Sáng nay (12/1), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố dự báo triển vọng kinh tế 2023, với hai kịch bản.
Theo kịch bản 1 – kịch bản khả thi nhất – tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%. Mức này xấp xỉ với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 mà Chính phủ xác định, là 6,5%. Ở kịch bản 2, tăng trưởng có thể đạt tới 6,83%.
“Nếu tiếp tục cải cách nhanh, tăng năng suất, kịch bản 2 có thể là mục tiêu đạt được”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nói trong Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023.
2 kịch bản dự báo kinh tế năm 2023 của CIEM |
Tại Hội thảo, CIEM cũng công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023” do CIEM và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ phối hợp thực hiện.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2022, Việt Nam đã tiếp tục thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát hiệu quả. Việt Nam đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với xuất nhập cảnh…
Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện quyết liệt. Chính phủ đã có những hành động quyết liệt để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn cung xăng dầu trong nước, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được thực hiện khẩn trương, hiệu quả nhằm giảm chi phí sử dụng xăng dầu cho doanh nghiệp và người dân.
Việt Nam đã tiếp tục cải cách thể chế kinh tế nhằm tạo không gian kinh tế lớn hơn, thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân. Nhiều nội dung mới, đột phá về chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, phát triển vùng… đã được ban hành. Công tác truyền thông chính sách cũng được lưu tâm, thực hiện hiệu quả hơn.
Nhờ đó, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2022. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 13,67% trong quý III/2022, và 5,92% trong quý IV/2022. Tính chung cả năm 2022, tốc độ tăng GDP đạt 8,02%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra (6-6,5%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 tăng 3,15%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, CPI tăng nhanh hơn trong nửa cuối năm 2022.
Hoạt động đầu tư đã có sự phục hồi tích cực. Tổng đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 ước đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 11,2% so với năm 2021, cao hơn so với tốc độ tăng đầu tư trước dịch COVID-19. Đầu tư của khu vực nhà nước tăng nhanh nhất (14,6%), tiếp đó là của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (13,9%). Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, song giải ngân vốn đầu tư công của cả nước vẫn tương đối chậm so với kế hoạch năm 2022.
Tổng lượng vốn FDI đăng ký tính đến 20/12/2022 đạt 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021. Phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 60,6% tổng vốn FDI đăng ký. Vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD trong năm 2022, tăng 13,7% so với 2021, và tăng 10% so với 2019.
Việt Nam đang cho thấy hình ảnh một quốc gia đang nỗ lực hiện thực hóa những cam kết mạnh mẽ và định hướng rõ ràng từ Hội nghị COP26 về thu hút đầu tư chất lượng cao hướng đến nền kinh tế trung hòa các-bon và tăng trưởng xanh, CIEM cho hay.
Hoạt động xuất khẩu của cả nước giữ đà tăng trưởng dương, dù có xu hướng chậm lại nửa cuối năm 2022. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,4%, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4%. Cán cân thương mại đạt thặng dư, ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD, ghi dấu ấn xuất siêu 7 năm liên tiếp.
Nhận định về kinh tế Việt Nam 2023, CIEM cho rằng, có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố hơn như khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2 và các dịch bệnh mới, gia tăng cạnh tranh địa chính trị, xung đột Nga – Ukraina có thể kéo dài, mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt nhằm xử lý áp lực lạm phát.
Trong khi đó, các yếu tố trong nước được CIEM lưu ý là tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. CIEM cho rằng, nếu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại – công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD,…
Báo cáo nhấn mạnh lại thông điệp về việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.