Nghĩa tình của người Sài Gòn – TP.HCM được khắc họa rõ nét trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 |
ĐẶC TÍNH TỪ HÀNG TRĂM NĂM TRƯỚC
So với các vùng đất khác, TP.HCM vẫn được xem là một “vùng đất mới”, “một thành phố trẻ”…, nhưng khi nhắc đến “nghĩa tình”, người ta lại nghĩ ngay đến “một Sài Gòn-TP.HCM” hơn 300 tuổi. Vì sao vậy, thưa ông?
Từ những bước chân khai khẩn của lưu dân hàng trăm năm trước đến nay, Nam bộ nói chung và Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM nói riêng luôn là “đất lành chim đậu”. Vùng đồng bằng ấy, đô thị ấy là “đất lành” không hẳn do được thiên nhiên ưu đãi, vì có nơi nào con người không phải chống chọi và thích ứng với thiên nhiên để tồn tại và phát triển đâu…
Ngược dòng lịch sử, Nam bộ nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn là vùng đất “dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um”. Khi vị quan trấn thủ đầu tiên Nguyễn Hữu Cảnh đến, ông đã thiết lập hệ thống cai quản, tổ chức nhân dân khẩn hoang lập ấp, ổn định cuộc sống, thực hiện chính sách hòa đồng sắc tộc Chăm – Việt – Hoa. Ông còn chiêu mộ những người nghèo, lưu dân tứ xứ đến khai hoang, chia ấp định vùng, số đông dân chúng dần được an cư, lạc nghiệp.
Điểm qua đôi nét lịch sử như vậy để thấy rằng, kinh nghiệm biến “đất dữ” thành “đất lành” của người Nam bộ là thích nghi, hòa hợp, chấp nhận khác biệt của hoàn cảnh mới. Đó còn là sự gắn kết mưu sinh, tồn tại và phải tồn tại cho bằng được trên vùng đất mới, trước hết là từ mối quan hệ trong cộng đồng, từ những con người gần gũi, cùng thân phận “thương người xa xứ lạc loài đến đây”.
Trải dài theo năm tháng, cư dân vùng đất phương Nam, trong đó có TP.HCM đã hình thành nên tính cách này. Đây vẫn là thành phố của những người nhập cư, nhưng vì sao khi vào sinh sống, lập nghiệp, những người nhập cư ấy đã nhanh chóng xem đây là quê hương thứ hai của mình? Đó chính là từ nghĩa tình đối đãi giữa người với người.
Theo ông, đặc tính nghĩa tình ấy được xây dựng và kế thừa trên những giá trị tinh thần, văn hóa nào của dân tộc?
Yếu tố cốt lõi làm nên đặc tính của một vùng đất vẫn là tính cánh, cốt cách của cư dân nơi đó. Đất và người có tác động lẫn nhau để làm nên bản sắc tinh thần của từng vùng miền mà vẫn nằm trong giá trị văn hóa của người Việt từ Nam chí Bắc. Dù là dân lưu tán tứ xứ đến đây, nhưng so với các chủng tộc khác, chúng ta vẫn gìn giữ điều đó. Như tác phẩm “Gia định thành thông chí” của Nhà sử học Trịnh Hoài Đức từng nói: “Duy người Việt ta vẫn theo phong tục cũ của Giao Chỉ”.
Do đó, khi nói về nghĩa tình, lòng khoan dung, thì đó là tính cách chung của người Việt – “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, không riêng gì TP.HCM. Có chăng là do vùng đất của lưu dân, nên mảnh đất này khắc họa đậm nét.
Nhà văn Sơn Nam từng lý giải trong tác phẩm “Người Sài Gòn” rằng: “Xa họ hàng, ở nơi mà công ăn việc làm đa dạng, thì Trời Phật chiếu cố cũng không bằng bạn bè giúp đỡ trước mắt. Thái độ hiếu khách xuất phát từ tâm lý ấy”. Nhà sử học Trịnh Hoài Đức cũng đã viết: “Ở Gia Định, khách đến thì mời ăn trầu trước, thiết đãi nước chè rồi đến ăn cơm bánh, cốt phải phong hậu. Không kể người thân hay sơ, lạ hay quen, tông tích thế nào, đã đến tất phải tiếp nhận thiết đãi”.
