Phát biểu tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung thế giới, Việt Nam vẫn có “cửa hẹp” trong năm nay để có thể đổi chiều chích sách và giải quyết được những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam khi các điều kiện bên ngoài cho phép.
Điều kiện cho phép ở đây, theo ông Thành, là Fed có thể giảm tần suất tăng lãi suất xuống chỉ còn 3 lần trong năm 2023, mức tăng lãi suất của Fed tháng 2/2023 chỉ khoảng 0,25 điểm, thay vì 0,5 điểm kỳ điều chỉnh trước đó.
“Thời điểm đầu tháng 5 khả năng rất cao là lần tăng lãi suất cuối cùng, sau đó sẽ duy trì ở mức đỉnh lãi suất đồng USD trên thị trường liên ngân hàng từ 5-5,25% cho đến cuối năm 2023. Như vậy, cuối tháng 5 sẽ có dư địa cho Việt Nam do chúng ta không phải chạy đua lãi suất trong nước với đồng USD, áp lực tỷ giá qua đi. Đấy cũng là dư địa để chúng ta đổi mới chính sách, ổn định vĩ mô”, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định.
Ngoài yếu tố Fed, việc Trung Quốc mở cửa dự đoán cũng tác động tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Tuy vậy, chuyên gia này cho rằng, Việt Nam không nên chờ đợi thụ động.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế dự đoán, năm 2023, Fed chỉ tăng lãi suất 2 lần sau đó sẽ dừng lại và có thể cân nhắc bắt đầu giảm lãi suất từ quý 1/2024, nếu tình hình kinh tế Mỹ không được tốt.
“Các quốc gia ở châu Âu, Anh sẽ có độ trễ hơn khoảng một quý. Các quốc gia ở Châu Á, trong đó có Việt Nam cũng trễ hơn so với Mỹ một quý khi điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất”, ông Lực đánh giá.
Ngoài áp lực từ Fed giảm, trong nước, theo TS. Cấn Văn Lực, bức tranh giá cả hàng hoá cũng hạ nhiệt, giá dầu đã qua đỉnh và dự báo giảm khoảng 10% trong năm 2023 trừ khi có những biến số bất thường.
Mặc dù vậy, NHNN vẫn rất tỏ ra rất thận trọng với áp lực lạm phát, nhất là trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng không còn mấy dồi dào như các năm trước.
TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, năm 2023, mục tiêu xuyên suốt là điều hành chính sách tiền tệ là giữ được sự ổn định của dòng tiền, kiểm soát lạm phát. Từ mục tiêu đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đạt được mục tiêu của nội bộ ngành là duy trì sự hoạt động lành mạnh, ổn định của ngành ngân hàng.
“Rất may cuộc khủng hoảng lần này rất khác hồi năm 2008. Ở thời điểm 2008, ngành ngân hàng chất lượng, quản trị thực sự có vấn đề và nợ xấu dâng cao. Chúng ta phải trải qua cuộc vật lộn tái cơ cấu hơn 10 năm vẫn chưa xong. Nhưng đến nay, mừng nhất ngành ngân hàng có sức khoẻ tốt hơn, bảng cân đối tốt”, ông Quang chia sẻ.
Theo đó, vị Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ hành động theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong đó bất biến là kiểm soát lạm phát, còn cách thức điều hành thì rất linh hoạt