Giá đã có
Bộ Công thương đã có Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023, ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và có hiệu lực luôn từ ngày ký.
Như vậy các nhà máy điện mặt trời, điện gió đang đầu tư dở dang mà chưa kịp hoà lưới điện sẽ tiến hành đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo khung giá này để chốt được việc mua bán điện, vốn đã dở dang từ 1/11/2021 với các dự án điện gió và từ 1/1/2021 với các dự án điện mặt trời.
Trước đó, ngày 28/12/2022, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo EVN rà soát, tính toán lại khung giá và trình Bộ, do các kết quả tính toán trước đó chưa kèm theo hồ sơ tài liệu minh chứng, thuyết minh về các phương án và chưa phù hợp với quy định tại Thông tư 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp (Thông tư 15).
Sau đó, ngày 29/12/2022, Bộ Công thương lại nhắc lãnh đạo EVN vì chưa nhận được hồ sơ đề nghị phê duyệt khung giá phát điện của EVN theo quy định của Thông tư 15.
Ngày 30/12/2022, Công ty Mua bán điện (EPTC) đã có bản tính mới nhất, báo cáo EVN việc tính toán khung giá phát điện này và ngày 6/1/2023, EVN đã trình lại Bộ Công thương khung giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo dở dang.
EPTC cũng cho hay, tính ngày 16/12/2022, EPTC đã nhận được hồ sơ của 102 nhà máy điện mặt trời (4 nhà máy điện mặt trời nổi và 98 nhà máy điện mặt trời mặt đất) và 109 nhà máy điện gió (35 nhà máy điện gió trên biển và 74 nhà máy điện gió trong đất liền).
Trong lần tính toán đầu tiên, EVN đã gửi công văn tới hơn 240 nhà máy năng lượng tái tạo đề nghị cung cấp thông tin và tới ngày 16/11/2022, khi EVN chốt thông tin phục vụ tính toán khung giá đã đệ trình lần đầu, chỉ có 99 nhà máy điện mặt trời (95 nhà máy điện mặt trời mặt đất; 4 nhà máy điện mặt trời nổi) trong tổng số 147 nhà máy điện mặt trời đã ký Hợp đồng mua bán điện với EVN cung cấp thông tin. Đồng thời, có 109 nhà máy điện gió trong tổng số 146 nhà máy điện gió đã ký Hợp đồng mua bán điện với EVN cung cấp thông tin.
Căn cứ bộ số liệu do các nhà đầu tư cung cấp tính đến ngày 16/12/2022, EPTC đã tính toán khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp theo quy định tại Thông tư 15 cho các nhà máy điện và quy đổi về mức chuẩn (50 MWp với điện mặt trời và 50 MW với điện gió), tương ứng với từng loại hình nhà máy điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi, điện gió trong đất liền, điện gió trên biển.
Bản tính toán tháng 1/2023 của EVN cũng dựa trên một số tiêu chí như tỷ lệ vốn góp chủ sở hữu/vốn vay là 30/70; tỷ lệ chi phí vận hành, bảo dưỡng cố định trong suất đầu tư từ 1,5 đến 2%, tùy loại hình; thời gian trả nợ bình quân là 10 năm; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên phần vốn góp chủ sở hữu là 12%.
Như vậy, svới mức giá mà EVN trình, mức giá ở Quyết định 21/QĐ-BCT tiếp tục thấp hơn một chút.
Nhà đầu tư bớt nhiệt huyết
“Nếu giá điện thấp như này, lại bằng VND nữa thì nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo sẽ nản” là nhận xét của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.
Lý giải thực tế này, một doanh nghiệp đã đầu tư 3 dự án điện mặt trời và 2 dự án điện gió đều đã đi vào hoạt động cho hay, nếu giá điện tính theo USD thì ít ra còn được, chứ tính theo VND đã thấp, lại cộng thêm tỷ lệ trượt giá nữa, thì rất khó có hiệu quả.
