Ảnh minh họa. |
Ngỡ ngàng
Thú thật, sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19, việc đi lại với khoảng cách xa khiến tôi ngại hơn ngày trước. Nhưng đợt này thực hiện chuyên đề phối hợp truyền thông “Thu hút FDI thế hệ mới vào Quảng Ninh”, nên tôi lại đi. Cũng chưa hẳn là háo hức như một chuyến đi “phượt”, hay đi du lịch. Nhưng, xăng đã đổ đầy bình; tiền “phí không dừng” cũng đã nạp, dư cho cả hai chiều đi – về; ngày cũng đã chọn, tôi cùng anh em lên đường.
Cực Tây của Quảng Ninh là thị xã Đông Triều, cực Đông là thành phố cửa khẩu Móng Cái. Có lẽ, Quảng Ninh là địa phương trên cả nước có khoảng cách từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh xa nhất. Đúng là một Việt Nam thu nhỏ! Núi, sông, biển, ruộng vườn, phố xá, đẹp như tranh vẽ.
Ngày trước, nếu đi từ Tây đến hết Đông, theo Quốc lộ 18, phải mất gần 4 – 5 giờ xe chạy, đấy là hanh thông. Còn nếu đi từ Hạ Long ra Móng Cái, cũng ngót gần 3 giờ đồng hồ mới đến. Những cung đường uốn lượn quanh co, tránh xe ngược chiều làm cho những ai ít di chuyển cảm thấy đồi núi “quay” trước mắt. Còn bây giờ đi cao tốc xuyên Quảng Ninh nhẹ nhàng, êm ái quá! Tôi bảo đồng nghiệp lái xe: “Cho chút nhạc lên chứ, đi êm thế này, ru ngủ thì ngắm cảnh đẹp hai bên sao được!”.
Đây là lần đầu tiên tôi đi thẳng từ Hải Phòng đến Móng Cái. Lần trước đi dự lễ khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (1/9/2022), đó mới chỉ là sự háo hức, tò mò, âm thầm “thẩm định”. Đường tốt. Đẹp. Nhưng cũng chỉ đến trạm bán vé Tiên Yên rồi quay về. Hôm ấy, ngược chiều vun vút là dòng xe các loại đi Móng Cái. Thế mới thấy, niềm vui hân hoan không chỉ là của riêng lãnh đạo, bà con nhân dân trong tỉnh, mà còn của người dân cả nước.
“Đi Móng Cái giờ nhanh lắm. Tôi đi từ Hải Phòng mất 2 giờ 15’ là ra đến nơi”, một chị phóng viên ở Hải Phòng cũng tự lái xe ra Móng Cái hôm khánh thành cao tốc Vân Đồn – Móng Cái hồ hởi nói.
Đây chính là sự tiếp nối liên tục của Quảng Ninh trong hành trình đi tới của mình. Nhớ lại, năm 2018, cũng ngày 1/9, Quảng Ninh đã khánh thành, đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc đầu tiên của tỉnh: Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng. Lúc ấy, niềm vui của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người dân cũng ngập tràn.
Khi đó, tại buổi lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã nhấn mạnh: “Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng là công trình mang tính đột phá, bởi nó không chỉ phát huy giá trị cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, mà quan trọng hơn, còn góp phần thúc đẩy liên kết vùng Tam giác kinh tế phía Bắc, mở rộng không gian phát triển cho toàn khu vực. Công trình được đưa vào sử dụng còn rút ngắn thời gian di chuyển. Hơn nữa, cầu Bạch Đằng còn là cây cầu “Made in Việt Nam”, khẳng định sự tự chủ công nghệ của người Việt. Sự thành công của công trình là minh chứng cụ thể cho tư duy dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh”.
Ngỡ ngàng trong tôi còn là những công trình mang tầm quốc gia, quốc tế mà Quảng Ninh đã làm và ngày càng phát huy giá trị. Cũng trong năm 2018, ngày 31/12, Quảng Ninh lại khánh thành 3 công trình trọng điểm với số vốn lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, đó là sân bay quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và bến tàu du lịch quốc tế thuộc Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đã chính thức vận hành.
“Ba dự án này tạo đột phá đối với sự phát triển kinh tế của địa phương. Đây là dấu mốc lịch sử, hiện thực hóa chiến lược huy động mọi nguồn lực cho nền kinh tế mà địa phương đã làm thời gian qua”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khi đó khẳng định.
Miên man trong tiếng nhạc. Ngắm nhìn cảnh quan hai bên con đường cao tốc nhiều đoạn đẹp như tranh vẽ, tôi cứ thầm khâm phục sự phát triển bứt phá, đúng hướng, đem đến thành công của Quảng Ninh.
