Sau hội đàm và thảo luận, Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt – Lào đã thống nhất tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong năm 2023.
Kết thúc Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt – Lào và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khamchen Vongphosy, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào – Việt, đã ký Biên bản Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt – Lào.
Hai vị Bộ trưởng, thay mặt Chính phủ hai nước, cũng đã ký Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ hai nước chứng kiến lễ ký Biên bản Kỳ họp và Thỏa thuận về hợp tác song phương Việt – Lào năm 2023 (Ảnh Đức Trung) |
Cụ thể, theo thỏa thuận, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác về chính trị, ngoại giao, đưa quan hệ chính trị Việt Nam – Lào vào chiều sâu; đẩy mạnh thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, an ninh; cũng như hợp tác về giáo dục – đào tạo, và các lĩnh vực khác, như y tế, pháp luật và tư pháp, công nghệ thông tin…
Đặc biệt, trong hợp tác về kinh tế, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô giữa hai nước; tiếp tục triển khai hiệu quả các hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư; phối hợp tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư của Việt Nam và Lào.
Đồng thời, hai bên cũng thống nhất các biện pháp tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam – Lào và giữa ba nền kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia, nhất là kết nối thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông, du lịch, góp phần hỗ trợ Lào triển khai chiến lược “biến Lào từ quốc gia không tiếp giáp biển thành quốc gia kết nối”.
Theo thỏa thuận được ký kết, hai bên cũng sẽ tiếp tục phối hợp thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào trong giai đoạn tới. Chẳng hạn, năng lượng, chuyển đổi số, công nghệ, nông nghiệp (nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao …), du lịch…
Đồng thời, xem xét, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Lào (như mô hình hợp tác nông nghiệp 3 bên đã triển khai tại dự án liên doanh chăn nuôi bò sữa giữa Lào-Nhật Bản và Công ty Vinamilk, tỉnh Xiêng Khoảng).
Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực, ngành kinh tế then chốt khác của Lào như khai thác khoáng sản, tài chính, ngân hàng…
Hai bên cũng đã thỏa thuận tiếp tục phối hợp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn, như: khai thác và chế biến quặng Bô-xít và xây dựng nhà máy Alumina tại huyện Đắk Chưng tỉnh Sê Kông, Tổ hợp chăn nuôi bò và chế biến sữa tại tỉnh Xiêng-khoảng; tiếp tục hỗ trợ những dự án mới được phía Lào cấp phép như dự án khai thác mỏ của Cavico tại tỉnh Bolikhamxay, dự án khai thác khoáng sản sắt của Tổng công ty Hợp tác kinh tế (COECCO)… để sớm triển khai, đóng góp vào việc phát triển kinh tế Lào.
Điểm đặc biệt, là trong Thỏa thuận được ký lần này, hai bên đã thống nhất phối hợp thu hút đầu tư từ bên thứ 3 cho các dự án hàm lượng công nghệ cao, năng lượng tái tạo.
Cùng với đó, phía Lào ưu tiên giao các dự án chậm triển khai, không có khả năng triển khai cho các doanh nghiệp Việt Nam nhất là các dự án hợp tác dọc biên giới Việt Nam – Lào. Tham vấn hai bên trong trường hợp cấp dự án tại khu vực biên giới hai nước cho doanh nghiệp nước thứ ba.
Theo thỏa thuận được ký kết, hai bên cũng sẽ phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp Việt Nam với các cơ quan chức năng của Lào nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, thúc đẩy các doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động kinh doanh theo hợp đồng đã ký kết.
Đồng thời, hai bên cũng sẽ xem xét, nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên hành lang kinh tế Đông – Tây.
Về hợp tác thương mại, hai bên phấn đấu tiếp tục thúc đẩy tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2023 từ 10-15% so với năm 2022; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, xây dựng kênh phân phối cho hàng hóa Việt Nam và Lào tại mỗi nước để đảm bảo sự hiện diện ổn định và đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Trong thỏa thuận được ký kết, phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc của nhiều dự án đầu tư quan trọng cũng đã được đưa ra. Chẳng hạn, Dự án Thủy điện Xekaman 3, Dự án Khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào; Dự án mỏ sắt Phu Nhuon tại bản Na To, huyện Khuôn, tỉnh Xiêng Khoảng…
Hai bên cũng đã thống nhất phương án thúc đẩy, hợp tác để có thể triển khai các dự án như Đường sắt Vũng Áng – Vientiane, dự án bến cảng 1, 2, 3 của cảng Vũng Áng…
Trong khi đó, về viện trợ không hoàn lại, hai bên thống nhất số kinh phí viện trợ không hoàn lại của Việt Nam dành cho Lào năm 2023 là 751,29 tỷ đồng. Đồng thời, thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra các dự án sử dụng vốn viện trợ nhằm đôn đốc việc thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng; điều chuyển nguồn vốn đã bố trí trong năm từ các dự án chậm tiến độ cho các dự án đạt, vượt tiến độ và có khả năng giải ngân.
Đối với các chương trình, dự án bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hai bên thống nhất giãn thời gian thực hiện (bao gồm nghiệm thu bàn giao và thanh quyết toán công trình)…
Thỏa thuận hợp tác được ký kết lần này hứa hẹn sẽ tạo bước tiến quan trọng trong thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam – Lào.