Bà Nguyễn Thị Phố Giang, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước |
Hàng loạt vụ án đã, đang và sẽ xét xử cho thấy, hoạt động đấu thầu luôn đứng đầu trong tiêu cực, tham ô, lãng phí, thất thoát, chiếm đoạt tài sản nhà nước. Tuy nhiên, trong lĩnh vực dự trữ quốc gia, đến nay, chưa phát hiện ra tiêu cực, thưa bà?
Có 12 nhóm hàng hóa thuộc Danh mục Dự trữ quốc gia, trong đó có lương thực; vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn; nhiên liệu; vật liệu nổ công nghiệp; thuốc bảo vệ thực vật… Vì vậy, hoạt động đấu thầu hàng dự trữ được thực hiện thường xuyên nhằm bảo đảm cung cấp đủ vật tư, hàng hóa khi cần thiết. Trong đó, mặt hàng gạo được dự trữ lớn nhất và thường xuyên tổ chức đấu thầu để bảo đảm cung cấp đủ gạo cho đồng bào nghèo khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu vào mỗi dịp Tết đến, khu vực bị thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và cấp cho học sinh vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Hiện tại, hoạt động đấu thầu gạo được giao 22 cục dự trữ trên toàn quốc làm chủ đầu tư, cũng như các loại hàng hóa, vật tư khác do Bộ Tài chính và một số bộ, ngành làm chủ đầu tư trong các cuộc đấu thầu hàng dự trữ, song đến nay, chưa phát hiện ra tiêu cực, mua thầu, bán thầu, thông thầu… Nguyên nhân là tiêu chuẩn, quy chuẩn về hàng dự trữ quốc gia được ban hành rất chặt chẽ. Quy trình mời thầu, lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu thực hiện công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hàng dự trữ quốc gia cũng được thực hiện rất nghiêm minh, nên việc gian lận, thông thầu, quân xanh – quân đỏ trong quy trình đấu thầu hàng dự trữ quốc gia khó xảy ra. Gian lận, tiêu cực trong đấu thầu hàng dự trữ quốc gia càng ít có cơ hội nếu thực hiện đấu thầu qua mạng.
Thưa bà, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã thực hiện đấu thầu qua mạng chưa?
Theo lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng, thì trong giai đoạn 2022 – 2025 sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng toàn bộ (100%) với gói thầu mua sắm tập trung.
Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 11/2019/TT-KHĐT về đấu thầu qua mạng, chúng tôi đã chủ động nghiên cứu và mời Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tập huấn, đào tạo cho cán bộ, công chức trong ngành là những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động đấu thầu và từ năm 2022 đã thực hiện đấu thầu toàn bộ khối lượng gạo dự trữ quốc gia qua mạng. Tới đây, toàn bộ hàng dự trữ quốc gia thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính nói riêng, các bộ, ngành khác nói chung (trừ vật tư, thiết bị, hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh) sẽ được đấu thầu qua mạng.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước ghi nhận kết quả đấu thầu qua mạng thế nào, thưa bà?
Hoạt động đấu thầu qua mạng là phương thức rất tiên tiến, không chỉ gần như chấm dứt được tình trạng thông thầu, quân xanh – quân đỏ, gian lận vì mọi hoạt động được công khai, minh bạch, mà Nhà nước còn có cơ hội mua được hàng hóa rẻ hơn, đa dạng hơn vì có nhiều nhà thầu tham gia do không phụ thuộc vào không gian, thời gian. Đặc biệt, đấu thầu qua mạng còn tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và cả chi phí cho cả bên mời thầu lẫn doanh nghiệp tham gia đấu thầu vì tất cả hồ sơ, giấy tờ đều được thực hiện qua mạng. Quy trình đấu thầu được thực hiện qua mạng nên giảm thiểu thời gian mua sắm hàng hóa, vật tư thuộc Danh mục dự trữ quốc gia.
Luật Đấu thầu hiện hành đã có quy định về lựa chọn nhà thầu qua mạng, song hoạt động này chưa được thực hiện phổ biến. Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới, yêu cầu, ngoài đấu thầu rộng rãi, thì đấu thầu hạn chế và chào hàng cạnh tranh trong nước cũng phải áp dụng đấu thầu qua mạng.
Bà có nghĩ rằng, sau khi Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực, có thể áp dụng phổ biến phương thức đấu thầu qua mạng được ngay không?
Tôi tin là thực hiện được ngay vì Dự luật đã quy định cụ thể về Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Có địa chỉ tại https://muasamcong.mpi.gov.vn, đây là hệ thống công nghệ thông tin do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu xây dựng và quản lý nhằm mục đích thống nhất quản lý thông tin về đấu thầu và thực hiện đấu thầu qua mạng. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bao gồm các phân hệ: cổng thông tin điện tử, quản lý người dùng, quản lý sản phẩm dịch vụ, quản lý tài liệu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng, trung tâm hỗ trợ khách hàng, quản lý năng lực nhà cung cấp, bảo lãnh điện tử, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử, mua sắm trực tuyến…
Mặc dù Dự luật giao Chính phủ quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua mạng, nhưng sẽ không mất thời gian để xây dựng hướng dẫn, bởi ngoài Thông tư 11/2019/TT-KHĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 08/2022/TT-BTC quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Tất cả quy trình, thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, mẫu biểu bằng hình thức điện tử để thực hiện đấu thầu qua mạng cũng đã quy định đầy đủ, chi tiết tại thông tư này. Chúng tôi đã tổ chức nghiên cứu, tập huấn thông tư này và áp dụng trong việc tổ chức đấu thầu hàng dự trữ quốc gia thuộc quyền quản lý.
Nhiên liệu, cụ thể ở đây là mặt hàng xăng dầu, thuộc Danh mục Dự trữ quốc gia. Thưa bà, trước thực trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu thời gian vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, phải tăng lượng dự trữ xăng dầu. Quan điểm của bà thế nào?
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, cũng như lương thực, dứt khoát không để bị thiếu, không thể để đứt gãy chuỗi cung ứng. Năm 2022, người dân ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều đô thị ở miền Đông, miền Tây Nam bộ có thời điểm đã không được cung cấp đầy đủ xăng dầu vì dự trữ quốc gia đối với mặt hàng này chỉ bảo đảm cho khoảng 5-7 ngày sử dụng. Chính vì vậy, ngoài trách nhiệm dự trữ xăng dầu thành phẩm của doanh nghiệp sản xuất, đầu mối nhập khẩu, thương nhân phân phối theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP) về kinh doanh xăng dầu, theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam phải bảo đảm nguồn xăng dầu dự trữ quốc gia đáp ứng tối thiểu 90 ngày sử dụng.
Xăng dầu dự trữ quốc gia là mặt hàng đặc biệt trong số các mặt hàng đặc biệt, vì không chỉ để bảo đảm đủ nguồn cung trong nước trong thời gian nhất định, mà còn gánh trách nhiệm bình ổn thị trường, tránh để thị trường bán lẻ xăng dầu bị sốc theo thị trường thế giới, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, bảo đảm các cán cân kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Vì vậy, mua vào, bán ra mặt hàng này vào lúc nào; quy trình, thủ tục đấu thầu, đấu giá ra sao; bảo quản, dự trữ, kế toán đối với mặt hàng chiến lược này thế nào cần phải có quy định cụ thể. Nếu được giao trách nhiệm mua xăng dầu dự trữ quốc gia, chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu sửa đổi trên nguyên tắc công khai, minh bạch.