Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày các nội dung kiến nghị đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược |
Kéo dài thêm 1 năm để hoàn tất chi trả chế độ liên quan đến phòng, chống Covid-19
Báo cáo trước Quốc hội sáng ngày 5/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày các nội dung kiến nghị đưa vào Nghị quyết của Quốc hội.
Trong đó, Chính phủ để nghị chuyển tiếp thực hiện một số quy định do Nghị quyết 30 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2022.
“Chính phủ đề xuất Quốc hội việc chuyển tiếp thực hiện đối với 2 chính sách để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân. Việc chuyển tiếp này là cần thiết và phù hợp theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là khi chấm dứt hiệu lực thi hành hoặc khi sửa đổi, bổ sung văn bản mà trong trường hợp cần thiết thì có điều khoản chuyển tiếp để giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tiễn”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan làm rõ lý do.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 theo các quy định của Nghị quyết số 30 và các văn bản hướng dẫn mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thực hiện thanh toán theo các quy định tại Nghị quyết số 30 và các văn bản hướng dẫn bảo đảm hoàn thành trước ngày 31/12/2023.
Trong Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội, theo báo cáo của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì việc chi trả kinh phí cho một số hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 vẫn đang triển khai, chưa hoàn thành, như chi chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng, chống dịch COVID-19 là 116 tỷ đồng; kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 khoảng 1.926 tỷ đồng; Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 khoảng 1.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc thanh toán bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc COVID-19 cũng chưa hoàn thành.
“Để bảo đảm quyền lợi cho quyền lợi của những đối tượng thụ hưởng các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại Nghị quyết số 30 thì cần thiết phải chuyển tiếp việc tiếp tục cho thanh toán theo Nghị quyết số 30 và các văn bản hướng dẫn cho đến khi việc thanh toán hoàn thành”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan báo cáo.
Chính sách thứ hai được đề nghị tiếp tục đến hết ngày 31/12/2023 là cơ chế thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 đang thực hiện theo Nghị quyết số 30 được hướng dẫn bởi Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15.
Lý do, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì chi phí điều trị bệnh COVID-19 (nhóm A) do Ngân sách Nhà nước bảo đảm. Theo quy định của Luật Ngân sách thì kinh phí ngân sách chi cho các hoạt động phải được giao toán từ đầu năm. Theo quy định của Luật đấu thầu thì khi xây dựng kế hoạch mua sắm, đấu thầu phải nêu rõ nguồn kinh phí.
Tuy nhiên, trong thực tế cơ sở y tế công lập mua sắm, cung ứng thuốc, hoá chất, vật tư y tế, máu, dịch truyền để sử dụng chung cho cả công tác khám chữa bệnh thường xuyên và phòng, chống dịch COVID-19 mà không thể tách được chi tiết nguồn kinh phí mua sắm riêng cho phòng, chống dịch COVID-19 do không thể ước tính trước số lượng bệnh nhân COVID-19, dịch bệnh này cũng chưa có tiền lệ, mới phát sinh nên rất khó xác định được cụ thể nguồn kinh phí để giao dự toán như các chương trình y tế khác được ngân sách chi (lao, HIV).
Việc dự toán số lượng kinh phí theo số lượng bệnh nhân COVID-19 cũng làm phát sinh thêm thủ tục, nhân lực, thời gian và khó bảo đảm chính xác.
Do đó, cơ sở y tế công lập sử dụng một nguồn tài chính của đơn vị để mua sắm, cung ứng dịch vụ cho tất cả các hoạt động của đơn vị, bao gồm cả điều trị bệnh nhân COVID-19 và khi kết thúc đợt điều trị thì mới xác định được chi phí thực tế điều trị bệnh nhân COVID-19 và báo cáo cấp có thẩm quyền để ngân sách hoàn trả khoản kinh phí điều trị bệnh nhân COVID-19 thuộc phạm vi ngân sách chi trả. Thời gian qua, các cơ sở y tế đã thực hiện theo cơ chế này chủ động, thuận lợi.
Đối với người bệnh COVID-19, nhiều trường hợp không bóc tách được chi phí điều trị COVID-19 và các bệnh khác do người bệnh cũng đồng thời mắc một số bệnh khác hoặc việc mắc COVID-19 làm phát sinh hoặc tăng nặng tình trạng của các bệnh khác.
Trong trường hợp này ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh theo quy định của Nghị định số 29/2022/NĐ-CP để bảo đảm quyền lợi của người bệnh và giảm thủ tục, thời gian thực hiện.
Kéo dài thời gian sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc
Liên quan đến việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc khác với quy định của Luật Dược, Bộ trưởng Đào Hồng Lan báo cáo, Chính phủđề nghị Quốc hội cho phép áp dụng chính sách này trong giai đoạn tiếp theo từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2024.
Ngày họp đầu tiên của Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV |
Theo quy định của Luật Dược, tất cả các sản phẩm thuốc, nguyên liệu làm thuốc đều phải được cấp giấy đăng ký lưu hành; thời hạn hiệu lực là 5 năm (hoặc 03 năm đối với thuốc có yêu cầu tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả); trong vòng 12 tháng trước khi hết hiệu lực giấy đăng ký lưu hành, cơ sở đăng ký phải nộp hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành. Theo Luật Dược, hồ sơ, quy trình gia hạn cũng rất phức tạp, gần như giải quyết hồ sơ cấp mới.
Vì vậy, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế chỉ có thể giải quyết tối đa được khoảng 6.000 hồ sơ gia hạn/năm. Như vậy, để giải quyết toàn bộ các hồ sơ gia hạn theo quy định tại Luật Dược đến hết năm 2024 mới cơ bản giải quyết xong. Đó là không tính các hồ sơ sẽ tiếp tục nộp theo quy định.
Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương xây dựng dự thảo Luật Dược sửa đổi, trong đó, đang đề xuất sửa đổi theo hướng doanh nghiệp nộp đơn đề nghị gia hạn và cung cấp các thông tin cập nhật về tình hình lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại nước sở tại, tình trạng cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc làm cơ sở để cơ quan quản lý thực hiện hậu kiểm. Sau khi nộp hồ sơ đề nghị gia hạn, doanh nghiệp được tự động thực hiện…
“Do các vướng mắc này đều xuất phát từ quy định của Luật Dược hiện hành; Để xử lý căn bản, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Dược. Tuy nhiên, việc này cần nhiều thời gian (dự kiến dự án Luật Dược sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm 2024)”, Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải khoảng thời gian đề xuất áp dụng.
Đặc biệt, Tờ trình của Chính phủ cũng làm rõ việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đã hết hiệu lực mà chưa kịp hoàn thành thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định của Luật Dược 2016 đối với các thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã có đầy đủ dữ liệu chứng minh chất lượng, an toàn, hiệu quả cho đến ngày 31/12/2024 là giải pháp căn bản, khả thi, nhằm bảo đảm có đủ thuốc cho nhu cầu khám và điều trị bệnh cho nhân dân, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh ngành dược, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
“Việc này đặt ra yêu cầu phải thực hiện khác với quy định của Luật Dược hiện hành, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan báo cáo.