Động lực tăng trưởng 2023: Vốn đầu tư nước ngoài và “của để dành” trong nước
Trong một buổi nói chuyện đầu tháng 12/2022 với gần 20 đại diện đến từ một nhóm nhà đầu tư ở Singapore và Malaysia do một công ty ở Anh kết nối, có 3 điểm nhấn mà tôi nhận ra trong các câu hỏi của các nhà đầu tư này với Việt Nam. Đó là, thị trường trái phiếu Việt Nam sẽ ra sao? Đâu là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong năm tới? Chính sách về tỷ giá sẽ như thế nào?
Câu chuyện trái phiếu thì đã được bàn tới nhiều, trong bài này tôi sẽ tập trung vào câu hỏi về động lược tăng trưởng năm 2023. Nói về động lực tăng trưởng, tôi chia sẻ 3 vấn đề.
Thứ nhất, Việt Nam hưởng lợi đáng kể từ quá trình đa dạng hóa trung tâm sản xuất, hay nói cách khác, là tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Câu chuyện Apple bị các chiến lược gia của Wall Street cảnh báo rủi ro sụt giảm lợi nhuận ngay sau những đợt biểu tình rộng rãi ở Trịnh Châu (Trung Quốc) là một bài học nữa cho các nhà sản xuất nước ngoài. Vì vậy, bất chấp Trung Quốc sẽ nới lỏng Zero Covid tới mức nào, thì tiến trình dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các nhà sản xuất nước ngoài sẽ tiếp tục. Việt Nam là một trong những đối tác được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn.
Thứ hai, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực ASEAN vẫn được đánh giá là sẽ tăng trưởng tốt trong trung và dài hạn, trong đó, Việt Nam được đánh giá tăng trưởng cao hơn trung bình của khu vực. Vào giữa tháng 12/2022, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại một lần nữa giảm dự báo tốc độ tăng trưởng của khu vực, từ 4,9% xuống 4,6%. Tăng trưởng của Việt Nam cũng bị điều chỉnh giảm từ 6,7% xuống 6,3% – vẫn cao đáng kể so với trung bình của khu vực châu Á. Ngoài ra, nền tảng vĩ mô về trung và dài hạn của Việt Nam vẫn được dự kiến tiếp tục hướng về mục tiêu ổn định theo các chỉ đạo gần đây của Thủ tướng Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề trên thị trường bất động sản và trái phiếu.
Với 2 lý do trên, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ vẫn khả quan vì nhà đầu tư FDI chú trọng vào tầm nhìn trong trung và dài hạn. Nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam sẽ là động lực đầu tiên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vì nó thúc đẩy vốn đầu tư vào cả nền kinh tế lẫn xuất khẩu.
Cuối cùng, điều mà tôi gọi là “dư địa đầu tư công” hay “của để dành”. Thanh khoản nền kinh tế cũng như câu chuyện trái phiếu là đáng lo, tăng trưởng cung tiền thấp cũng vậy. Nhưng Việt Nam vẫn còn “của để dành”, đó là lượng chi tiêu công chưa thể giải ngân trong 2022. Lượng tiền giải ngân đầu tư công năm 2023 sẽ đóng vai trò “tạo tiền” cho các ngân hàng, hỗ trợ những khó khăn về tăng trưởng cung tiền thấp của năm 2022.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022. Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề giải ngân đầu tư công trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra sáng 17/12, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho rằng, đầu tư công là kênh quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, vấn đề là tỷ lệ giải ngân thấp. Theo ông Hưng, tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2017 đạt 73%, năm 2018 là 66%, năm 2019 là 67%, năm 2020 là 82%, tới năm 2021 lại giảm về 72%. Năm 2022 đạt trên 80%.
Tầm nhìn nhà đầu tư sẽ đặt vào yếu tố trung, dài hạn và hy vọng vào việc sử dụng được “của để dành”
Những phân tích trên chỉ ra rằng, động lực tăng trưởng của Việt Nam đến từ yếu tố trung và dài hạn của nền kinh tế, đặc biệt là đối với giải ngân đầu tư công. Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều người chỉ ra rằng, sẽ có những “làn gió ngược” đối với nền kinh tế.
Lấy ví dụ, đánh giá chung về thị trường các nước ASEAN năm 2023, Ngân hàng đầu tư JP Morgan cho rằng, thị trường các nước này sẽ đối mặt với những khó khăn do sức cầu nước ngoài với hàng xuất khẩu của những nước này yếu đi, tác động kích thích kinh tế của việc mở cửa sau dịch Covid-19 trong năm 2021 dần đi qua, thanh khoản thu hẹp, lãi suất tăng cao, thu nhập thực của người dân tăng chậm và tiết kiệm thực sụt giảm. Những nền kinh tế hướng về thương mại quốc tế làm động lực chính như ASEAN sẽ bị tác động xấu. Việt Nam là một trong số đó.
Những điều này cũng ít nhiều được các nhà làm chính sách và chuyên gia, cố vấn ở Việt Nam nhận thức rõ. Chẳng hạn, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương và bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đều chia sẻ vấn đề này Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm trong bài “Thách thức kinh tế 2023 ngày càng rõ nét” (https://baodautu.vn/thach-thuc-kinh-te-2023-ngay-cang-ro-net-d180242.html).
Những thuận lợi do dòng vốn FDI và giải ngân đầu tư công năm 2023 sẽ chỉ tạo ra hiệu ứng thúc đẩy kinh tế vào giai đoạn nửa cuối năm, vì vốn đầu tư cần thời gian để thẩm thấu vào nền kinh tế. Theo đó, những lợi ích của đầu tư vào Việt Nam nhiều khả năng sẽ chỉ nhìn thấy ở nửa cuối năm, khi những khó khăn đầu năm đã được nhận thức rõ và con đường phía trước bắt đầu bớt “sương mù”.
Nói cách khác, đầu tư vào Việt Nam trong năm 2023 phải đặt một tầm nhìn trung và dài hạn, nhưng yếu tố thuận lợi hơn nhiều khả năng sẽ chỉ nhìn thấy từ nửa cuối năm. Và đó là giả định chúng ta có cách sử dụng “của để dành”.