Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động DCCI TP.HCM Ảnh: Vũ Phong |
Lần đầu tiên được “chấm điểm” chính quyền
Kết thúc năm 2022, TP.HCM vẫn dẫn đầu trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,94 tỷ USD. Dù vẫn giữ vị trí quán quân trong thu hút FDI, nhưng môi trường đầu tư tại đầu tàu kinh tế cả nước này đang tụt xuống mức thấp.
Trong những cuộc đối thoại giữa chính quyền Thành phố và doanh nghiệp năm 2022, vấn đề thủ tục hành chính liên tục được các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước bức xúc phản ánh.
Bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP.HCM (SBA) cho biết, một số doanh nghiệp ở Khu công nghệ cao xin điều chỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể, dù là điều chỉnh cục bộ, nhưng mất khoảng 2 năm mới xong, trong khi trước đây chỉ mất từ 3 đến 6 tháng. Điều này khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, tăng chi phí và làm suy giảm niềm tin.
Sau khi đánh giá xong, ngày 15/3/2023, TP.HCM sẽ tổ chức công bố báo cáo kết quả DDCI năm 2022 và triển khai kế hoạch DDCI năm 2023.
Sau các vấn đề về quy hoạch, xây dựng, thủ tục đất đai, đến lượt vấn đề thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng khiến rất nhiều doanh nghiệp bức xúc. Khi các vấn đề của doanh nghiệp chậm được giải quyết, rất nhiều doanh nghiệp muốn có một bộ tiêu chí để chấm điểm về năng lực điều hành của các sở, ngành và quận, huyện của TP.HCM.
Tuy nhiên, phải đến trung tuần tháng 12/2022, lần đầu tiên, TP.HCM cho cộng đồng doanh nghiệp tại Thành phố được đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và quận huyện (DDCI). Đây là điều mà doanh nghiệp mong chờ vì trong 2 năm qua, rất nhiều nhà đầu tư đã nản lòng và không thể chờ đợi thêm vì thủ tục hành chính kéo dài quá lâu.
Trong số 8 nội dung đánh giá, có những nội dung mà lâu nay doanh nghiệp rất bức xúc như tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; vai trò của người đứng đầu…
So với DDCI của các tỉnh, thành phố khác, TP.HCM có thêm 3 tiêu chí là chỉ số thành phần về ứng dụng công nghệ thông tin; chỉ số về chuyển đổi số; chỉ số về sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành. Trong đó, chỉ số về sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành là điều mà doanh nghiệp đặc biệt bức xúc thời gian qua, vì sự đùn đẩy trách nhiệm khiến hồ sơ của doanh nghiệp phải đi lòng vòng qua rất nhiều cơ quan.
Cần đánh giá thực chất
Sau khi biết thông tin TP.HCM công bố việc “chấm điểm” các sở, ngành và quận/huyện, rất nhiều doanh nghiệp tỏ ra vui mừng và cho rằng, lẽ ra việc này cần làm sớm hơn.
Ông Manoj Barthwal, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (InCham) cho biết, các doanh nghiệp Ấn Độ mong muốn khi tiếp cận thông tin đầu tư tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, được công khai, minh bạch và dễ dàng hơn.
“Tôi đánh giá cao việc triển khai DDCI tại TP.HCM, các cơ quan, ban, ngành thành phố đừng nghĩ đây là hoạt động theo dõi, mà hãy coi như là thói quen tự nhiên. Khi TP.HCM triển khai DDCI, InCham sẽ có cơ sở để đưa doanh nghiệp Ấn Độ đến TP.HCM đầu tư”, ông Manoj Barthwal nói.
Việc TP.HCM triển khai DDCI cũng nhận được sự đánh giá cao của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam cho biết, thách thức đối với doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại TP.HCM hiện nay là quá trình phê duyệt giấy tờ có minh bạch, công tâm hay không.
Do vậy, việc đánh giá chỉ số DDCI của TP.HCM là rất cần thiết trong bối cảnh nhiều tập đoàn lớn đang có sự dịch chuyển đầu tư từ một số quốc gia đến Việt Nam. Nếu triển khai sớm và đánh giá chỉ số DDCI nghiêm túc, hiệu quả, sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư hiểu hơn về môi trường đầu tư tại TP.HCM trước khi ra quyết định đầu tư.
Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng cho rằng, việc đánh giá chỉ số DDCI sẽ giúp cơ quan nhà nước đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Điệp, Phó giám đốc Công ty VCAC cho biết, TP.HCM là địa phương đi sau các tỉnh khác trong việc triển khai DDCI, song “muộn còn hơn không”.
Ông Điệp góp ý, việc đánh giá DDCI cần thực chất và lựa chọn doanh nghiệp hoàn toàn ngẫu nhiên, đảm bảo tính đại diện cho cả cộng đồng doanh nghiệp ở khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Quá trình thực hiện cần minh bạch và có sự giám sát của các hiệp hội doanh nghiệp với mục tiêu cao nhất là cải thiện các điểm yếu của sở, ngành và các quận, huyện trong điều hành giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.