Phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành ngân hàng năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 trên địa TP.HCM ngày 12/1, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho hay, đến hết năm 2022 hoạt động ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, huy động vốn tăng khoảng 6%.
Trong đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư chiếm 37,2% trong tổng huy động vốn và tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung, tăng 9,2% so với cuối năm 2021. Đây là diễn biến tích cực, trong bối cảnh năm 2022, có nhiều yếu tố tác động đến tâm lý người dân, người gửi tiền.
Kết quả này phản ánh kênh tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân, an toàn và hiệu quả, tiếp tục phản ánh niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng, được pháp luật bảo đảm lợi ích người gửi tiền trong mọi trường hợp. Bên cạnh đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư là bộ phận tiền gửi ổn định nhất, tạo điều kiện cho các TCTD trên địa bàn khai thác và sử dụng vốn hiệu quả.
Kết thúc năm 2022, dự ước tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. HCM đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 14% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng trưởng theo đúng định hướng điều hành của NHTW và đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế thành phố.
Theo đó, GRDP thành phố tăng trên 9%, có đóng góp quan trọng của hoạt động tín dụng ngân hàng thành phố, trong bối cảnh các kênh vốn khác trong năm gặp nhiều khó khăn.
Với tín dụng của ngành ngân hàng trên địa bàn TP. HCM tăng 14% trong năm 2022 là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm gần đây (năm 2021 tăng 11,86%, năm 2020 tăng 10,35%, năm 2019 tăng 13,67%). Tỷ lệ nợ cho vay trên nguồn vốn huy động của ngành ngân hàng trên địa bàn thành phố xấp xỉ 100%. Cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ trọng tâm.
Cũng tại hội nghị trên, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP.HCM ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, kỳ vọng ngân hàng tập trung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong thời gian qua, việc kiểm soát lạm phát đã có lúc thắt chặt chính sách tiền tệ, do đó kiến nghị tín dụng trong thời gian tới cần được linh hoạt vào những hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, tín dụng cần tập trung vào đối tượng là công nhân, sinh viên, chiếm 1/3 dân số trên địa bàn nhằm đảm bảo an sinh và đảm bảo an ninh, hạn chế tín dụng đen.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, chừng nào người dân còn đến tổ chức tín dụng vay 50 triệu đồng với 1 tập thủ tục, thời gian lâu thì họ sẽ đi tìm nguồn tín dụng khác và không loại trừ “đen”.
Phó thống đốc Dũng hy vọng, Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của ngân hàng đang được sửa đổi sẽ sớm hoàn thiện, thông qua, đi vào thực hiện để giải quyết khó khăn về thủ tục của các tổ chức tín dụng.
Cũng theo Phó thống đốc Dũng, chủ trương của ngành ngân hàng là đẩy mạnh cho vay đối với nhà ở xã hội, phân khúc khách hàng nhỏ, lẻ như: công nhân và đối với doanh nghiệp là lĩnh vực ưu tiên sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực lãi suất tăng hiện nay, ngành ngân hàng cũng đang nỗ lực để giảm, nhất là đối với khách hàng doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cũng cho hay, trong năm qua Ngân hàng Á Châu cũng đã giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng. Tính đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng của ACB tăng trưởng trên 10,5%. Nợ xấu được kiểm soát 0,6% và riêng khu vực TP.HCM nợ xấu của ACB được kiểm soát thấp ở mức 0,3%.
Cũng theo ông Phát, ACB luôn đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho khách hàng vay vốn theo chủ trương chỉ đạo của UBND TP.HCM cũng như Ngân hàng Nhà nước. ACB đẩy mạnh cho vay sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp. Riêng với phân khúc khách hàng cá nhân, ACB đã cho vay ưu đãi khoảng 50.000 tỷ đồng. Ngoài ra, đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh ACB đã cho vay ưu đãi khoảng 3.000 tỷ đồng.