Nhắc tới thương mại điện tử, nhiều người thường hình dung tới một ngành kinh tế góp phần bảo vệ môi trường. Nhờ ứng dụng các công nghệ hiện đại, người dùng không cần đi lại nhiều đến cửa hàng; các nhà bán lẻ cũng không phải in ấn hóa đơn như trước đây.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của thực tế. Thương mại điện tử là ngành phát thải nhiều carbon vào môi trường, thông qua việc lắp đặt các trung tâm dữ liệu, sử dụng hạ tầng IoT (Internet kết nối vạn vật) và quá trình giao hàng chặng cuối.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy sự tăng trưởng mạnh của hoạt động giao hàng cuối cùng trong thương mại điện tử có thể góp phần gây ách tắc giao thông và làm tăng lượng khí thải carbon ở các thành phố lớn trên thế giới trong thập kỷ tới. Cụ thể, nghiên cứu này ước tính đến 2030, số lượng phương tiện giao hàng trong 100 thành phố lớn trên thế giới sẽ tăng 36%; lượng khí thải từ lưu lượng giao hàng sẽ tăng gần 1/3 và khiến tình trạng tắc nghẽn giao thông tăng hơn 21%.
Một thống kê khác của FastMarket thực hiện tại Mỹ vào năm 2018 lại tiết lộ rằng rác thải bỏ đi khi người dùng mua sắm trực tuyến cao gấp 7 lần lượng rác thải của quá trình mua sắm trực tiếp từ cửa hàng.
Tại Việt Nam chưa có con số thống kê chi tiết, nhưng những ảnh hưởng của thương mại điện tử đến môi trường đều có thể nhìn rõ. Ví dụ, trong khâu đóng gói, bao bì, người mua hàng online thường nhận được những thùng hàng to, đóng gói cồng kềnh nhiều lớp, trong khi món hàng đặt mua có kích thước nhỏ và không dễ vỡ.
Có khi khách hàng chỉ đặt hàng một lần, nhưng được giao nhiều lần do mỗi sản phẩm được trữ ở một kho khác nhau. Đó là chưa kể nếu không hài lòng với sản phẩm, khách sẽ đổi, trả hàng, làm phát sinh thêm những chuyến xe và khí thải. Hoạt động đặt đồ ăn qua mạng cũng có thể gây hại môi trường, khi người bán dùng thêm hộp xốp, bao nylon, muỗng nĩa nhựa… thay vì chỉ rửa chén đĩa.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, với Việt Nam, kinh tế số có nhiều tiềm năng phát triển và từng là cơ sở để nền kinh tế phục hồi tốt hơn so với kỳ vọng trong giai đoạn Covid-19. Tuy nhiên, vấn đề ông Cương đặt ra là làm sao để kinh tế số và phát triển bền vững không tách rời nhau, cùng nâng đỡ nhau.
“Người ta đánh giá trong phát triển kinh tế số, phát thải carbon của tổng thể ngành này còn lớn hơn đáng kể so với một ngành kinh tế truyền thống là hàng không. Chúng ta cần nhìn nhận để một mặt, phát huy tiềm năng của kinh tế số, một mặt không bỏ qua các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Cương đánh giá.
Lazada Logistics sắp đưa 100 xe máy điện vào hoạt động giao vận tại Việt Nam. |
Nhìn theo hướng tích cực, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam đã bắt đầu chú ý đến câu chuyện phát triển bền vững, kiểm soát tác động tới môi trường. Ví dụ, với Lazada, trong năm 2023, Lazada Logistics sẽ đưa 100 chiếc xe máy điện đầu tiên vào quá trình giao hàng, góp phần giảm phát thải carbon ra thị trường. Thương hiệu cũng tích cực hướng đến giảm rác thải trong quá trình đóng gói bằng cách giảm rác thải nhựa, tái chế giấy, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường,…
Theo báo cáo E-conomy SEA năm 2022 của Google, Tamesek và Bain Company, quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050, trong đó thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất. Cũng theo báo cáo này, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 28%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2022. Nếu được tối ưu hóa, lượng khí phát thải từ hoạt động thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể (30-40%) so với hoạt động thương mại thông thường, từ đó đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.