Cụ thể, theo quy định tỷ lệ cổ đông tham dự phải đạt mức tối thiểu 65% mới có thể tiến hành đại hội, song đến 8h30 sáng, tỷ lệ cổ đông tham dự chỉ mới đạt mức trên 53%, nên HĐQT Eximbank chính thức thông báo đến cổ đông hủy phiên họp cổ đông bất thường sáng nay.
Trước đại hội các cổ đông đã rất hợp tác, Eximbank đạt được tăng trưởng vượt bậc năm 2022 và đặt kế hoạch đầy tham vọng năm 2023 (lợi nhuận 5.000 tỷ đồng). Cổ đông nước ngoài SMBC (nắm 15%) cũng xác nhận tham dự đại hội để cùng thảo luận kế hoạch kinh doanh năm 2023 của ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày trước đại hội, SMBC bán toàn bộ 15% cổ phần cho đối tác trong nước (mở tài khoản Chứng khoán Nhật Việt) và nhóm cổ đông mới không tham dự, dẫn đến đại hội không thành công, gây bất ổn cho Eximbank một lần nữa.
Bên cạnh đó, thông tin thị trường cho thấy nhóm cổ đông nắm trên 20% cổ phần Eximbank cũng không tham dự đại hội lần này, tạo áp lực lớn về sự ổn định trong hoạt động của Eximbank.
Trao đổi với Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, một lãnh đạo cấp cao trong HĐQT Eximbank cho biết, sẽ tính toán lại thời gian cụ thể, nhưng sẽ tổ chức lại đại hội cổ đông bất thường trong thời gian sớm nhất sau Tết Nguyên đán.
Kế hoạch bầu bổ sung thành viên HĐQT được đưa ra sau khi 2 thành viên HĐQT của Eximbank liên quan đến Tập đoàn Thành Công đã có đơn từ nhiệm thời gian gần đây. Cụ thể, ngày 24/10, bà Lê Hồng Anh (Thành viên HĐQT) và ông Đào Phong Trúc Đại (Thành viên HĐQT độc lập) đã có đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Eximbank vì lý do cá nhân.
Trước đó, chiều muộn ngày 15/1, HĐQT Eximbank công bố danh nhân sự dự kiến nhân sự bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) trước thềm đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào sáng mai ngày 16/1/2023.
Theo đó, danh sách nhân sự dự kiến nhân sự bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) được chấp thuận theo Công văn số 254/NHNN-TTGSNH ngày 14/01/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gồm 3 thành viên.
Cụ thể, bà Lê Thị Mai Loan, sinh năm 1982, có bằng Cử nhân Kinh tế, Đại học Kinh tế TP.HCM và Thạc sỹ Quản trị kinh doanh quốc tế, Đại học Quản trị Paris. Bà hiện là thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) và Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại dịch vụ Gia Khang – công ty có nhiều quan hệ với Bamboo Capital (một tập đoàn giàu tham vọng trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo).
Trước đây, bà Lê Thị Mai Loan cũng đảm nhiệm cương vị là Chủ tịch thường trực tại Tracodi Tracodi Trading & Consulting, đồng thời là cựu Thành viên Ban Kiểm soát Bamboo Capital và Phó chủ tịch thường trực Công ty cổ phần BCG Land. Cả BCG Land và Tracodi vốn là thành viên thuộc Bamboo Capital. Bà Loan mới chỉ thôi các chức vụ tại BCG Land và Tracodi từ tháng 9/2022.
Không chỉ bà Loan, mà trước đó, Chủ tịch Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam cũng xuất hiện tại đại hội cổ đông bất thường của Eximbank. Tháng 5/2022, Eximbank cũng công bố hợp tác chiến lược với AAA – công ty bảo hiểm thuộc Bamboo Capital.
Hiện trong HĐQT Eximbank cũng có một đại diện của nhóm Bamboo Capital là ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Bamboo Capital (BCG).
Thành viên thứ hai dự kiến được bầu vào HĐQT Eximbank là ông Phạm Quang Dũng (sinh năm 1982), trình độ Cử nhân Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Dũng hiện giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Phú Mỹ và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Filmore.
Ông Dũng cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các ngân hàng như Phó giám đốc khối Doanh nghiệp lớn Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Giám đốc Quản lý Khách hàng Doanh nghiệp (SRM) Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam…
Bên cạnh 2 ứng viên nêu trên, Eximbank cũng dự kiến bầu ông Trần Anh Thắng vào ghế Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ VII (2020 – 2025).
Ông Thắng sinh năm 1984, có bằng Cử nhân Tài chính và Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, Đại học Latrobe. Ông Thắng là Chủ tịch HĐQT của CTCP Amber Capital Holdings và CTCP Đầu tư Du lịch Hà Nội Non Nước, đồng thời là Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Nhất Việt.
Hiện đối tác chiến lược nước ngoài của Eximbank là SMBC đã thoái 15% vốn tại Ngân hàng này. Cụ thể trước đó, trong phiên 13/01, tổng cộng có hơn 137,1 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank được giao dịch, trong đó hơn 134,1 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 10,8% vốn điều lệ Eximbank) được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị 3.421 tỷ đồng, tương đương mức giá 25,505 đồng/cổ phiếu.
Trong đó, khối ngoại đã bán gần 132,8 triệu cổ phiếu EIB, trị giá hơn 3.388 tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 01 đến phiên 13/01, đã có gần 191 triệu cổ phiếu EIB được sang tay với tổng giá trị 4.959 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 26.008 đồng/cổ phiếu.
Vào cuối tháng 12/2022, ngân hàng này cũng ghi nhận nhiều giao dịch với giá trị “khủng”. Chỉ trong hai ngày 21/12 và 22/12/2022, đã có gần 212 triệu cổ phiếu EIB được sang tay với tổng giá trị hơn 5.916 tỷ đồng, tương đương hơn 17,2% cổ phần của ngân hàng.
Trong đó, 204,7 triệu cổ phiếu được giao dịch bằng phương thức thoả thuận, giá trị giao dịch gần 5.714 tỷ đồng, tương đương khoảng 27.900 đồng/cổ phiếu, hay phiên 28/12 với 49,2 triệu cổ phiếu EIB được trao tay theo phương thức thỏa thuận.
Ngoài cổ đông chiến lược nước ngoài, trước đó nhóm cổ đông lớn của Eximbank đến từ Tập đoàn Thành Công cũng đã tiến hành thoái vốn khỏi Eximbank theo phương thức giao dịch thỏa thuận. Trong đó, bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, con gái của bà Lê Hồng Anh đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 11 triệu cổ phiếu EIB.
Ngoài ra, 3 tổ chức liên quan đến bà Hồng Anh là Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công cũng đã bán hơn 60,5 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 4,924%), Hợp tác xã cổ phần Thành Công bán hơn 44,7 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 3,637%), Công ty cổ phần Phúc Thịnh bán hơn 12,2 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 1,005%).