Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Hé lộ kế hoạch đấu thầu quản lý, bảo trì một số đoạn cao tốc Bắc – Nam
Bộ GTVT sẽ sớm tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng là đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông hình thành từ nguồn vốn đầu tư công để thu hồi vốn đầu tư.
Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong công văn vừa được Bộ GTVT gửi Công ty cổ phần Đầu tư giao thông Phương Thành về việc tham gia đấu thầu công tác quản lý, bảo trì một số đoạn tuyến cao tốc thuộc Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Thảm bê tông nhựa trên cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. |
Bộ GTVT cho biết, Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Dự án đoạn Phan Thiết – Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được Bộ GTVT giao cho Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư.
Hiện nay, 2 dự án thành phần nói trên đang trong giai đoạn khẩn trương hoàn thành các hạng mục để chuẩn bị cho công tác nghiệm thu để đưa vào vận hành khai thác.
Tại Nghị quyết 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 có giao cho Chính phủ tổ chức thực hiện: “nghiên cứu, áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước”.
Như vậy, về nguyên tắc, Chính phủ sẽ tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng là đường cao tốc hình thành từ nguồn vốn đầu tư công để thu hồi vốn đầu tư cho Nhà nước theo các quy định của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và Luật Đấu thầu cũng như tại các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.
Đối với đề nghị của Công ty cổ phần Đầu tư giao thông Phương Thành về việc về việc được tham gia đấu thầu quản lý, bảo trì tuyến đường cao tốc đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và đoạn Dầu Giây – Phan Thiết, Bộ GTVT cho rằng, việc các doanh nghiệp quan tâm và mong muốn tham gia đấu thầu công tác quản lý bảo trì đối với hai dự án cao tốc nói trên hoặc đối với các công trình đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông là phù hợp với Luật Doanh nghiệp và chủ trương của Nhà nước.
Bộ GTVT đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư giao thông Phương Thành chủ động theo dõi việc 2 mời thầu các gói bảo trì đường cao tốc của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để đăng ký tham dự kịp thời theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư giao thông Phương Thành đã có văn bản xin tham gia đấu thầu quản lý, bảo trì tuyến đường cao tốc đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và đoạn Dầu Giây – Phan Thiết. Đơn vị này được đánh giá là nhà đầu tư rất có năng lực và kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng và bảo trì, khai thác đường cao tốc. Các tuyến cao tốc mà Công ty Phương Thành đầu tư, xây dựng, khai thác gồm: cầu Bạch Đằng, cao tốc Tiên Yên – Móng Cái, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Bộ trưởng Bộ GTVT thúc tiến độ chọn thầu xây nhà ga hành khách Sân bay Long Thành
ACV phải đề xuất các biện pháp đảm bảo lần đấu thầu tiếp theo chọn được nhà thầu có đủ năng lực cho Gói thầu xây dựng, lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách Sân bay Long Thành.
Thi công móng cọc Nhà ga hành khách sân bay Long Thành. |
Đây là một trong những chỉ đạo mới nhất của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp về công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu 5.10 xây dựng phần thân Nhà ga hành khách thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Cụ thể, trong Thông báo số 29/TB – BGTVT ngày 31/1/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá Gói thầu 5.10 có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, gồm nhiều hạng mục công trình, là gói thầu lớn nhất, quan trọng nhất của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Do gói thầu đã hủy thầu nên công tác đấu thầu lại để triển khai dự án theo kế hoạch yêu cầu thực hiện khẩn trương và tuân thủ quy định của pháp luật.
Để đảm bảo công tác lựa chọn nhà thầu Gói thầu 5.10 đáp ứng tiến độ chung của toàn dự án theo yêu cầu của Chính phủ và để lựa chọn được nhà thầu đáp ứng năng lực, kinh nghiệm để triển khai thực hiện, Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV làm rõ những nguyên nhân, rút ra bài học dẫn đến việc phải hủy thầu, xác định rõ các nguy cơ và đề xuất các biện pháp khắc phục để đảm bảo lần đấu thầu tiếp theo lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, đảm bảo tiến độ.
ACV được giao rà soát quy trình, thủ tục đấu thầu, phạm vi, quy mô đặc biệt tính chất kỹ thuật, tiến độ hoàn thành của dự án để điều chỉnh các nội dung, tiêu chuẩn của hồ sơ mời thầu đã phát hành cho phù hợp (nếu cần thiết) và xây dựng tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, tuân thủ theo quy định để đạt mục tiêu lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn cao; triển khai gói thầu đáp ứng chất lượng và tiến độ theo yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ GTVT lưu ý ACV cần nỗ lực, quyết tâm và thống nhất chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai dự án, thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và lựa chọn được nhà thầu để triển khai gói thầu kịp tiến độ.
Gói thầu số 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách”, có giá gói thầu 35.233 tỷ đồng bao gồm việc thiết kế bản vẽ thi công và Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách của Dự án thành phần 3- Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Đây là một trong những gói thầu xây lắp và cung cấp thiết bị lớn nhất trong lĩnh vực hàng không cũng như xây dựng hạ tầng kỹ thuật cao từng được triển khai tại Việt Nam. Theo hồ sơ mời thầu, thời gian thực hiện hợp đồng là 990 ngày (tương đương 33 tháng), bao gồm cả ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ Tết theo quy định của pháp luật Việt Nam kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Mốc thời gian 33 tháng được bên mời thầu xây dựng nhằm đảm bảo Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có thể hoàn thành vào cuối năm 2025 theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Hình thức đấu thầu Gói thầu 5.10 là đấu thầu rộng rãi quốc tế, không qua mạng, không sơ tuyển. Phương thức lựa chọn nhà thầu là một giai đoạn hai túi hồ sơ.
