Các công ty du lịch đang chuẩn bị sẵn sàng để đón dòng khách từ Trung Quốc. |
Tín hiệu tích cực
Năm 2019, hơn 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc đã đến Việt Nam, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế. Việt Nam cũng luôn đứng trong top 5 thị trường gửi khách lớn nhất của Trung Quốc. Do đó, việc điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh của Trung Quốc từ ngày 8/1/2023 là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch trong những ngày đầu năm.
Ông Thái Doãn Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Công đoàn TP.HCM cho biết, việc Trung Quốc mở cửa có ý nghĩa rất lớn với các doanh nghiệp ngành du lịch. Có thể thấy, nếu như lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt, chỉ đạt 70% kế hoạch đặt ra, thì đây là cơ hội để ngành du lịch phấn đấu đạt chỉ tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023, trong khi các thị trường khách châu Âu và Nga chưa có tín hiệu phục hồi do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu và xung đột Nga – Ukraine.
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội, ông Trần Tường Huy phân tích: “Các hãng hàng không đã mở lại các chuyến bay thường lệ từ TP.HCM, Hà Nội đến các thành phố của Trung Quốc như Quảng Châu, Bắc Kinh từ cuối tháng 1/2023, là cơ hội để các công ty du lịch mở các tour inbound, outbound trở lại”.
Là một doanh nghiệp lữ hành có thị trường truyền thống tại Trung Quốc, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại du lịch Viettourist kỳ vọng: “Với việc mở cửa của Trung Quốc, doanh nghiệp sẽ đạt được mục tiêu đón khoảng 4.000-5.000 lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam và đưa khách Việt Nam đi Trung Quốc. Đây là thị trường được chúng tôi đánh giá rất tiềm năng khi doanh số mang lại khá cao trong tổng thu nhập của doanh nghiệp trước Covid-19”.
Chuẩn bị nội lực
Tuy việc mở cửa đã thực hiện từ ngày 8/1, nhưng phía Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như: thống nhất thủ tục xuất, nhập cảnh, đảm bảo phòng chống dịch; cấp lại hộ chiếu hết hạn; lựa chọn tour du lịch phù hợp…
Ngoài ra, thời điểm mở cửa tại Trung Quốc rơi vào dịp Tết Nguyên đán, đây là thời gian về quê của người dân, nên khách chưa ồ ạt sang du lịch Việt Nam ngay.
“Dự báo đến quý II sẽ là thời điểm bùng nổ du lịch của khách Trung Quốc sau 3 năm không được đi du lịch nước ngoài”, ông Huy tin tưởng.
Dù có nhiều lợi thế, song các chuyên gia cũng cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa trở lại chưa thể khôi phục thị trường ngay lập tức. Trong khi đó, đây là thời gian phù hợp để các doanh nghiệp du lịch, hàng không set-up lại sản phẩm và đào tạo hệ thống nhân sự để phát triển bền vững trong tương lai.
Ông Thái Doãn Hồng chia sẻ, sau gần 3 năm Trung Quốc mới mở cửa trở lại, nên có rất nhiều thay đổi từ nhu cầu của du khách, chất lượng dịch vụ xuống cấp, nguồn nhân lực hạn chế… nên doanh nghiệp đang phải từng bước khắc phục.
“Về cơ sở vật chất của khách sạn, chúng tôi đã cải tạo mới so với trước dịch, cùng với đó là tìm kiếm nguồn nhân lực chuyên phục vụ du khách Trung Quốc, nhất là hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung, sau thời gian 3 năm đã chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác”, ông Hồng nói.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Hải, dù đã mở cửa, nhưng hiện chỉ có vài chuyến bay charter nên doanh nghiệp vẫn đang đợi thời gian phù hợp để sang Trung Quốc tìm hiểu nhu cầu của người dân, xúc tiến thương mại và tìm kiếm các điểm đến phù hợp.
Cuộc đua giành thị trường
Khách Trung Quốc có mức chi tiêu bình quân 1.800 USD/người khi đi du lịch nước ngoài, với du khách từ các đô thị lớn của Trung Quốc, mức chi tiêu còn cao nữa, do vậy các điểm đến nghỉ dưỡng biển hàng đầu như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Quy Nhơn… đang tập trung thu hút nguồn khách du lịch này.
Theo ông Trần Tường Huy, ngay sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, đã có một cuộc đua giữa các quốc gia nhằm sớm giành lấy thị trường này như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc… Đặc biệt là Thái Lan, quốc gia thu hút 11,5 triệu lượt khách Trung Quốc năm 2019, đã đưa ra chương trình xúc tiến “Trung Quốc quay lại”, nhằm chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và sản phẩm du lịch hấp dẫn để chuẩn bị đón khách, đồng thời bỏ quy định xét nghiệm và tiêm đủ liều vắc xin khi nhập cảnh, nhằm kỳ vọng đón 7-10 triệu khách Trung Quốc trong năm 2023.
Tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp cũng đang cố gắng hoàn thiện sản phẩm du lịch sau hơn 3 năm không phục vụ thị trường khách Trung Quốc, với hệ thống cung ứng dịch vụ và nhu cầu của du khách đang thay đổi.
Thông tin cụ thể về sự chuẩn bị của doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, Công ty cổ phần Du lịch Công đoàn TP.HCM đã bắt đầu kết nối với các điểm đến liên quan đến người Trung Quốc như phố người Hoa thuộc quận 5, hoặc các khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm… Ngoài ra, doanh nghiệp còn kết nối với các sản phẩm du lịch tại các quận, huyện của TP.HCM như: về Chợ Lớn xem múa lân; Tân Phú – đi là nhớ; lắng nghe hơi thở của rừng – khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Cần Giờ; Bình Chánh những điều chưa kể; về đất thép Củ Chi…
“Một số danh lam thắng cảnh về lịch sử, văn hóa, biển và miền núi sẽ là những sản phẩm được du khách Trung Quốc lựa chọn. Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung vào các sản phẩm tại trung tâm TP.HCM hoặc Hà Nội để phát triển các tour 5 ngày 4 đêm. Theo đó, 2 đêm đầu tiên giới thiệu TP.HCM cho du khách, 2 đêm tiếp theo sẽ đi biển Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quốc hoặc Đà Lạt… rồi quay về lại TP.HCM và đưa du khách ra sân bay”, ông Hải nói.