“Vốn mồi”” và sự đồng lòng
Giờ đây, khi ngồi viết những dòng này, nhớ lại đánh giá rất cao của độc giả là lãnh đạo sở, ngành, doanh nghiệp không chỉ của tỉnh Quảng Ninh về chất lượng chuyên đề “Thu hút FDI thế hệ mới vào Quảng Ninh” đăng trên Báo Đầu tư mà thấy tự hào. Với người làm báo, viết, truyền tải được thông tin chính xác, có tác dụng lan tỏa, góp phần thúc đẩy một chủ trương, một công việc, một vấn đề của một đơn vị, địa phương đến thành công, là điều vô cùng ý nghĩa.
Đến Quảng Ninh, mới thấy một địa phương thực sự năng động, nói luôn đi đôi với làm.
“Chúng ta đã thấy được tư duy, nhận thức, định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước. Không phải địa phương nào cũng làm được việc này, nên tôi rất hoan nghênh các đồng chí lãnh đạo khắp nơi đến dự lễ khánh thành, đồng thời để nghiên cứu nhân lên ở địa phương mình. Từ nhận thức tới hành động là một quá trình, Quảng Ninh đã làm được việc này”, cuối năm 2018, nhân dịp chuỗi công trình của tỉnh Quảng Ninh khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó đã phát biểu như vậy.
Có thể thấy, với tư duy sáng tạo, khát khao đổi mới để phát triển bền vững, đồng thời nhận diện được những hạn chế về hạ tầng, đặc biệt là “nút thắt” giao thông, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Quảng Ninh là một trong những địa phương mạnh dạn, đi đầu cả nước trong huy động nguồn lực theo phương thức đối tác công – tư (PPP), tự cân đối ngân sách tỉnh để xây dựng đường cao tốc. Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc, cảng hàng không quốc tế và cảng biển.
Trong cách làm đã được Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương ghi nhận, Quảng Ninh đã biết khai thác tốt nguồn vốn xã hội. Một ví dụ đã cũ, nhưng nó cho thấy, từ cách đây 7 – 8 năm, Quảng Ninh đã thực hiện thành công. Trong vòng 2 năm 2014 – 2015, tổng vốn đầu tư vào Quảng Ninh là 100.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư hạ tầng của tỉnh là 36.000 tỷ đồng, trong đó, 3/4 vốn là từ xã hội hóa, ngân sách địa phương chủ yếu dành để giải phóng mặt bằng.
Phát biểu tại lễ khánh thành cầu Bạch Đằng năm 2018, Trưởng ban Tổ chức Trung ương khi đó là đồng chí Phạm Minh Chính đã rất phấn khởi khi thông tin, với Quảng Ninh, một đồng vốn ngân sách, đã thu hút được 8,3 đồng vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, mà ở đây chính là từ khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Ngày 1/9/2022, phát biểu tại Lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là tuyến cao tốc cuối cùng được hoàn thành của tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh, với tổng chiều dài 176 km; chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước. Ý nghĩa ở chỗ, trong tổng số 43.836 tỷ đồng vốn đầu tư bỏ ra, thì số tiền mà tỉnh chi là 15.607 tỷ đồng, chiếm 35,5%; vốn của các doanh nghiệp tư nhân là 28.229 tỷ đồng, chiếm 64,5%.
– Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam
Minh chứng sinh động này càng cho thấy rõ cách làm, huy động nguồn lực từ những đồng “vốn mồi” cùng chính sách đã tạo được niềm tin, sự đồng lòng của toàn xã hội trong đầu tư phát triển của Quảng Ninh.
Đại diện doanh nghiêp, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Vân Đồn cũng cho hay: “Cảng HKQT Vân Đồn đã góp phần thay đổi diện mạo của huyện Vân Đồn. Nếu năm 2015, thu ngân sách huyện Vân Đồn là 130 tỷ đồng, thì từ năm 2020, con số này đã vượt 1.000 tỷ đồng. Năm 2022, Vân Đồn là địa phương thứ 6/13 của Quảng Ninh tự cân đối ngân sách (khoảng 1.620 tỷ đồng)”.
Vĩ thanh
Miên man nghĩ, xe đến trụ sở UBND TP. Móng Cái tôi mới hay. Xe chạy hết đúng 108 phút, êm ái, an toàn, thuận lợi!
Nghĩ và ngắm Quảng Ninh qua một hành trình thôi, cũng đủ ngỡ ngàng về sự phát triển nhanh và mạnh mẽ.
Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triền luôn là một bài toán hóc búa của mỗi địa phương trong hành trình tiến về phía trước. Với Quảng Ninh, đã qua rồi những bước thử nghiệm; giờ đây, là sự chủ động, dám nghĩ, dám làm. Cơ chế, chính sách phù hợp đã tạo niềm tin, tạo nên sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là của người dân trong tỉnh.
Một chặng đường mới chắc chắn sẽ hanh thông với Quảng Ninh – một Việt Nam thu nhỏ đáng tự hào!