Do đây là gói thầu quy mô lớn, tính chất phức tạp, gồm nhiều hạng mục công trình nên ACV đã rất thận trọng trong quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, tổ chức rà soát, nghiên cứu kỹ về phạm vi, quy mô, tính chất kỹ thuật (mức độ phức tạp), đồng thời thu thập thông tin, nghiên cứu năng lực, kinh nghiệm của các tập đoàn, công ty có uy tín trong nước (quan tâm tới dự án) và đã tham gia xây dựng cảng hàng không lớn trong khu vực và thế giới.
Thực hiện kế hoạch mời thầu Gói thầu 5.10, ACV đã đăng tải thông báo mời thầu vào ngày 20/9/2022, đến thời điểm đóng thầu (9h30 ngày 8/11/2022) chỉ có 1 nhà thầu liên danh nộp hồ sơ dự thầu.
Do vậy, ACV đã xử lý tình huống theo Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ – CP để gia hạn thời điểm đóng thầu thêm 15 ngày (đến ngày 23/11/2022).
Tuy nhiên, đến thời điểm đóng thầu vẫn chỉ có 1 nhà thầu liên danh nộp hồ sơ dự thầu nên ACV tiếp tục gia hạn thời điểm đóng thầu (lần 2) thêm 7 ngày (đến ngày 30/11/2022). Đến thời điểm đóng thầu, vẫn chỉ có 1 nhà thầu liên danh nộp hồ sơ dự thầu là Conteccons – Vinaconex – Centra – Phục Hưng Holdings – REE – Hòa Bình – HAWEE.
ACV đã tổ chức mở thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu liên danh nói trên và có Quyết định số 4902/QĐ – TCTCHKVN ngày 16/12/2022 hủy thầu Gói thầu 5.10 do hồ sơ dự thầu của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự theo yêu cầu của HSMT.
Đề xuất hướng tuyến, nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua địa phận Hà Nội
Sở GTVT Hà Nội đề xuất xem xét bố trí 1 vị trí nhà ga dự phòng của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cho việc kết nối với sân bay Hà Nội 2 trong tương lai.
Ảnh minh họa. |
Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, Sở GTVT Hà Nội vừa có công văn báo cáo UBND TP. Hà Nội về việc rà soát hướng tuyến, vị trí nhà ga dự kiến của Dự ánđường sắt tốc đô cao trên trục Bắc – Nam.
Đây là kết quả làm việc liên ngành của TP. Hà Nội gồm Sở GTVT, Sở Quy hoạch kiến trúc với Tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra để rà soát các nội dung liên quan đến hướng tuyến, vị trí nhà ga dự kiến của Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Theo đó, về hướng tuyến qua địa phận TP. Hà Nội, các bên thống nhất giữ nguyên phương án hướng tuyến đã được UBND TP. Hà Nội thống nhất với Bộ GTVT vào tháng 12/2018 (phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch GTVT Thủ đô và đã được UBND tỉnh Hà Nam thống nhất).
Về vị trí nhà ga, theo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc đô cao trên trục Bắc – Nam do Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội góp ý trước đây, dự kiến bố trí Depot đầu tuyến tại huyện Thường Tin (cách ga Ngọc Hồi khoảng 3,6km về phía Nam, quy mô diện tích đất dự kiến 85ha).
Quy rà soát quy hoạch vị trí nhà ga của các loại hình đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị), đơn vị tư vấn thẩm tra đề xuất tư vấn thiết kế thống nhất nên mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi để tích hợp nhà ga, depot của các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và hình thành trong tương lai tổ hợp công nghiệp đường sắt quốc gia.
Liên ngành nhận thấy nội dung đề xuất của đơn vị tư vấn thẩm tra là phù hợp, tuy nhiên cần tính toán diện tích đất cần bổ sung tại tổ hợp ga Ngọc Hồi làm cơ sở để TP. Hà Nội rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan. Thống nhất đề xuất bỏ vị trí Depot tại huyện Thường tín (cách ga Ngọc Hồi khoảng 3,6 km) và tích hợp Depot này vào tổ hợp ga Ngọc Hồi, để tăng diện tích phát triển đô thị hai bên Vành đai 4.
Liên ngành cũng thống nhất với đề xuất của Tư vấn thẩm tra, trên địa bàn TP. Hà Nội xem xét bố trí 1 vị trí nhà ga dự phòng cho việc kết nối với sân bay Hà Nội 2 trong tương lai.
Trên cơ sở tổng hợp các nội dung liên quan đến hướng tuyến, vị trí nhà ga Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam qua địa bàn TP. Hà Nội được Liên ngành rà soát, Sở GTVT đề xuất UBND TP. Hà Nội có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giữ nguyên theo phương án đã được UBND TP. Hà Nội có ý kiến thống nhất với Bộ GTVT vào năm 2018.
Đối với nội dung đơn vị tư vấn thẩm tra đề xuất nên mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi để tích hợp nhà ga, depot của các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia và đường sắt tốc độ cao (trong đó có có Depot của tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam) là có thể xem xét chấp thuận. Tuy nhiên đơn vị tư vấn cần rà soát, tính toán diện tích đất cần bổ sung tại tổ hợp ga Ngọc Hồi làm cơ sở để thành phố Hà Nội rà soát, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cũng như các quy hoạch có liên quan.
Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP. Hà Nội có ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với đề xuất của Tư vấn thẩm tra, trên địa bàn TP. Hà Nội xem xét bố trí 1 vị trí nhà ga dự phòng cho việc kết nối với sân bay Hà Nội 2.
