Đại Nội (Kinh thành Huế) là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế |
Bảo tồn và phát huy giá trị
Cùng với Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Phố cổ Hội An (Quảng Nam), Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) được xem là “trái tim” trên “con đường di sản miền Trung”.
TS – kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá: “Huế là nơi đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng đồ sộ, phong phú của Việt Nam. Xét về quy mô, tính độc đáo, kho tàng di sản ấy luôn được xếp hàng đầu, không chỉ ở phạm vi trong nước, mà còn ở cấp độ châu lục và thế giới”. Còn theo TS – kiến trúc sư Trần Minh Tùng (Trường đại học Xây dựng Hà Nội), “Huế gắn liền với dòng Hương Giang, được xem như yếu tố phong thủy tạo nên vượng khí cho Kinh thành của triều Nguyễn”.
Ông Amadou Mahtar M’Bow, nguyên Tổng giám đốc UNESCO cho rằng, những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý “đóng khung” Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, phá Tam Giang và Cầu Hai. Nhờ thế, họ sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó, mỗi nhân tố bắt nguồn cảm hứng từ thiên nhiên gần gũi. Di sản Kinh đô Huế thế kỷ XIX đã trở thành di sản văn hóa thế giới với đa dạng các thể loại: vật thể, phi vật thể, ký ức…
– Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu (giai đoạn I) – đợt 1
– Chiếu sáng mỹ thuật di tích Ngọ Môn (tầng 1, tầng 2 và sửa chữa, thay thế tầng 3)
– Bảo tồn, tu bổ, phục hồi thích nghi di tích Đàn Âm Hồn
– Bảo tồn, tu bổ di tích Đàn Nam Giao (phần còn lại)
– Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Hưng Miếu
– Bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể di tích lăng Vua Thiệu Trị (giai đoạn III)
– Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng Vua Tự Đức (phần còn lại)
– Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu – giai đoạn I
– Bảo tồn, tôn tạo thích nghi di tích Quốc tử giám – Kinh thành Huế
– Phục hồi, tu bổ và tôn tạo vườn Cơ Hạ
– Trụ sở làm việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
– Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh
– Phục hồi di tích Đại Cung Môn
– Tu bổ hệ thống mái Khải Tường Lâu – Cung An Định
– Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế
Thời gian qua, bên cạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, như Nhã nhạc, múa cung đình, tuồng cung đình…, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn xem công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích là nhiệm vụ thường xuyên. Tuy nhiên, những thủ tục pháp lý liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích có nhiều thay đổi, nên quy trình chuẩn bị đầu tư phải tiến hành rất nhiều thủ tục pháp lý, qua nhiều công đoạn và tốn nhiều thời gian hơn.
Đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 15 dự án dự kiến khởi công trong giai đoạn 2022 – 2025. Đặc biệt, trong đó, Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế đã mở ra một tương lai mới cho bao thân phận con người “sống bám di tích” ở Kinh thành Huế nói chung và khu phố Trần Huy Liệu nói riêng.
Cùng với đó, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn triển khai thực hiện và chuyển tiếp 13 dự án, gồm: Tu bổ và phát huy giá trị tổng thể di tích lăng Vua Gia Long (phần còn lại); Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Kiến Trung; Bảo tồn, tu bổ hệ thống tường và cổng Tử Cấm Thành (giai đoạn I); Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hoà; Bảo tồn, tu bổ di tích Đàn Nam Giao (giai đoạn I); Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan; Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tổng thể di tích lăng Vua Thiệu Trị (giai đoạn II); Bảo tồn, tu bổ tổng thể khu di tích lăng Vua Đồng Khánh (phần còn lại); Bảo tồn, tu bổ và phục hồi lăng Dục Đức (hạng mục: khu Tẩm điện, khu lăng mộ); Bảo quản, tu bổ, phục hồi lăng Minh Mạng (hạng mục: khu vực Tẩm điện và sân Bái Đình); Tu bổ, phục hồi các lăng mộ và tôn tạo hạ tầng kỹ thuật cảnh quan thuộc quần thể di tích lăng Vua Gia Long; chiếu sáng mỹ thuật xung quanh Hoàng thành; hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực Hoàng thành.
Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh quan điểm xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
“Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế – xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh, không chỉ của riêng Thừa Thiên Huế, mà còn của cả vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước”, TS – kiến trúc sư Trương Văn Quảng chia sẻ.
Ngẫm về hai “thái cực”
Dù lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng đồ sộ, phong phú, nhưng bao năm qua, Huế vẫn trầm mặc, chậm rãi như ly cà phê “không cần vội” vào mỗi sáng bên bờ Hương Giang.
TS – kiến trúc sư Trần Minh Tùng nhìn nhận, việc quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1993 đã trở thành yếu tố tăng trưởng kinh tế quan trọng của địa phương thông qua việc thu hút khách du lịch. Festival Huế qua 11 kỳ tổ chức đã tạo nên một thương hiệu du lịch hấp dẫn với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài muốn tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hóa hoàng gia của một triều đại phong kiến. Như vậy, trong những năm qua, Huế đã dần xác lập được vị trí là đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.
Tuy nhiên, theo TS – kiến trúc sư Trần Minh Tùng, đô thị Huế đang phát triển chậm, thậm chí có nguy cơ mất vị thế trong vùng. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này là do mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Các dự án mở rộng đô thị luôn phải “loay hoay” giữa 2 đối cực: giữ gìn lịch sử và bứt phá tương lai.
Như vậy, di sản từ điểm mạnh lại có thể là điểm yếu của đô thị này. Huế cũng cho thấy những động thái ứng xử mới khi sử dụng các điểm đô thị nhỏ kế cận để chia sẻ trọng trách phát triển, mà việc hình thành cảng nước sâu Chân Mây cùng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô là một ví dụ điển hình.
Khác với Đà Nẵng, Huế sở hữu tính chất di sản khá rõ và đậm nét. Đó là nhìn nhận của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Gần đây, biển Thuận An ở thị trấn Thuận An mới sáp nhập vào TP. Huế sau khi thành phố này mở rộng địa giới hành chính. Do đó, TP. Huế có tính chất phát triển mới về phía giáp biển, song vẫn cần nhấn mạnh, khu trung tâm của Huế hiện nay chủ yếu là phần di sản.
“Với quỹ đất còn rộng, Huế muốn phát triển thì tập trung vào bảo tồn cái mình đang có và phát triển các đô thị mới về hướng An Vân Dương, về hướng Thuận An, hay về phía Phú Bài… Vậy nên, khi phát triển, thì Huế nên phát triển những khu vực mới, chứ không nên phát triển đan xen nhà cao tầng vào các khu di sản hiện nay, để rồi phá vỡ di sản thì rất uổng”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn khuyến nghị.
Vị kiến trúc sư này đánh giá, Huế đang đi đúng hướng. Theo đó, khu trung tâm hiện hữu của Huế đang được giữ gìn, không cao tầng hóa nhiều, mà chỉ chỉnh trang một số, chỉ cao tầng hóa phát triển về hướng An Dương Vương, phía Đông, sắp tới là phát triển về phía Thuận An…
Nên chăng, Huế không thể nhìn mình để so sánh… với mình, mà cần hòa nhập vào sự phát triển của cả vùng, khu vực?