Ảnh minh họa |
Kết quả tích cực
Tốc độ tăng giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến – chế tạo đạt mức cao nhất trong 4 ngành công nghiệp (8% so với 5,5% của khai khoáng; 7% của sản xuất, phân phối điện; 6,4% của sản xuất nước, xử lý nước thải), góp phần lớn nhất vào tốc độ tăng toàn ngành công nghiệp (7,8%). Một số ngành công nghiệp chế biến – chế tạo cụ thể còn tăng cao hơn (như đồ uống, may mặc, da và các sản phẩm có liên quan, thuốc, hóa dược và dược liệu, chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, máy móc, phương tiện vận tải khác).
Nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến – chế tạo tăng khá, như thủy sản chế biến, linh kiện điện thoại, ô tô, xăng dầu, thép, sơn, bột ngọt, giày dép, bia, thuốc lá…
Do tỷ lệ chi phí trung gian giảm, nên tốc độ tăng giá trị tăng thêm của công nghiệp chế biến – chế tạo cao hơn tốc độ tăng giá trị sản xuất (8,1% so với 8%). Đây là kết quả tích cực của việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Do tốc độ tăng giá trị tăng thêm của công nghiệp chế biến – chế tạo cao hơn GDP, nên tỷ trọng công nghiệp chế biến – chế tạo trong GDP tăng và hiện chiếm 24,76%, cao hơn các năm trước (2015 là 20,96%; 2018 là 23,37%; 2019 là 23,79%; 2020 là 23,95%; 2021 là 24,82%) và cao hơn tỷ trọng về lao động (23,5%).
Cơ cấu công nghiệp chế biến – chế tạo theo trình độ công nghệ bước đầu có sự chuyển dịch tích cực. Năm 2020 so với năm 2015, công nghệ cao có tỷ trọng tăng về các chỉ tiêu số doanh nghiệp (12,9% so với 12,68%), số lao động (21,78% so với 18,12%), nguồn vốn (34,23% so với 30,16%), giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn (28,59% so với 26,89%), doanh thu thuần (42,8% so với 39,39%), lợi nhuận trước thuế (55,74% so với 54,93%). Trong khi đó, công nghệ thấp và trung bình giảm tương ứng. Đó là tiền đề để có công nghiệp theo xu hướng hiện đại vào năm 2025 và hiện đại vào năm 2030.
Hàng xuất khẩu do công nghiệp chế biến – chế tạo chiếm tỷ trọng tăng và hiện ở mức cao (từ 92,5% năm 2015 lên 96,2% năm 2021). Các mặt hàng của ngành này có kim ngạch lớn (trên 10 tỷ USD), như điện thoại 55,29 tỷ USD; máy tính và sản phẩm điện tử 55,24 tỷ USD; máy móc 45,72 tỷ USD; dệt may 37,5 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 15,86 tỷ USD; phương tiện vận tải 12,06 tỷ USD.
Hạn chế, thách thức
So với những tiêu chí của nước công nghiệp (được định ra từ cách đây vài chục năm, nhằm đạt vào năm 2020), còn có tiêu chí chưa đạt, có tiêu chí phải nâng lên hoặc hạ xuống.
Một là, GDP bình quân đầu người phải đạt trên 5.000 USD. Năm 2022 đạt 4.110 USD, mục tiêu năm 2023 đạt 4.400 USD. Như thế, có thể phải nâng lên.
Hai là, tỷ trọng của công nghiệp chế biến – chế tạo trong GDP phải đạt trên 20%, nhưng năm 2022 đã đạt 24,76%, mục tiêu 2023 là 25,4 – 25,8%, nên cần đưa lên 28 – 30%.
Ba là, tỷ trọng của nông, lâm nghiệp – thủy sản/GDP còn dưới 10%, nhưng năm 2022 vẫn ở mức 11,88%, nên cần giảm nữa.
Bốn là, tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp – thủy sản còn 20 – 30% cũng cần được giảm, bởi 2022 còn chiếm 27,5%.
Năm là, tỷ lệ dân số thành thị đạt trên 50%, trong khi năm 2022 mới đạt 37,3% và còn thấp xa so với nhiều nước khác.
Sáu là, tỷ lệ lao động qua đào tạo (có bằng chứng chỉ) đạt trên 55%, trong khi 2021 mới đạt 26,2%.
Bảy là, Chỉ số Phát triển con người (HDI) đạt trên 0,7, trong khi từ năm 2019 đã đạt trên 0,7.
Tám là, Chỉ số Phát triển giới (GDI) đạt 0,32 – 0,38, trong khi năm 2020 đã đạt 0,375.
Một số vấn đề nổi cộm là công nghiệp hỗ trợ còn yếu, khi tỷ lệ của điện tử chuyên dùng và công nghệ cao chỉ đạt 5%; điện tử tin học viễn thông 15%… Cả nước chỉ có 300/1.800 doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia.
Tính gia công lắp ráp, ngay cả với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn lớn. Công nghiệp hỗ trợ yếu, tính gia công lắp ráp cao làm cho thực thu thấp, thu nhập của lao động thấp, trong khi nhập khẩu lớn.