Trên 90% vốn đầu tư công năm 2023 đã được phân bổ
Báo cáo từ Bộ tài chính cho biết, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là 756.111,862 tỷ đồng (không bao gồm 6.753 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển đã giao tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 18/11/2022 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 hỗ trợ cho ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ nhà nước giao). Trong đó, vốn trong nước là 727.111,86 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của 33/52 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Còn lại 19 bộ, cơ quan trung ương, Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023.
Trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 14/33 bộ, cơ quan trung ương và 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Sau khi nhận được báo cáo phân bổ vốn của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã rà soát và có ý kiến đối với các trường hợp phân bổ vốn không đúng quy định và đề nghị các bộ, địa phương rà soát, phân bổ vốn đảm bảo theo đúng quy định Luật Đầu tư công và Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có công văn số 03/BTC-ĐT ngày 3/1/2023 về việc đôn đốc phân bổ, nhập dự toán Tabmis và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, đến ngày 31/1/2023, tổng số vốn đầu tư công thuộc nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đã phân bổ là 638.613,081 tỷ đồng, đạt 90,32% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (707.044,198 tỷ đồng). Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương mà các địa phương giao tăng là 36.180,476 tỷ đồng, thì tổng số vốn đã phân bổ là 602.432,605 tỷ đồng, đạt 85,20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 104.611,593 tỷ đồng, chiếm 14,80% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cụ thể, số vốn chưa phân bổ của các bộ, cơ quan trung ương là 22.751,426 tỷ đồng, chiếm 11,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước là 21.682,581 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 1.068,845 tỷ đồng).
Số vốn chưa phân bổ tại các địa phương là 81.860,167 tỷ đồng, chiếm 15,96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước là 79.951,771 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 1.908,396 tỷ đồng).
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng nêu rõ, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương (không bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia), trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 14/33 bộ, cơ quan trung ương và 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Đáng chú ý, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: Hải Phòng (100%), Ninh Bình (100%), Văn phòng Trung ương Đảng (80,2%).
Nguyên nhân vốn trong nước chưa phân bổ chủ yếu là do các Dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết kế hoạch vốn (trong đó chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội); vốn nước ngoài chưa phân bổ do chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay, chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ hoặc đang lấy ý kiến nhà tài trợ để hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dư.
Bộ Tài chính cũng cho biết, qua quá trình thực hiện việc kiểm tra, rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính nhận thấy còn một số vấn đề còn tồn tại như: Phân bổ vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện giải ngân (dự án khởi công mới chưa có quyết định đầu tư; dự án chuẩn bị đầu tư chưa có dự toán chuẩn bị đầu tư được phê duyệt; phân bổ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cho một số dự án không thuộc danh mục dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội…).
Theo đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch phân bổ chi tiết theo đúng quy định làm căn cứ để nhập dự toán và kiểm soát thanh toán cho các dự án.
Đèo Cả dốc toàn lực quyết sớm đưa cao tốc Quãng Ngãi – Hoài Nhơn về đích
Ngày 31/1/2023, tại Văn phòng hiện trường Dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), Tập đoàn Đèo Cả tổ chức họp “Tổ chức thực hiện cao tốc Bắc – Nam đoạn Quãng Ngãi – Hoài Nhơn” với tinh thần “đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện”.
Buổi làm việc do Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng chủ trì, có sự tham gia của Ban quản lý dự án 2, tư vấn giám sát, đầy đủ các nhà thầu liên danh, thầu phụ, các nhà cung ứng dịch vụ và bên liên quan.
Tập đoàn Đèo Cả quyết tâm triển khai Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện”. |
Mục đích của cuộc làm việc giữa các bên lần này để xác lập vai trò – trách nhiệm của các bên liên quan, nhận diện vấn đề quan liêu, tiêu cực có thể xảy ra giúp cho việc thực hiện công việc tối ưu nhất.
Đồng thời, cuộc họp còn công bố mô hình quản lý của Tập đoàn tại dự án, thông tin hoạt động của Ban điều hành Nhà thầu, công bố các nhân sự phụ trách dự án đặc biệt vao trò của các Cố vấn là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kỹ thuật – chất lượng, an ninh, kiểm toán – quyết toán, pháp lý… tham gia hỗ trợ cho hoat động điều hành của Tập đoàn Đèo cả thực hiện dự án.
Dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn được chia thành 3 gói thầu với tổng giá trị xây lắp 14.700 tỷ đồng, trong đó Gói thầu số 1 có giá trị 3.800 tỷ đồng đã được khởi công vào ngày 1/1/2023. Với vai trò đứng đầu liên danh thực hiện gói thầu này, Tập đoàn Đèo Cả đã có sự chủ động như huy động 50 đầu thiết bị máy móc cùng hàng trăm nhân sự đến hiện trường và triển khai 5 mũi thi công với tinh thần bắt tay ngay vào công việc ngay sau lễ khởi công.
Ban điều hành dự án cho biết, sau một tháng khởi công dự án, dù địa phương đã bàn giao đến 70% mặt bằng cho nhà thầu, tuy nhiên chưa thể triển khai thi công đồng bộ do tại một số vị trí mặt bằng bàn giao còn “xôi đỗ” và chưa có đường tiếp cận dự án, khó khăn trong việc xây dựng đường điện phục vụ công tác thi công… Những vấn đề đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu (đất, cát, đá,..) cần khoảng 13,9 triệu m3, tuy nhiên trên thực tế trữ lượng ở các mỏ không đáp ứng đủ nhu cầu khai thác phục vụ thi công. Hiện nay, vẫn còn 4 mỏ với trữ lượng khoảng 1,23 triệu m3 sử dụng cho dự án vẫn chưa được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt quy hoạch.