Sự rôm rả trong các nhóm đầu tư năng lượng tái tạo hay trên các diễn đàn về năng lượng tái tạo trước đây khi “nhà nhà làm năng lượng tái tạo” giờ đã nhạt hẳn hoặc nếu có thì chủ yếu là của mấy doanh nghiệp có dự án dở dang chuyển tiếp và đang kỳ vọng “bán lúa non”.
“Một số nhà đầu tư có dự án xin nằm trong quy hoạch điện mới rất mong có khung giá, nhưng theo hướng để bán thu tiền, chứ không mặn mà làm tiếp lâu dài”, một nhà đầu tư nhận xét.
Từng chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư rằng, việc các mức giá EVN đề xuất hồi tháng 11/2022 sẽ khiến “các dự án trễ mốc thời gian bị thiệt thòi quá lớn so với các dự án về kịp, khi giá giảm khoảng 25%”, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận mới cho hay, đầu tư vào năng lượng tái tạo nếu nhìn vào các khung giá mới được đề xuất này thì thấy rất khó khăn.
“Đầu vào không giảm mấy, mà đầu ra giảm sâu quá. Chưa kể, lưới điện không đảm bảo tiêu thụ hết, nên sẽ không nhiều nhà đầu tư mặn mà”, ông Thịnh nhận xét.
Trước đó, ông Thịnh đã tính toán rằng, do lãi vay ngoại tệ đang cao hơn rất nhiều, với LIBOR tăng từ mức 0,15% (năm 2020) lên gần 4% (cuối năm 2022). Nên nếu cộng tất cả các khoản lãi và phí, vay USD ở nhiều dự án đã lên tầm 9%, tức là gấp 2 lần so với mức 4,62% trong báo cáo của EVN. Còn vay nội tệ cũng không thể có mức dưới 10%. Như vậy, do nghiên cứu khả thi được lập đẹp để dễ được phê duyệt, nên khi chuyển các báo cáo này cho EVN để lấy các thông số đầu vào chính, đưa ra mức giá chuyển tiếp, thì đương nhiên, EVN đề xuất mức giá mua thấp là phù hợp, nhưng lại không đúng thực tế.
Dẫu vậy, cũng có ý kiến cho rằng, khung giá mới được đưa ra tại Quyết định 21/QĐ-BCT chưa đủ tính thuyết phục.
Theo các ý kiến này, nhẽ ra phải xác định rõ “nhà máy chuẩn” theo các khái niệm, định nghĩa trong Thông tư 15 và phải bảo vệ được phương án “nhà máy chuẩn”, được cơ quan quản lý nhà nước chấp nhận, rồi từ đó mới thực hiện các tính toán định lượng và chi tiết
Vừa qua, khung giá do EVN đề xuất được xây dựng theo yêu cầu của Cục Điều tiết nêu các phương án và đề xuất các phương án, nhưng không có các biện luận, luận giải để nói rằng, đề xuất đó là đề xuất theo “nhà máy chuẩn” mà Thông tư 15 đã đưa ra.
“Các nhà máy điện năng lượng tái tạo thuộc nhóm chuyển tiếp không ở cùng một vùng bức xạ, vùng gió. Điều đó có nghĩa là không có kết quả về sản lượng điện năng phát giống nhau. Như vậy sẽ không thể có một chuẩn tính toán theo phương pháp bình quân hay phương pháp phân bố chuẩn để làm 1 khung giá thương thảo được. Chỉ như vậy thôi đã thấy rằng một khung giá là chưa hợp lý. Điều này có thể tạo ra nguy cơ kiện tụng hoặc đẩy sự phức tạp hoàn toàn vào quá trình thương thảo giữa các nhà máy này và EVN”, một chuyên gia nhận xét.
Các mức giá cụ thể theo Quyết định 21/QĐ-BCT
STT |
Loại hình nhà máy |
Giá trị tối đa của khung giá (đồng/kWh) |
1 |
Nhà máy điện mặt trời mặt đất |
1.184,90 |
2 |
Nhà máy điện mặt trời nổi |
1,508,27 |
3 |
Nhà máy điện gió trong đất liền |
1.587,12 |
4 |
Nhà máy điện gió trên biển |
1.815,95 |