Tóm lại, khi mới chân ướt chân ráo vào cư ngụ vùng đất này, người dân luôn sống trong tâm thế “bán bà con xa, mua láng giềng gần”, đơn giản vậy thôi, huống hồ gì bà con chòm xóm đã từng chung lưng đấu cật, tối lửa tắt đèn có nhau. Sự giúp đỡ qua lại này làm nên một nét đẹp ấn tượng, nghĩ cho cùng, đây cũng là giá trị tinh thần “người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Nghĩa tình của người Sài Gòn – TP.HCM được nhắc đến nhiều trong các phong trào hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt… và được khắc họa rõ nét trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19. Ông tâm đắc điều gì ở tính cách người dân Thành phố?
Nghĩa tình của người dân TP.HCM vừa rộng rãi, vừa chặt chẽ. Chặt ở chỗ là có lúc mình nhờ họ, có lúc họ nhờ mình. Từng tay không đến đây lập nghiệp thành công, họ cũng ý thức rằng, phải có trách nhiệm giúp lại những người giống mình ngày xưa.
Trong mùa dịch vừa rồi, khi công nhân không có việc làm, chủ nhà trọ sẵn sàng miễn giảm tiền thuê nhà. Rồi người dân sống trong khu giãn cách nấu cơm giúp bộ đội chống dịch. Đó là những người có điều kiện, nhưng cũng không thiếu những người nghèo giúp đỡ người nghèo hơn, khi một người bán vé số sẵn sàng ủng hộ 80-90% thu nhập trong ngày của mình cho người nghèo…
Còn rất nhiều câu chuyện cảm động như thế. Nếu chạy xe máy ngoài đường mà quên gạt chân chống, thì với một tiếng nhắc khẽ “chân chống kìa anh”, hẳn là bạn cảm thấy thật mát lòng. Rồi đi trên đường, dễ dàng bắt gặp rất nhiều quán cơm không đồng, trà đá miễn phí, sửa xe miễn phí, tủ thuốc từ thiện… đến từ những người không giàu có. Người dân TP.HCM là thế, rất giàu nghĩa tình, có bao nhiêu cho bấy nhiêu, không tính toán thiệt hơn.
Nhà thơ Lê Minh Quốc, Chủ tịch Hội đồng Thơ (Hội Nhà văn TP.HCM) |
Ngoài vai trò là một nhà thơ, gần đây bạn đọc biết đến ông như là một nhà khảo cứu văn hóa Nam bộ qua một số tác phẩm như “Hỏi đáp về 300 năm Sài Gòn - TP.HCM”, “Trường ca Sài Gòn – Ấn ngọc phương Nam”… Trong những tác phẩm ấy, sự bao dung, nghĩa tình, hào sảng của người dân Thành phố được ông khắc họa thế nào?
Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. Đầu thập niên 1980, từ một người lính sau khi phục viên, cái duyên đã gắn bó tôi với TP.HCM. Cho đến bây giờ, tôi có được sự ổn định về đời sống, có chút tên tuổi thì cũng chính từ mảnh đất này. Tôi có làm được gì đó hữu ích cho cộng đồng cũng chính từ bệ phóng của một vùng đất nghĩa tình. Do đó, tôi nghĩ mình phải bày tỏ lòng tri ân qua khả năng cầm bút.
Xuyên suốt trong tác phẩm “Trường ca Sài Gòn – Ấn ngọc phương Nam”, tôi khắc họa lại toàn bộ quá trình của những lưu dân đi mở đất, từ “…Cư dân Ngũ Quảng/ Xuôi về phương Nam…” của “những thân phận con ong, cái kiến” trong “đêm tối đen, chó cắn người váy đụp”, “ngựa người người ngựa/roi vọt chất chồng hàng trăm thứ thuế…”.