Mặc dù, Chính phủ đã có chỉ đạo để tháo gỡ nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa xác định rõ thẩm quyền thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đối với mỏ vật liệu thông thường. Bên cạnh đó, đối với các mỏ thương mại, các chủ mỏ đang có hiện tượng găm hàng.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Hội đồng cố vấn cho rằng, đoạn cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn là một trong những đoạn khó trên tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 bởi có nhiều cầu lớn, hầm lớn. Vì thế để hoàn thành dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng, ngoài kinh nghiệm năng lực của Đèo Cả thì cần có sự kết hợp nhịp nhàng, tương hỗ của các bên là chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu.
Trước đây, ở những dự án khác, đơn vị thi công khác đã có tình trạng móc ngoặc lợi ích nhóm… làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công trình, uy tín của doanh nghiệp tham gia. Từ những bài học nhãn tiền, cố vấn phụ trách an ninh dự án đề nghị các bên liên quan cần thống nhất với nhau cơ chế hợp tác, làm việc để đẩy lùi nhũng nhiễu, lợi ích riêng, lợi ích cá nhân gây khó cho quá trình thực hiện dự án.
Tập đoàn Đèo Cả sẽ định kỳ công bố thông tin với các cơ quan báo chí, truyền thông về tình hình triển khai dự án, các vướng mắc và trách nhiệm của các bên liên quan để người dân và cơ quan có thẩm quyền kịp thời nắm bắt và đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của các bên thông qua kênh giám sát cộng đồng. Theo đó, có sự tham gia giám sát của tổ chức Đảng, đoàn thể, báo chí và truyền thanh truyền hình địa phương.
Ông Hồ Minh Hoàng đã nêu các yêu cầu đối với các nhà thầu trong liên danh và thầu phụ, trong đó ưu tiên việc đánh giá năng lực các đơn vị, kiểm soát công việc, kiểm soát dòng tiền, ứng dụng công nghệ số trong dự án và sẵn sàng chia sẻ các ứng dụng này cho các bên liên quan. Đồng thời, Đèo Cả sẵn sàng thay thế những nhà thầu yếu kém và báo cáo cấp trên những vấn đề bất cập cản trở việc thực hiện công việc.
Với kinh nghiệm là nhà đầu tư, nhà thầu đã triển khai nhiều dự án trọng điểm trên cả nước, Đèo Cả đã nhận diện các rủi ro về hồ sơ đầu vào, năng lực các bên liên quan, nguồn vật liệu, biến động giá và các giải pháp để xử lý. Đặc biệt, các vướng mắc về mặt bằng đường tiếp cận, các hạng mục đường găng và vướng mắc về mỏ vật liệu, bãi thải báo cáo tại lễ khởi công và Thủ tướng đã có chỉ đạo các bên thúc đẩy nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Ông Cao Việt Hùng – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 2, đánh giá cao kinh nghiệm của Tập đoàn trong việc chủ động lập kế hoạch triển khai, thể hiện vai trò đứng đầu liên danh, quản lý các đơn vị trong liên danh và thầu phụ, có kế hoạch từ việc tổ chức triển khai dự án, thanh quyết toán và thanh thải khi kết thúc dự án.
Với việc tiên phong ứng dụng công nghệ và chủ động triển khai kênh giám sát cộng đồng, Ban quản lý dự án 2 đánh giá rất cao và mong muốn Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ kinh nghiệm để Chủ đầu tư, tư vấn giám sát được tiếp cận, học hỏi, ứng dụng các công nghệ mới trong quản lý dự án.
An Giang kiến nghị hướng dẫn về vướng mắc trong quyết toán vốn đầu tư công
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy vừa ký Công văn số 73/UBND-KTTH gửi Bộ tài chính báo cáo tình hình quyết toán Dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh An Giang.
Theo UBND tỉnh An Giang, tổng số dự án đầu tư công hoàn thành được báo cáo trong năm 2022 là 589 dự án. Trong đó, đã phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành 315 dự án, giá trị quyết toán được duyệt là 3.348 tỷ đồng.
Đã hoàn thành và lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, đang thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành 171 dự án, giá trị đề nghị quyết toán là 6.770 tỷ đồng.
Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang |
Đã hoàn thành nhưng chưa lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành 103 dự án, giá trị đã giải ngân là 876 tỷ đồng.
Về vướng mắc trong công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành, theo UBND tỉnh An Giang, trong thời gian qua, tỉnh thường xuyên theo dõi, tích cực đôn đốc, nhắc nhở các chủ đầu tư và cơ quan thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành nghiêm túc thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành theo đúng quy định và thời gian. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng dự án đã nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng các chủ đầu tư chậm lập báo cáo quyết toán gửi cơ quan thẩm tra phê duyệt quyết toán; thời gian lập và nộp báo cáo quyết toán đến cơ quan thẩm tra thường trễ hạn so với thời gian quy định, các mẫu biểu trong báo cáo quyết toán vẫn chưa đầy đủ và còn sai sót; còn nhiều dự án tồn đọng tại cơ quan thẩm tra, đa số là do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ quyết toán theo quy định.
Bên cạnh đó, một số dự án đã phê duyệt quyết toán còn công nợ phải xử lý, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc, cụ thể: Đối với công nợ phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước thì một số nhà thầu đã giải thể, phá sản hoặc không thể liên lạc dẫn đến không thể thu hồi công nợ, không thể tất toán tài khoản dự án theo quy định.
Đối với công nợ phải thanh toán tiếp từ nguồn ngân sách trung ương, do giá trị thanh toán từ nguồn vốn này tương đối nhỏ nên khó khăn trong việc đề nghị phân bổ vốn để thanh toán dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản và không thể tất toán tài khoản theo quy định.
