Doanh nhân Kenneth M Atkinson |
1.
Làm báo, tôi có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với nhiều doanh nhân người nước ngoài đã đến, sinh sống và gắn bó với Việt Nam hàng chục năm. Nhưng ông Kenneth M Atkinson, nhà sáng lập và cố vấn cấp cao Hội đồng Quản trị Công ty Grant Thornton Việt Nam thực sự là một người đặc biệt. Ông luôn tự hào khi giới thiệu: “Tôi là người Việt Nam, có tên tiếng Việt trên căn cước công dân là Phạm Kiên Sơn”.
Ông Kenneth kể, đã dành hơn 2 năm để chuẩn bị thủ tục cho việc đăng ký nhập tịch này. “Tôi thấy cũng đáng để trở thành một trong số ít người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam. Đây là một điều tuyệt vời đối với tôi”, ông bắt đầu câu chuyện, nhân dịp năm mới của người Việt.
Ông Atkinson – Phạm Kiên Sơn say sưa kể về đất nước, con người Việt Nam; về một Hà Nội yên bình, nhưng quyến rũ với những góc phố cổ kính, các tòa nhà theo kiến trúc Pháp; về một TP.HCM sôi động, hào sảng và rực rỡ ánh nắng mặt trời…
Ông nhớ con đường Phạm Ngũ Lão, Khách sạn Quân đội ở Hà Nội hồi ông qua Việt Nam lần đầu tiên; nhớ Khách sạn Metropole, nơi ông làm việc khi đó và nhớ anh Hải – người lái xe xích lô ông vẫn lưu trong điện thoại đến giờ, người đi cùng với ông trong những ngày đầu tiên đến Hà Nội.
“Anh Hải như một người bạn của tôi vậy. Mỗi lần ra Hà Nội, kỳ lạ thay, tôi lại nhìn thấy anh ấy đợi bên ngoài khách sạn, kể cho tôi về những gì xảy ra ở Hà Nội. Nhiều khi, anh ấy cập nhật tin tức về những người bạn của tôi đang ở Hà Nội. Anh ấy biết tôi và cũng biết bạn bè của tôi. Anh Hải rất tốt, rất thân thiện và tôi coi anh ấy như một người bạn lâu năm”, ông tâm sự.
Có cảm giác, ông quên mất tôi cũng là người Việt.
2.
Ông Atkinson sáng lập và phát triển một công ty tư vấn tại Việt Nam hơn 30 năm qua, nhưng ít ai biết rằng, ông khởi nghiệp tại thị trường này từ ngành khách sạn.
Kể về kỷ niệm với công việc đầu tiên ở Việt Nam, ông Atkinson hồi tưởng, đó cũng là lần đầu tiên ông đến dải đất hình chữ S này, khi có cơ hội thực hiện nghiên cứu khả thi cho một dự án khách sạn lớn – Khách sạn SAS Royal ở Công viên Lê-nin, Hà Nội (giờ là Công viên Thống Nhất) vào năm 1989. Dự án sau đó không thực hiện được vì nằm trong khuôn viên công cộng, nhưng là dự án đầu tiên ông tham gia phát triển với các đối tác tại thị trường Việt Nam.
Khi đó, ông Atkinson đang điều hành PCS International – doanh nghiệp tư vấn của riêng mình tại Hồng Kông. Quyết định sang Việt Nam lập nghiệp với ông khá tình cờ.
“Trước đó, tôi biết ít về Việt Nam. Thông tin nhiều nhất lại là câu chuyện trên báo chí về phong trào biểu tình chống chiến tranh ở Mỹ khi tôi đang là sinh viên ở Anh Quốc. Khoảng năm 1977 – 1978, tôi làm việc cho một ngân hàng tại Hồng Kông và ở đó có một thương vụ chuyển nhượng liên quan đến Việt Nam”, ông kể.
Thương vụ đó thật “hữu duyên”, đã dẫn dụ ông quan tâm đến thị trường Việt Nam. Nhưng năm 1983, khi thành lập công ty tư vấn riêng, ông vẫn đặt mục tiêu chính là thị trường Trung Quốc đại lục, một phần nhỏ ở Thái Lan và Philippines. Việt Nam chỉ là một cái tên để tìm hiểu.
Thời điểm này, ông Atkinson đã tham gia tư vấn cho một số dự án xây dựng khách sạn ở Trung Quốc. Mọi việc xoay chuyển khi một trong những khách hàng của ông ở Trung Quốc đã đề nghị ông đến Việt Nam và nghiên cứu khả thi để xây dựng một khách sạn.
“Chúng tôi chỉ là một công ty nhỏ trong khi thị trường Trung Quốc quá lớn. Khi đến Việt Nam, tôi tin, nơi đây sẽ là cơ hội tốt hơn cho tôi”, ông nhớ lại.
