Vì vậy, theo bà Trần Thị Huệ, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, một mặt, phải bảo đảm huy động đủ vốn theo nhu cầu chi tiêu, mặt khác, Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả theo yêu cầu của Nghị quyết 01/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành.
Bà Trần Thị Huệ, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước. |
Một trong những nhiệm vụ không hoàn thành năm 2022 là giải ngân vốn đầu tư công. Về phía Kho bạc Nhà nước – tổ chức thanh toán vốn đầu tư công, bà giải thích thế nào?
Kể từ năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu xảy ra, sản xuất, kinh doanh rơi vào khó khăn, Chính phủ luôn coi giải ngân vốn đầu tư công là một trong 3 động lực (cùng với đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa) để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Quốc hội đã thông qua Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội (Nghị quyết 43/2022/QH15), thì đầu tư công lại càng được coi trọng vì xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường quốc tế, còn tiêu dùng trong nước muốn tăng được thì thu nhập của người dân phải tăng.
Vì vậy, năm 2022, Chính phủ thông qua 4 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 chỉ thị về việc đẩy mạnh vốn đầu tư công. Ngoài ra, Chính phủ còn thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Kết quả là, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt khoảng 76% kế hoạch, hy vọng cả niên độ (đến ngày 31/1/2023), giải ngân vốn sẽ đạt 85-87%. Mặc dù không đạt kế hoạch, nhưng về số tuyệt đối, lượng vốn giải ngân trong năm 2022 vẫn cao hơn năm 2021 khoảng 50.000 tỷ đồng.
Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm chắc không nằm ở phía Kho bạc Nhà nước, thưa bà?
Tôi khẳng định, việc giải ngân không hoàn thành kế hoạch là do không có khối lượng thanh toán. Còn ở khâu cuối cùng – rút tiền từ Kho bạc – không hề có bất cứ trở ngại nào, bởi chúng tôi đã chủ động rút ngắn thời gian kiểm soát chi theo hướng “thanh toán trước, kiểm soát sau”, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, chứng từ trong vòng một ngày đối với các khoản tạm ứng và thanh toán từng lần; rút ngắn thời gian kiểm soát chi đối với hồ sơ, hợp đồng theo nguyên tắc “kiểm soát trước, thanh toán sau”.
Năm 2023, Kho bạc Nhà nước tiếp tục kiểm soát chi theo nguyên tắc này, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, an toàn, hợp lý bội chi ngân sách nhà nước để ưu tiên vốn cho các công trình hạ tầng quan trọng, thiết yếu và triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 vừa ban hành.
Kế hoạch vốn đầu tư công cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 không giải ngân hết sẽ được chuyển sang năm 2023. Thưa bà, vấn đề là, việc huy động vốn năm 2022 vô cùng khó khăn, chỉ huy động được 203.222 tỷ đồng, tức mới đạt 51% kế hoạch?
Huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ là một trong những hình thức đi vay nợ, không phải cứ có kế hoạch là phải hoàn thành, mà phải căn cứ vào nhiều yếu tố như khả năng hấp thụ vốn của công trình, dự án đầu tư; sự biến động của thị trường tài chính – tiền tệ; thực tế thu ngân sách nhà nước.
Khả năng hấp thụ vốn của các công trình, dự án đầu tư công năm 2022 chỉ giải ngân được 75-76% kế hoạch. Trong nhiều năm qua, chưa năm nào thị trường tài chính – tiền tệ khó khăn như năm 2022. Nguyên nhân thì ai cũng biết, đó là các nền kinh tế lớn trên thế giới thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ để đối phó với lạm phát, khiến lãi suất huy động tăng liên tục và giữ ở mức rất cao. Thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam cũng bị tác động không nhỏ, đặc biệt kể từ đầu tháng 10/2022 trở lại đây, lãi suất huy động vốn trên thị trường tăng liên tục, nếu Kho bạc đẩy mạnh phát hành trái phiếu sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong huy động vốn, đẩy lãi suất huy động vốn của ngân hàng lên cao nữa, tác động tiêu cực trực tiếp đến doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngân sách năm 2022, thu vượt 27,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021; chi cả thường xuyên lẫn chi đầu tư không đạt dự toán; thị trường huy động khó khăn thì không nhất thiết phải huy động đủ kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ. Vấn đề quan trọng nhất là điều hành phải đạt hiệu quả cao nhất.
Hiệu quả ở điểm nào, thưa bà, khi khối lượng huy động vốn chỉ đạt 51% – mức thấp nhất từ trước đến nay?
Hiệu quả ở chỗ, mặc dù chỉ huy động được hơn nửa khối lượng như tính toán ban đầu, nhưng ngân sách nhà nước vẫn bảo đảm toàn bộ các khoản chi thường thường xuyên, chi đầu tư; giữ được bội chi, nợ công; đã dành ra 164.701 tỷ đồng để thanh toán toàn bộ nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn. Số tiền không huy động đủ được sử dụng từ nguồn khác để bù đắp với chi phí thấp hơn nhiều so với đi huy động trái phiếu.
Vậy số tiền huy động không đủ thì lấy từ đâu, thưa bà?
Lường trước được khó khăn, nên Bộ Tài chính đề xuất Quốc hội một điểm trong Nghị quyết 43/2022/QH15 là cho phép vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp. Nguồn hợp pháp ở đây chính là nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi.
Vay từ ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi có lãi suất thấp hơn rất nhiều so với phát hành trái phiếu, nhưng có nhược điểm là chỉ có thể “vay nóng”, vì nguồn này đã có kế hoạch chi tiêu, có địa chỉ giải ngân rõ ràng, chỉ có điều chưa dùng đến. Nguồn vốn này tạm thời chưa dùng hết, nhưng bất cứ lúc nào doanh nghiệp, chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách cũng có thể lấy để chi tiêu theo kế hoạch và Kho bạc bắt buộc phải “trả ngay và luôn” theo đúng yêu cầu.
Chính vì vậy, Kho bạc vẫn vay ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi, vẫn phải phát hành trái phiếu với tỷ lệ thích hợp để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.