Từ đó, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét và có hướng dẫn về những tồn tại, vướng mắc trong công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành như đã nêu trên.
Quảng Ninh dự kiến thu hút 18 dự án FDI đầu tư vào các KCN trong năm 2023
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện kế hoạch tổng thể thu hút Dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh do ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Trên cơ sở kết quả rà soát và đăng ký của các đơn vị chủ đầu tư hạ tầng KCN, danh mục dự án FDI dự kiến thu hút năm 2023 gồm 18 dự án. Trong đó, 16 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD, tăng trên 10% chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh năm 2023 đã đề ra.
Quảng Ninh xác định dòng vốn FDI là một trong những nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. Trong ảnh là nhà máy của Foxconn tại KCN Đông Mai. |
Cụ thể, tại thị xã Quảng Yên gồm: KCN Bắc Tiền Phong với 4 dự án; KCN Sông Khoai là 6 dự án; KCN Đông Mai là 3 dự án, tất cả đều là các dự án mới. Tại TP. Móng Cái, KCN Hải Yên dự kiến thu hút 1 dự án mới và tại huyện Hải Hà, KCN Texhong dự kiến thu hút 2 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án.
Hiện tại, các dự án dự kiến thu hút đầu tư tại các KCN như Bắc Tiền Phong, Đông Mai, Hải Yên cơ bản đủ điều kiện thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các dự án còn lại gặp một số khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu san lấp mặt bằng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật …
Thu hút đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân”. Công tác thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN rất được tỉnh Quảng Ninh quan tâm.
Tại cuộc họp, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất về kế hoạch thu hút đầu tư các dự án FDI 2023 với tổng nguồn vốn gần 1,2 tỷ USD vào 5 KCN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế lên kế hoạch chi tiết tiến độ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từng dự án theo từng quý, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 5/2.
Về các kiến nghị, đề xuất cụ thể của chủ đầu tư hạ tầng các KCN với từng dự án thu hút đầu tư tại thị xã Quảng Yên, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung phối hợp với địa phương hoàn thiện các thủ tục, lên phương án giải phóng mặt bằng cho các dự án này trước 15/2.
Đối với khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng KCN trên địa bàn thị xã Quảng Yên làm việc với Tập đoàn Công nghiệp, Than – Khoáng sản Việt Nam để sử dụng đất đá thải mỏ thay thế, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn của tỉnh, hạn chế sử dụng đất đồi tự nhiên làm vật liệu san lấp mặt bằng. Đối với chủ đầu tư hạ tầng các KCN khác, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hạ tầng theo đúng yêu cầu, chất lượng, tiến độ cam kết để tạo sức hấp dẫn, thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư thứ cấp.
Hàng chục dự án sắp ghi tên tại Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung
Thông tin từ Ban tổ chức, Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng sẽ diễn ra vào ngày 5/2 tại Bình Định.
Tại sự kiện này, dưới sự chủ trì và chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện các địa phương và các tổ chức quốc tế, 23 Dự ántrong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ thông tin, đầu tư hạ tầng, du lịch, dịch vụ cảng biển… của 10 tỉnh, thành phố (gồm Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, TP. Đà Nẵng, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình và Bình Thuận) sẽ được nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp nhận Nhà đầu tư/ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư.
Một góc TP. Quy Nhơn hướng biển. Ảnh Nguyễn Dũng |
Có thể kể tới, tỉnh Bình Định có 3 dự án sẽ được trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, gồm: Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn Hoài Nhơn, (Công ty cổ phần Long Sơn Phù Mỹ làm chủ đầu tư, đầu tư nhà máy gang thép công suất 5,4 triệu tấn thép/năm tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn; tổng vốn khoảng 56.257 tỷ đồng); Dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software (Công ty TNHH Phần mềm FPT, tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng) và Dự án Sản xuất gạch ốp lát granite với công suất 18 triệu m3/năm tại Cụm công nghiệp Bình Nghi mở rộng (Công ty cổ phần Công nghiệp Kamado, tổng vốn đầu tư hơn 998 tỷ đồng).
TP. Đà Nẵng có 3 dự án về lĩnh vực công nghiệp, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin, với tổng vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng. Trong đó, Đà nẵng sẽ trao biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu và triển khai cho Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện các dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông giai đoạn 2022 – 2030 gồm: Xây dựng Trung tâm Chia chọn tự động tại Khu công nghiệp Liên Chiểu với diện tích 8,6ha; Xây dựng Tòa nhà Viettel Đà Nẵng; Triển khai phủ sóng 5G toàn TP. Đà Nẵng trong năm 2023; Đầu tư Trạm cập bờ cáp quang biển Đà Nẵng; Xây dựng Trung tâm dữ liệu vùng phục vụ điều hành mạng lưới viễn thông, hạ tầng chính phủ điện tử và nền tảng công nghệ 4.0; Đầu tư Tổ hợp trung dữ liệu công nghệ cao bao gồm: Trung tâm dữ liệu viễn thông và CNTT (Data Center), Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, Trung tâm đào tạo công nghệ cao;
Đà Nẵng cũng sẽ trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Lưu trữ Mô – Tế bào gốc châu Á cho Công ty cổ phần Công nghệ cao châu Á; trao chủ trương nghiên cứu đầu tư cho Công ty cổ phần Create Capital Việt Nam.
Cũng tại Sự kiện, các địa phương như Quảng Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Thuận, Khánh Hoà… cũng sẽ tiến hành trao kết quả hợp tác đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ cho 2-3 dự án/địa phương trong dịp này.