Rồi, những chuyến công tác của ông đến Việt Nam ngày càng thường xuyên hơn. Ba năm sau khi làm quen, đi lại và tìm hiểu thị trường, cuối cùng, công ty tư vấn đầu tư có vốn nước ngoài do ông Atkinson làm chủ đầu tư đã chào đời và nhận giấy phép vào năm 1993.
Năm 1998, công ty này sáp nhập với một công ty tên là Paul Bourne Griffiths, lấy tên là Công ty tư vấn Grant Thornton, đồng thời phát triển thêm các dịch vụ về thuế và kiểm toán để trở thành một công ty toàn cầu với đầy đủ các loại hình dịch vụ như ngày nay.
Hiện giờ, dù không còn trực tiếp điều hành Grant Thornton, nhưng ông vẫn tràn trề nhiệt huyết làm việc trên các cương vị như Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, Chủ tịch Nhóm doanh nghiệp Anh tại Việt Nam, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long và trực tiếp cố vấn cho Grant Thornton. Ông cũng tham gia làm giám đốc và cố vấn của một số doanh nghiệp khác.
Điều quan trọng, ông Atkinson tự hào cho biết, ông đang đi cùng với Việt Nam, để chia sẻ về một điểm đến hấp dẫn tới các nhà đầu tư nước ngoài. Vì “tôi là người Việt Nam mà”, như ông vẫn luôn nói.
Là một chuyên gia tư vấn, qua 30 năm hoạt động ở Việt Nam, ông thấy môi trường đầu tư của Việt Nam đã có những thay đổi thế nào, thưa ông?
Lúc chúng tôi mới vào thị trường, Việt Nam chỉ có ít công ty nước ngoài hoạt động, hệ thống luật pháp còn đơn giản. Tôi nhớ thời điểm đó mới chỉ có mấy bộ luật, như Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Dân sự. Luật Thuế đang được soạn thảo.
Giờ thì pháp luật đã thay đổi và hoàn thiện hơn rất nhiều. Hệ thống pháp luật hiện tại còn được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương, các hiệp định bảo hộ đầu tư…
Theo tôi, Việt Nam đã đạt được đến điểm chín muồi ở một số mặt, nhưng vẫn còn đó các thách thức cần phải đồng bộ và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan.
Trong quá trình kinh doanh ngành tư vấn và kiểm toán tại Việt Nam, nếu nói đến các thách thức mà ông và các cộng sự đã gặp phải, thì đó có thể là những gì?
Trước đây, chúng tôi cũng đã có nhiều lần thất vọng khi thực hiện các hoạt động tư vấn ở thị trường Việt Nam. Có một số lần, chúng tôi gần như đã hoàn tất các thỏa thuận đầu tư, nhưng sau đó vì một lý do nào đó mà nhà đầu tư không chốt được dự án. Đặc biệt, triển khai dự án bất động sản mất rất nhiều thời gian, công sức, có thể lên đến 7-8 năm, dù dự án hoàn toàn
khả thi.
Cần phải nhấn mạnh rằng, quy mô và chất lượng đầu tư FDI đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Ngoài ra, sự hiểu biết của người Việt Nam về kinh doanh quốc tế, tài chính và kế toán cũng được nâng lên rất nhiều. Các công ty, các nhà đầu tư đang thay đổi nhanh theo dòng chảy của thị trường..
Do đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu chần chừ trước các khó khăn, thách thức, bạn có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội.
Vậy, để nói về thị trường đầu tư của Việt Nam hiện nay thì câu trả lời của một nhà tư vấn lão luyện như ông sẽ là…?
Tôi cho rằng, Việt Nam là một địa điểm hấp dẫn đầu tư đặc biệt đối với các nhà sản xuất từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á. Phần nhiều trong số họ đều đang có mặt tại Việt Nam và còn tiếp tục dịch chuyển và mở rộng cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng còn phải làm nhiều điều để có thể thu hút các công ty quốc tế hàng đầu, những công ty có thể mang lại giá trị đầu tư cao hơn, dự án đầu tư lớn hơn vào đây.
Hệ thống chính quyền cũng cần minh bạch hơn, có trình độ quản trị cao hơn, điều này rất quan trọng đối với các công ty đa quốc gia.
Năm 2023 và tiếp sau đó, dòng vốn dịch chuyển do những căng thẳng địa chính trị trên thị trường thế giới chắc chắn sẽ tiếp tục vào Việt Nam. Mặc dầu vậy, vẫn phải nhìn thẳng vào hiện thực là trong năm 2023, hoặt ít nhất là nửa đầu năm sẽ là thời điểm rất khó khăn với nhiều công ty. Điều này không chỉ xảy ra ở thị trường Việt Nam, mà xảy ra trên diện rộng của toàn cầu do áp lực lạm phát và lãi suất tăng cao. Tình hình này có thể là lý do trì hoãn các quyết định đầu tư trong ngắn hạn của các nhà đầu tư.
Nhưng chúng tôi vẫn rất lạc quan về phát triển kinh tế của Việt Nam.