Dịch bệnh và sự bấp bênh của thị trường tác động tiêu cực đến Dabaco. |
Bất ngờ lỗ đậm, tiếp tục kêu khó vì dịch bệnh
Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC-sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV gây bất ngờ khi lỗ ròng hơn 79 tỷ đồng. Từ năm 2008, đây mới là quý thứ ba Dabaco phải báo lỗ.
Báo cáo phân tích từ bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) phát hành hồi cuối tháng 12/2022 cũng chỉ dự báo lợi nhuận trong quý IV/2022 ước tính giảm 15% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chính khiến Dabaco thua lỗ là do biên lợi nhuận gộp giảm sâu từ mức 12% xuống 5,11%. Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh chính chỉ giảm nhẹ chưa đến 5% nhưng lợi nhuận gộp giảm tới 59,5%.
Quý IV/2022, ngành chăn nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá lợn hơi giảm trong một thời gian dài và nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm. Các yếu tố trên được bà Nguyễn Thị Minh Huệ – chánh văn phòng HĐQT chỉ ra là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động chăn nuôi trên cả nước và các công ty chăn nuôi thuộc tập đoàn.
Tại buổi gặp mặt đầu xuân vừa tổ chức tuần trước, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So cũng nêu ra hai yếu tố tác động đến công ty là dịch bệnh và sự bấp bênh của thị trường.
“Có thể nói năm 2022 là năm khó khăn chưa từng có tiền lệ trong suốt 26 năm xây dựng và phát triển Tập đoàn. Với một doanh nghiệp hoạt động trong toàn bộ chuỗi giá trị khép kín của ngành thì việc chịu tác động từ dịch bệnh và sự bấp bênh của thị trường là điều không thể tránh khỏi”, ông So nhấn mạnh.
Tuy nhiên, báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình chăn nuôi hồi cuối năm 2022 vẫn đánh gái chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 12/2022 tăng 11,4% so với cùng thời điểm năm 2021.
Diễn biến giá lợn không mấy thuận lợi do các biện pháp hạn chế chặt chẽ từ Trung Quốc. Theo thống kê của SSI Research, giá lợn hơi duy trì ổn định trong nửa đầu năm 2022, ở mức trung bình 55.000 đồng/kg, giảm 25% so với cùng kỳ, sau đó tăng đáng kể trong tháng 7 và tháng 8 và đạt mức cao nhất là 70.000 đồng/kg do hoạt động mua bán của thương lái đầu mối để xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn đối với hoạt động thương mại biên giới không lâu sau đó đã khiến giá lợn hơi trung bình đã điều chỉnh về mức 53.000 đồng/kg trong quý IV/2022.
Dù xác định diễn biến giá lợn khá tiêu cực, báo cáo của SSI Research vẫn lạc quan hơn nhiều về lợi nhuận khi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2022 lần lượt đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và 324 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ.
Thực tế, doanh thu thuần của Dabaco đạt 12.269 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm trước. Tuy nhiên, khoản lỗ quý IV khiến lợi nhuận cả năm 2022 chỉ đạt vỏn vẹn 150 tỷ đồng, tương đương 18% kết quả đạt được năm trước. So với kế hoạch đề ra, Dabaco hoàn thành lần lượt % kế hoạch doanh thu và % kế hoạch lợi nhuận.
Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu đạt 620 đồng, trong khi chưa từng dưới mức 2.000 đồng theo số liệu công bố từ năm 2008 đến nay. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) thấp kỷ lục, chỉ đạt 3,16%.
Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu DBC. |
Quy mô tài sản tăng nhanh bất chấp lợi nhuận suy yếu
Dù là năm kinh doanh khó khăn chưa từng có tiền lệ, năm 2022 cũng đồng thời là năm đẩy mạnh đầu tư và mở rộng quy mô của Dabaco. Đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của doanh nghiệp chăn nuôi đã tăng thêm 1.700 tỷ đồng, lên 12.526 tỷ đồng. Quy mô tài sản giảm nhẹ trong quý III nhưng bật lên và xác lập kỷ lục mới ở thời điểm cuối năm.
Trong năm 2022, Dabaco đã đầu tư hơn 930 tỷ đồng vào các dự án xây dựng cơ bản dở dang. Giá trị các tài sản cố định đang đầu tư dở dang hiện xấp xỉ 1.400 tỷ đồng, trong đó tập trung nhiều nhất ở dự án chăn nuôi lợn ở Thanh Hóa (780 tỷ đồng). Dự án nhà máy ép dầu giai đoạn 2 cũng đã đầu tư trên 100 tỷ đồng. Dabaco là một trong ba doanh nghiệp sản xuất vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi bên cạnh Navetco và AVAC. Giá trị đầu tư tại nhà máy vaccine đến nay cũng xấp xỉ 85 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa có thêm thông tin cập nhật mới về kết quả của Dabaco đối với dự án vaccine này.
Ngoài đầu tư mạnh cho các dự án dở dang, Dabaco cũng tăng mạnh các khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên tổng cộng 1.126 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng tài sản. Trong đó, tiền mặt tại doanh nghiệp sản xuất này đã tăng lên 621 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với đầu năm. Phần lớn tài sản của Dabaco hiện tập trung ở tài sản cố định (nhà xưởng, thiết bị…) và tồn kho.
Vốn vay chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn, từ mức 56,6% đầu năm lên 61,7% cuối năm 2022. Nợ vay tăng mạnh thêm hơn 1.600 tỷ đồng, chủ yếu do tăng từ kênh tín dụng ngân hàng và các khoản phải trả người bán như mua chịu từ nhà cung cấp. Vốn chủ sở hữu nhích nhẹ. Tuy nhiên, quy mô vốn điều lệ đã tăng mạnh, từ 1.047,5 tỷ đồng lên 2.420 tỷ đồng sau các đợt chia thưởng cổ phiếu (tỷ lệ 1:1) và trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 20:1). Áp lực pha loãng từ việc chia tách cổ phiếu cũng là nguyên nhân khiến thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu DBC rơi sâu trong cả năm 2022.