Theo ban tổ chức, sự kiện lần này thực chất là một Hội nghị “3 trong 1”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Hải Phòng đầu tư 1.334 tỷ đồng xây dựng cầu Lại Xuân kết nối Quảng Ninh
Chiều 2/2, UBND TP.Hải Phòng khởi công xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 kết nối huyện Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng) với TX.Đông Triều (Quảng Ninh) hơn 1.334,876 tỷ đồng.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết, ngay sau khởi công xây dựng cầu Bến Rừng tháng 5/2022, TP.Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh thống nhất tiếp tục đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân qua sông Đá Bạch, kết nối huyện Thủy Nguyên và thị xã Đông Triều.
Bến phà Lại Xuân. Ảnh: Thanh Sơn |
Dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 thuộc nhóm B do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng là chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn 1.334,876 tỷ đồng từ nguồn vốn từ ngân sách TP Hải Phòng và ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/2024.
Công trình cầu Lại Xuân và đường dẫn 2 đầu cầu có giá hợp đồng 544 tỷ đồng do Liên danh Công ty CP Xây dựng Cầu 75 và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 (Licogi 18) thi công. Công trình cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 có giá hợp đồng 368 tỷ đồng do Liên danh Công ty CP Xây dựng và Vận tải Hải Phong và Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc thi công.
Báo cáo về Dự án, ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng cho biết, Xây dựng cầu Lại Xuân vượt sông Đá Bạch: chiều dài cầu 840 m, chiều rộng cầu 12 m. Kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu có 2 khoang thông thuyền với chiều cao 9,5m, chiều rộng 70 m cho nhánh rẽ vào sông Phi Liệt phía Hải Phòng, chiều rộng 50m cho nhánh rẽ vào sông Đá Vách phía Quảng Ninh. Cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 với chiều dài hơn 14 km, mặt cắt ngang nền đường rộng 12 m. Điểm đầu tuyến tại vị trí giao cắt với QL10 thuộc địa phận xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, điểm cuối tuyến kết nối với đường tỉnh 333 trên địa bàn thị xã Đông Triều.
Tổng diện tích đất dự kiến phải thu hồi khoảng 31 ha ảnh hưởng đến khoảng 571 hộ gia đình (trong đó 265 hộ bị ảnh hưởng đất ở, 306 hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp), tổng số có 23 hộ phải di dời, tái định cư.
Ngay sau ngày khởi công, Ban Quản lý dự án sẽ chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương huy động máy móc, thiết bị, xây dựng công trường và các công trình phụ trợ để sớm thi công các hạng mục công trình chính.
“Trong quá trình thi công, các nhà thầu sẽ gặp không ít những khó khăn trong điều kiện vừa thi công trên sông nước, vừa phải đảm bảo an toàn giao thông đường thủy tại khu vực gần ngã 3 sông với lưu lượng tàu thuyền qua lại khá lớn, đảm bảo giao thông đường bộ trên tuyến đường tỉnh 352 đang khai thác. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của những công trình có quy mô, kết cấu và điều kiện tương tự, Ban Quản lý dự án tin tưởng các nhà thầu sẽ thi công, hoàn thành dự án đảm bảo chất lượng, mỹ thuật, an toàn và đúng tiến độ”, ông Tuấn Anh cho hay.
Để đạt được mục tiêu đó, Ban Quản lý và các nhà thầu thi công rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành của 2 địa phương. Đặc biệt, là sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương huyện Thủy Nguyên và thị xã Đông Triều; sự ủng hộ của những hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi sớm bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.
“Dự án khi hoàn thành sẽ có ý nghĩa quan trọng, góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ; phát huy các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh và tăng khả năng liên kết, thúc đẩy phát triển cân bằng giữa 02 vùng. Thúc đẩy liên kết với các khu vực xung quanh để phát triển kinh tế, hạ tầng đảm bảo sự bền vững, hài hòa với môi trường. Từ đó nâng cao sức hấp dẫn, tính cạnh tranh và tạo ra thương hiệu trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”, ông Thọ khẳng định.
Đà Nẵng triển khai giai đoạn 2 cải tạo đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn
Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Đà Nẵng cho biết, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 dự án Cải tạo đường Ngô Quyền và đường Ngũ Hành Sơn (đoạn từ Võ Văn Kiệt đến Hồ Xuân Hương).
Theo ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban quản lý Dự án các công trình giao thông TP. Đà Nẵng, Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo tuyến đường Ngô Quyền và đường Ngũ Hành Sơn được UBND Thành phố phê duyệt vào tháng 7/2019, với tổng kinh phí 189,48 tỷ đồng.
Thành phố Đà Nẵng triển khai giai đoạn 2 cải tạo đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn |
Quy mô tuyến đường từ Nguyễn Phan Vinh đến Hồ Xuân Hương dài 7,48 km, gồm cải tạo, tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu các nút giao thông; cải tạo mở rộng đường gom, thu hẹp đường chính, tách riêng làn xe gắn máy, xe thô sơ và làn ô tô, container…
Theo ông Nguyễn Minh Huy, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng về mặt đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn, đồng thời tăng cường năng lực vận tải phục vụ cảng Tiên Sa, hạn chế tai nạn giao thông trên tuyến đường trọng điểm này.
Giai đoạn 1 của Dự án tính từ nút giao Nguyễn Phan Vinh đến đoạn giao với tuyến đường Võ Văn Kiệt bắt đã triển khai thi công từ cuối năm 2020 với tổng giá trị xây lắp 78,97 tỷ đồng, với chiều dài 5 km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ông Nguyễn Minh Huy cho biết, giai đoạn 2 của dự án từ đường Võ Văn Kiệt đến Hồ Xuân Hương dài 2,8 km được bắt đầu thi công từ đầu tháng 2/2023. Ông Huy cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng trước ngày 2/9/2023.
