Phối cảnh Dự án Khu du lịch Đại Dương của Hodeco. |
Hodeco lãi đột biến nhờ bán một phần dự án
Thị trường bất động sản nửa cuối năm 2022 chuyển sang trạng thái trầm lắng sau giai đoạn tăng trưởng nóng trước đó, khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản ghi nhận doanh thu giảm trong quý III và quý IV/2022.
Không nằm ngoài xu hướng chung, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của CTCP Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco, mã HDC – HoSE) vừa công bố cho thấy, doanh thu thuần của Hodeco đạt 173 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu doanh thu cho thấy sự sụt giảm rất mạnh của mảng kinh doanh bất động sản đầu tư (giảm 73%), trong khi đây là mảng chiếm hơn 62% tổng doanh thu trong quý của công ty.
Do doanh thu giảm mạnh, lợi nhuận gộp chỉ đạt 32 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, hoạt động tài chính của Hodeco trong quý IV/2022 nổi bật với doanh thu 255 tỷ đồng, tăng gấp 127 lần, chủ yếu là lãi bán cổ phần. Hodeco cho biết, khoản doanh thu tài chính này đến từ việc bán 5 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư xây dựng giải trí Đại Dương Vũng Tàu. Thông tin chuyển nhượng này được Hodeco công bố vào ngày 30/12/2022 nên đã kịp thời ghi nhận vào kết quả kinh doanh của quý IV/2022. Nếu không có nguồn thu tài chính đột biến, rất có thể Hodeco đã nhận kết quả kém khởi sắc trong quý cuối năm 2022.
Được biết, CTCP Đầu tư xây dựng giải trí Đại Dương Vũng Tàu là chủ đầu tư Dự án Khu du lịch Đại Dương (tên thương mại là Antares) tại Chí Linh – Cửa Lấp, phường 11, TP. Vũng Tàu. Dự án có diện tích khoảng 19,5 ha, tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng.
Về chi phí, mặc dù chi phí tài chính trong quý tăng 4 lần, lên 48 tỷ đồng, nhưng các loại chi phí khác được quản lý khá tốt với chi phí bán hàng chỉ 3 tỷ đồng, giảm 62%; chi phí quản lý đạt 16 tỷ đồng, tăng 23%.
Hơn 208.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 208.300 doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021.
Song, cũng trong năm 2022 có 143.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5%, trong đó hơn một nửa là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,5%).
Do đó, kết thúc quý IV/2022, Hodeco ghi nhận lãi trước thuế 219 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của Hodeco đạt 1.298 tỷ đồng, giảm 4% so với năm trước; lợi nhuận gộp đạt 479 tỷ đồng, giảm 1,4%.
Nhờ sự đột biến trong quý IV/2022, hoạt động tài chính cả năm có doanh thu 260 tỷ đồng, đóng góp lớn cho lợi nhuận cả năm của Hodeco. Lũy kế cả năm 2022, Hodeco lãi sau thuế 420 tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước. Như vậy, Hodeco đã hoàn thành 68% mục tiêu doanh thu và 97% mục tiêu lợi nhuận năm 2022.
Về tài sản, tại thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Hodeco đạt 4.421 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý là Công ty đã đầu tư chứng khoán kinh doanh 111 tỷ đồng, nhưng thua lỗ 40 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng đáng kể (49%) lên 1.088 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng tồn kho giảm 41%, đạt 1.091 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tại ngày kết thúc năm 2022, nợ phải trả của Hodeco ghi nhận giá trị 2.558 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 38%, đạt 722 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 18%, đạt 968 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong năm qua, dòng tiền kinh doanh của Công ty được cải thiện đáng kể khi ghi nhận dương 89 tỷ đồng, trong khi năm 2021 âm 309 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do tăng chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác (759 tỷ đồng) nên dòng tiền đầu tư của Hodeco âm 484 tỷ đồng. Điều này khiến Công ty phải tăng vay nợ như đã nêu trên.
Thành Nam thoát lỗ nhờ chuyển nhượng tài sản
Cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng ảm đạm của thị trường bất động sản, báo cáo tài chính quý IV/2022 của CTCP Tập đoàn Thành Nam (mã TNI – HoSE) cho thấy, doanh nghiệp này cũng lâm vào tình trạng kinh doanh khó khăn trong quý IV/2022 vừa qua.
Cụ thể, trong quý VI/2022, Thành Nam ghi nhận doanh thu thuần chỉ hơn 289 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ. Không những thế, Công ty còn kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến lỗ gộp gần 28 tỷ đồng.
Tiếp đó, dù doanh thu giảm, nhưng chi phí lại tăng cao, đặc biệt là chi phí quản lý khi ghi nhận hơn 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ có 7 tỷ đồng.
Hệ quả, Thành Nam lỗ sau thuế hơn 83 tỷ đồng trong quý VI/2022. Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân lỗ do thị trường bất động sản trầm lắng, dẫn đến lượng thép tiêu thụ giảm đáng kể. Bên cạnh đó, Công ty còn thực hiện xả hàng tồn kho khiến lợi nhuận giảm mạnh.
Tuy nhiên, Thành Nam vẫn kịp thoát lỗ và báo lãi hơn 3 tỷ đồng cho cả năm 2022, nhờ việc chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất tại địa chỉ Lô A1.1, đường Hoàng Sa, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Giao dịch này được thực hiện trong quý III/2022.
Lô đất này có diện tích hơn 2.000 m2, mục đích sử dụng là đất ở tại đô thị với nguồn gốc được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Giá trị giao dịch của lô đất theo thuyết minh báo cáo tài chính là 305,85 tỷ đồng, tương đương gần 153 triệu đồng/m2.
Với thương vụ chuyển nhượng trên, tổng tài sản của Thành Nam tại thời điểm ngày 31/12/2022 ghi nhận hơn 970 tỷ đồng, giảm 22% so với đầu năm.
Một điểm đáng chú ý khác của Thành Nam trong năm qua là việc đầu tư 114 tỷ đồng để nắm 95% tỷ lệ sở hữu tại CTCP Trang trại và Năng lượng Đông Xuân.
Như vậy, việc chuyển nhượng tài sản của Thành Nam không chỉ giúp doanh nghiệp thoát lỗ, mà còn bù đắp nguồn vốn để Công ty mở rộng sang lĩnh vực mới là nông sản và điện mặt trời.