Và từ trong khổ cực ấy, lại dần thấy một bước chuyển về phương Nam rất khác, những đổi thay của Hòn ngọc Viễn Đông. “…Đô thị chỉnh trang/ Tươi ngon bóng mát/ Dọc ngang ngược xuôi/ Đường xa chớ ngại/ Hạ tầng giao thông/ Nối cho gần lại/ Theo trục Bắc – Nam/ Khu dân cư mới/ Nhiều đường vành đai/ Dẫn ta đi tới/ Các tuyến metro/ Từng ngày khởi động/ Đường đi trên cao/ Bừng lên sức sống…”.
Thân thiện, đùm bọc, nghĩa tình… là những đức tính của dân tộc ta được cộng đồng quốc tế nhìn nhận. Ở góc độ một trong những người chuyên nghiên cứu về văn hóa, theo ông, sự khác biệt của nghĩa tình người TP.HCM so với các vùng đất khác là gì?
Chúng ta không nhầm tưởng và không ảo tưởng khi đề cao quá văn hóa này của người dân Sài Gòn – TP.HCM. Vùng đất này có những đặc tính này nhưng đó là đặc tính nằm trong tổng thể văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt là một nền văn hóa xuyên suốt, đi dần vào miền Trung rồi đến miền Nam và sinh ra những dị biệt.
Một điểm thú vị của cư dân TP.HCM là nhà ai nấy ở. Ngay cả ngày Tết cũng thế, người ta không có nhu cầu thăm hỏi qua lại. Bạn nghĩ đó là sự xa cách, dửng dưng, nhưng thực tế không như vậy. Khi mùa dịch đến, mọi nhà đều kín cổng cao tường, nhưng nhà bên cạnh có thức ăn gì cũng mang qua cho nhà bên và ngược lại…
Qua đó mới thấy, đó không phải là sự dửng dung, mà vì nhịp sống ở đô thị quá nhanh, quá vội, người ta không có thì giờ ngồi tám chuyện, chia sẻ cùng nhau. Nhưng khi có chuyện xảy ra thì lòng người vẫn nghĩ về nhau, chứ không phải lạnh nhạt với nhau.
Đảng bộ TP.HCM luôn đặt mục tiêu xây dựng Thành phố “Văn minh – Hiện đại – Nghĩa tình” qua các thời kỳ phát triển. Nếu xem “nghĩa tình” là một đặc trưng văn hóa và “sống nghĩa tình” là một tính cách không thể thiếu trong văn hóa ứng xử TP.HCM, thì làm thế nào để duy trì và lan tỏa nét đẹp này, thưa ông?
Trước hết, hãy bắt đầu từ giáo dục. Giáo dục trong mỗi nếp nhà hướng theo tinh thần thấu hiểu, cảm thông, tương thân tương ái, chia sẻ cho nhau, cùng vun đắp cuộc sống an lành, hạnh phúc. Nói cách khác, đây cũng là thông điệp “Mình vì mọi người”; “Một nhà có việc, cả làng cùng lo”; sâu xa hơn cũng là ý thức của người Việt đã hình thành từ ngàn xưa: “Nước lụt thì lụt cả làng/ Đắp đê chống lụt, thiếp chàng cùng lo”… Có như thế mới tạo nên sức mạnh đoàn kết trong thời đại ngày nay.
Cùng với giáo dục, việc xây dựng hệ thống thư viện, bảo tàng từ cấp phường, quận, Thành phố là cực kỳ quan trọng. Chính các địa chỉ này có thể khái quát được lịch sử, nét đặc trưng, sự hình thành của cư dân, của vùng đất có một tính cách linh hoạt nhất. Hiện nay, ta đã đáp ứng được điều này chưa? Tôi không dám lạm bàn, chỉ hỏi rằng, đâu là bảo tàng lưu giữ lại dấu ấn khai hoang của tiền nhân trên bước đường lập nghiệp ở Sài Gòn – TP.HCM?
Một điểm nữa, cực kỳ quan trọng là hình ảnh và văn hóa của người lãnh đạo. Trong nhiều trường hợp, yếu tố tiên quyết của mọi sự thay đổi là từ người lãnh đạo có uy tín, tận tâm vì lợi ích chung của nhân dân. Khi người tổ chức, người đứng đầu tự giác nêu gương trong thực hiện nếp sống nghĩa tình, thì sẽ góp phần gieo mầm và duy trì những thói quen tốt cho cộng đồng.