Trong buổi ra quân đầu năm của công trình cải tạo đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng, ông Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định đây là công trình giao thông quan trọng nên Thành phố ưu tiên đầu tư.
Đồng thời yêu cầu, các đơn vị thi công cần xây dựng kế hoạch thi công cụ thể để hoàn thành dự án đúng tiến độ; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và công nhân thi công công trình.
Vĩnh Long không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng
Phó UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt vừa ký Quyết định số 2869/QĐ-UBND ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023 của tỉnh Vĩnh Long.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Long lựa chọn đối tác xúc tiến đầu tư có chiến lược, định hướng mở rộng thị trường đầu tư vào tỉnh. Mời gọi, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tận dụng lợi thế và tiềm năng của tỉnh.
Tỉnh ưu tiên thu hút các Dự án phát triển ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT (Information and Communication Technology), kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch, hạ tầng kỹ thuật…
Đồng thời, ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động kích thích lan tỏa, chuyển giao công nghệ, đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội.
Đặc biệt, tỉnh không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…
Về đối tác lựa chọn để xúc tiến đầu tư, tỉnh Vĩnh Long chú trọng mời gọi đầu tư tập trung vào một số đối tác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, EU…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thường xuyên trao đổi thông tin với các tổ chức, cơ quan, các hiệp hội nước ngoài như: JICA, JETRO, KOTRA, EUROCHAM, AMCHAM, AEC… nhằm kết nối quảng bá về tiềm năng của địa phương tới cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.
Nhằm mời gọi đầu tư trực tiếp vào tỉnh, dự kiến, vào Quý III năm 2023, tỉnh Vĩnh Long sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản…) hoặc châu Âu. Đối tượng xúc tiến đầu tư là các tổ chức xúc tiến quốc tế, các tập đoàn, các công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia, các doanh nghiệp, các hiệp hội có liên quan tại nước sở tại.
Lĩnh vực xúc tiến đầu tư gồm: nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản; hạ tầng khu công nghiệp – cụm công nghiệp; thương mại – dịch vụ và du lịch; đô thị – môi trường; nông nghiệp nông thôn… và các dự án sử dụng công nghệ cao thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long sẽ tham dự các chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước do Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành tổ chức…
Về tổ chức thực hiện, UBND tỉnh Vĩnh Long giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023. Đồng thời, cáo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư về UBND tỉnh theo quy định.
Trong năm 2022, tỉnh Vĩnh Long đã cấp chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 9.567,71 tỷ đồng. Trong đó, có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn 102,73 triệu USD.
Bình Dương đặt mục tiêu mỗi quý giải ngân 25% vốn đầu tư công
UBND tỉnh Bình Dương vừa có cuộc họp tổng kết kế hoạch triển khai “chiến dịch cao điểm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”, thực hiện từ ngày 08/12/2022 đến 31/01/2023.
Dù đã mở chiến dịch đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhưng kết quả thực hiện giải ngân của Bình Dương vẫn không đạt so với kế hoạch đề ra.
Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT 746 có tỷ lệ giải ngân rất thấp |
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, năm 2022 (hết niên độ tính đến ngày 31/1/2023), tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chỉ đạt 74,4%. Trong đó, các công trình trọng điểm đạt tỷ lệ giải ngân 66,3% (không đạt so với kế hoạch đề ra là 95%).
Các dự án trọng điểm có tỷ lệ giải ngân thấp như mua thiết bị Bệnh viện đa khoa 1.500 giường; xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (Cầu Bạch Đằng 2); nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 (đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa).
Bước sang năm 2023, thách thức giải ngân vốn đầu tư công đối với Bình Dương sẽ còn lớn hơn nữa khi số vốn được giao cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, vốn đầu tư công của Bình Dương năm 2023 tính cả vốn địa phương và vốn Trung ương là 21.817 tỷ đồng. Đây là thách thức và áp lực rất lớn cho Bình Dương nếu như không có các giải pháp kịp thời ngay từ đầu năm.
Tại cuộc họp tổng kết kế hoạch triển khai chiến dịch cao điểm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công diễn ra hôm 1/2, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh sẽ ban hành chỉ thị liên quan đến đầu tư công năm 2023 dựa trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giải ngân đầu tư công năm 2022.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành phải đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm gồm đường Vành đai 3, TP.HCM, đường Thủ Biên – Đất Cuốc.
Để tránh tình trạng giải ngân đầu tư công thấp như năm 2022, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu giải ngân được 25% mỗi quý. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đốc thúc các chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục cần thiết để thi công dự án không để tập trung vào cuối năm, dẫn đến không kịp giải ngân vốn theo kế hoạch.
Tháng đầu năm, Tiền Giang giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,4% kế hoạch năm 2023
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, đến ngày 30/1/2023, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh là 4.919,692 tỷ đồng/4.956,278 tỷ đồng (kế hoạch đầu tư công năm 2022), đạt 99,3% kế hoạch.
Trong đó, vốn ngân sách địa phương đã giải ngân 3.403,927 tỷ đồng, đạt 99,3% kế hoạch (cấp tỉnh 99,6%, cấp huyện 97,1%); vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân 1.515,765 tỷ đồng, đạt 99,3% kế hoạch (vốn trong nước giải ngân 99,7%: vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 97,3%, vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực đạt 100%; vốn nước ngoài – ODA giải ngân 79,3%).
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh về Kế hoạch đầu tư công năm 2023, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 3494/QĐ-UBND ngày 13/12/2022 về việc phân bổ vốn đầu tư công năm 2023 với số vốn 4.419,9 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/1/2023, giá trị giải ngân ước đạt 768 tỷ đồng, đạt 17,4% kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã giao chi tiết cho các chủ đầu tư.
