Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình cuối phiên thảo luận. |
Tiếp tục kỳ họp bất thường, sáng ngày 7/1 Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch).
Đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, sự cần thiết thông qua Quy hoạch tại kỳ họp này, các đại biểu cũng góp ý thêm nhiều nội dung cần hoàn thiện.
Ví Quy hoạch như “người lính mở đường” tạo động lực phát triển, song theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Quy hoạch cần khả thi, hiểu quả, dễ đọc, dễ nhớ, làm, dễ đánh giá, dễ giám sát, thực hiện.
Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai |
Lần đầu tiên làm nội dung quan trọng, chưa có tiền lệ dù quy định pháp luật rõ. Tuy nhiên, xác định nội dung nào mang tính khả thi thì phụ thuộc vào phương pháp làm, ông An nêu quan điểm.
Vị đại biểu Đồng Nai góp ý, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải được tính toán khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược, nhưng phải rõ, cụ thể nhưng được mâu thuẫn nội dung đã xác định trong các văn bản khác.
Theo đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia không phải bản tập hợp hay phép cộng đơn giản các quy hoạch thành phần, cũng không phải nhắc lại cơ học chiến lược phát triển kinh tế xã hội đã được Đại hội Đảng thông qua. Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết mục tiêu cụ thể, mà chỉ nên nêu khái quát, giới hạn tối đa hoặc tối thiểu chỉ tiêu để các ngành, địa phương có có căn cứ xây dựng các chỉ tiêu tại quy hoạch cấp thấp hơn một cách phù hợp.
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Hà Sỹ Đồng lấy ví dụ, hồ sơ Quy hoạch có đề cập hai kịch bản tăng trưởng. Kịch bản thấp với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,3%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, 6,5%/năm giai đoạn 2031-2050 (đạt ngưỡng thấp nhất là nước có thu nhập cao vào năm 2045).
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng ngày 7/1 |
Kịch bản phấn đấu với dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 7%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng đạt 7,2%/năm trong giai đoạn 2031-2050.
Nếu nhìn vào mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao thì rõ ràng cần chọn phương án tăng trưởng cao, đại biểu Đồng phân tích.
Nhưng, nhìn lại những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến kinh tế – xã hội thời gian qua thì ông Đồng nhận xét, phương án đó e rằng tính khả thi không cao.
“Với quy hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể quốc gia thì cần hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh. Vậy nên chăng, quy hoạch không nên đưa những con số quá cụ thể, bởi mục tiêu cao nhất vẫn là tổ chức không gian phát triển, hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc. Nếu vẫn giữ các chỉ tiêu cụ thể ở kịch bản tăng trưởng cao thì cần làm rõ Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ đóng vai trò cụ thể như thế nào để tạo ra được những đột phá, những động lực hay những trụ cột chính góp phần vào thực hiện mục tiêu đó”, ông Đồng phát biểu.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói đây là lần đầu Việt Nam xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia, nên “rất mới, rất khó, chưa có kinh nghiệm”. Song ông nhấn mạnh đây là Quy hoạch quan trọng, cấp thiết và các bộ, ngành địa phương đang rất mong đợi để lập các quy hoạch vùng, tỉnh, ngành.
“Do vậy, chúng tôi cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đều thống nhất cho phép thông qua tại kỳ họp này, trên cơ sở đó chúng tôi tiếp tục hoàn thiện để thông qua cũng như đảm bảo chất lượng tốt nhất trong thời gian tới”, Bộ trưởng phát biểu.
Nhắc lại điểm khó nhất khi lập quy hoạch này “làm sao không chung quá, không chi tiết quá”. Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo tinh thần quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược, theo hướng phân vùng và liên kết vùng, lãnh thổ, xác định tổ chức không gian phát triển của đất nước, phạm vi cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng.
Quan điểm mới và quan trọng của quy hoạch lần này, theo Bộ trưởng là phải hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Đây là những yếu tố rất mới để tạo ra được động lực phát triển mới, đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội và môi trường.
Theo đó Quy hoạch phân chia ra 2 giai đoạn, giai đoạn trước 2030, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo quan tâm và đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, các đối tượng chính sách, những người nghèo, dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là về y tế, giáo dục và văn hóa.
Sau năm 2030 thì sẽ hướng đến phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững giữa các vùng miền và địa phương.
Hồi âm ý kiến về tính khả thi khi lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao, GDP đạt bình quân 7% một năm cho cả giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định vấn đề này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá tác động, cân đối các nguồn lực, cũng như dự báo tình hình thế giới, yêu cầu phát triển của đất nước theo Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội tới 2030.
Về nguồn lực, Bộ trưởng thông tin, để đạt được các mục tiêu đề ra thì dự kiến nguồn lực để thực hiện được quy hoạch thời kỳ 2021-2030 cần khoảng 48,3 triệu tỷ đồng, tương ứng với cả 35% GDP, thông qua việc huy động tối đa các nguồn lực, từ nguồn lực của Nhà nước đến đầu tư tư nhân, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các nguồn lực của nước ngoài.
Theo nghị trình, chiều ngày 9/1 Quốc hội sẽ bấm nút thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia.