM là bước ngoặt rất lớn của Gremsy. Đây là cơ hội để Công ty thu hút đầu tư bên ngoài hoặc hợp tác với các đối tác lớn về công nghệ cao trên thế giới để cùng sản xuất sản phẩm. Giờ đây, chúng tôi tự tin rằng, doanh nghiệp Việt Nam cũng làm được các sản phẩm công nghệ cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu”.
Dù đã đạt được thành công, nhưng Trần Quốc Vinh và các cộng sự luôn nhắc nhở nhau rằng, công nghệ đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ, nếu ngủ quên trên chiến thắng thì sẽ trở thành người thua cuộc.
Tại Gremsy, CEO Trần Quốc Vinh và các cộng sự không có tâm lý tận hưởng thành công, mà luôn chuẩn bị trạng thái tiến lên phía trước.