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phát triển kinh tế- xã hội, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các sở ngành tỉnh và địa phương khẩn trương hoàn tất hồ sơ chuẩn bị đầu tư đối với các công trình Dự án khởi công mới đã được thông báo vốn kế hoạch năm 2023.
Đối với công tác lựa chọn nhà thầu, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ thời gian thực hiện các gói thầu thi công, thiết bị để nhanh chóng đưa công trình, dự án vào khai thác và sử dụng.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và giải quyết dứt điểm công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện ứng vốn Quỹ Phát triển đất năm 2023 để tạm ứng cho công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình và giải ngân tốt nguồn vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Đối với công tác triển khai thực hiện dự án, các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch thực hiện và giải ngân cho các dự án, cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án theo kế hoạch đề ra. Thực hiện nghiệm thu, thanh toán vốn với Kho bạc nhà nước ngay khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm.
Đối với công tác giám sát đầu tư, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là nguồn lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội…
Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc tăng tổng mức đầu tư
Bộ GTVT vừa có Tờ trình số 850/TTr – BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án từ 5.339,591 tỷ đồng lên 6.046,643 tỷ đồng (tăng khoảng 707 tỷ đồng), trong đó tăng vốn đối ứng từ 988,577 tỷ đồng lên 1.643,692 tỷ đồng; tăng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc từ 101,683 tỷ đồng lên 143,619 tỷ đồng.
Các nội dung khác giữ nguyên như Quyết định số 949/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo Quyết định phê duyệt đầu tư Dự án số 2034/QĐ-BGTVT ngày 17/9/2018 của Bộ GTVT, chi phí giải phóng mặt bằng là 311,991 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo kết quả cập nhật, chi phí giải phóng mặt bằng Dự án đến nay là 1.020,341 tỷ đồng (tăng 708,350 tỷ đồng), cụ thể chi phí đền bù, hỗ trợ di dời người dân, chi phí chương trình phục hồi thu nhập và chi phí tổ chức thực hiện… là 685,636 tỷ đồng; chi phí hỗ trợ xây dựng khu tái định cư là 62,946 tỷ đồng; chi phí di dời công trình hỗ trợ kỹ thuật là 256,263 tỷ đồng; trồng rừng thay thế là 15,496 tỷ đồng.
Bộ GTVT dự kiến cân đối vốn đối ứng 708,350 để bổ sung cho chi phí giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT.
Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc bao gồm việc xây dựng tuyến kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai và tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài – Lào Cai: Điểm đầu (Km0+000) tại nút giao IC14 của đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Thời gian thực hiện Dự án là từ ngày 5/6/2019 đến ngày 31/12/2024; địa điểm thực hiện dự án: các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái.
Hiện Dự án đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng khoảng 119,4/200km (đạt 60%); đã đền bù được 3.244/6.398 hộ dân bị ảnh hưởng (đạt 50%); các địa phương đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và chi trả đền bù.
Đối với đất rừng cần được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng hiện UBND các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái đã có quyết định điều chỉnh quy hoạch rừng, hiện nay các tỉnh đang hoàn thiện báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, làm cơ sở triển khai.
Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trong tháng 3/2023 thì công tác GPMB sẽ hoàn thành trước tháng 5/2023.
Bình Dương tăng cường quản lý việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài
Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương vừa gửi văn bản đến Cục thuế Bình Dương, Cục Hải quan Bình Dương, Công an tỉnh… để cùng phối hợp theo dõi và tăng cường quản lý đối với các doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần.
Định kỳ hàng tháng, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ gửi danh sách các doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần để các sở, ban ngành của tỉnh Bình Dương thuận tiện trong việc quản lý nhằm kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp (nếu có).
Số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho thấy, năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 3,1 tỷ USD. Trong đó có 70 Dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,9 tỷ USD.
Về vốn điều chỉnh, có 23 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 59,4 triệu USD.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 172 lượt doanh nghiệp nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 1,1 tỷ USD.
Hiện tại, Bình Dương có 4.085 dự án nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 39,7 tỷ USD, chiếm hơn 9% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.
Giao Becamex lập dự án vành đai 4 đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn
UBND tỉnh Bình Dương vừa có công văn gửi Sở Giao thông – Vận tải (GTVT), Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC Corp) về Dự án đường vành đai 4 đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận với đề xuất của Becamex được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn) theo phương thức PPP.
Thời gian nộp hồ sơ đề xuất là trong thời gian 60 ngày kể từ ngày UBND tỉnh Bình Dương có văn bản chấp thuận. Địa điểm nộp hồ sơ đề xuất của dự án: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương; địa chỉ: tầng 4, tháp A, tòa nhà hành chính tập trung tỉnh Bình Dương, đường Lê Lợi, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
UBND tỉnh Bình Dương giao Becamex lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được lập theo quy định Luật PPP và các văn bản có liên quan; đồng thời, nghiên cứu đối với sự tham gia của nguồn vốn ngân sách nhà nước (gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương).
Becamex có trách nhiệm bố trí kinh phí, tự chi trả kinh phí, tự chịu trách nhiệm và không kèm bất kỳ điều kiện gì khi hồ sơ đề xuất dự án không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận; chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan như các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, tài chính, GTVT, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng và các huyện, thành phố có tuyến đường dự án đi qua của tỉnh Bình Dương để lập hồ sơ đề xuất theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 27 Luật PPP, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương.
“Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương căn cứ Luật PPP và các văn bản chỉ đạo của cấp thẩm quyền tham mưu UBND tỉnh thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đảm bảo dự án trên được triển khai đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật”, công văn của UBND tỉnh Bình Dương nêu rõ.