Tình yêu và sự trân trọng với nghề may đã níu giữ ông Văn Hùng gắn bó hơn 30 năm với nghề |
Tiệm may Văn Hùng Tailor của ông Nghiêm Văn Hùng nằm trên ngõ Thọ Xương thuộc phường Hàng Trống từ lâu đã trở thành địa chỉ may đo yêu thích của nhiều người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội, đặc biệt là các vị Đại sứ, Tham tán đến từ Đại sứ quán Anh, Mỹ, Australia, Canada, Đan Mạch, New Zealand và Thuỵ Sĩ…
Với kinh nghiệm gần 50 năm làm nghề, trong đó có hơn 30 năm gây dựng và quản lý thương hiệu riêng, ông Hùng cho biết hai điều khiến ông tự hào nhất là sự tin tưởng và hài lòng từ phía khách hàng.
“Cửa hàng nằm ở ngõ nhỏ nhưng khách vẫn lặn lội tìm tới. Khi được họ đặt niềm tin, tôi càng muốn trau chuốt tay nghề để tạo nên những bộ trang phục đẹp nhất”, ông nói.
Đây cũng là lý do dù tiệm may đã có thương hiệu, nhưng ông vẫn kiên quyết không mở thêm cơ sở thứ 2. Những công đoạn quan trọng như đo và cắt may cũng đều do ông cùng người con trai tự tay chuẩn bị.
“Nhiều nơi chỉ nhận khách rồi giao cho thợ làm hết, còn tại tiệm may của tôi thì mọi sản phẩm sẽ do bố con tôi cắt theo công thức riêng chứ không thuê người ngoài. Chừng nào còn khỏe, tôi còn cố được”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Một ngày làm việc bình thường của ông sẽ bắt đầu từ 7-8 giờ sáng và có thể kết thúc vào lúc 2 giờ đêm. Đều đặn hơn 30 năm nay, mỗi ngày ông đều làm việc trung bình khoảng 12 tiếng, nhưng chừng đấy thời gian vẫn không khiến người đàn ông hơn 60 tuổi cảm thấy mệt mỏi bởi ông luôn tìm thấy niềm vui từ công việc mình đang làm.
“Tốc độ cắt của tôi bây giờ chỉ 10 phút/áo, có khi còn vượt xa thợ may trẻ”, ông Hùng khoe.
Ông Hùng đến với nghề may khi chỉ mới 16 tuổi. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông đăng ký học nghề tại trường Kỹ thuật Cắt may Hà Nội (nay là Trường Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội). Thời điểm đó, cả Hà Nội chỉ có một trường may do nước Đức hỗ trợ đào tạo với số lượng học viên tốt nghiệp mỗi năm khoảng 100 người.
Quá trình học nghề bài bản, cộng với kinh nghiệm tự tích lũy và kỹ năng điêu luyện đã giúp ông trở thành 1 trong 10 ứng viên xuất sắc nhất Việt Nam được Cộng hòa dân chủ Đức bấy giờ (nay là CHLB Đức) lựa chọn sang học tập và làm việc tại Viện Mốt Berlin.
Đây cũng là cơ duyên đưa ông đến với con đường may Âu phục sau này và gây dựng nên thương hiệu Văn Hùng Tailor từ cửa hàng cắt may gia công chuyên phục vụ người phương Tây mở từ năm 1950 của người cha Nghiêm Văn Nho.
Khác với nhiều hàng may Âu phục hiện đại, tiệm may của ông Hùng tuy có diện tích không lớn, nhưng lại sở hữu một câu chuyện lịch sử thú vị và không gian ấm cúng, cổ kính. Những yếu tố trên đã thu hút nhiều vị khách nước ngoài tò mò ghé thăm, rồi dần dần lại trở thành những vị khách “trung thành” của quán.
Đại sứ Vương Quốc Anh Iain Frew cũng là vị khách hàng thân thiết của Văn Hùng Taillor |
Ba đời Đại sứ Pháp tại Việt Nam từng là khách hàng thân thiết của Văn Hùng Tailor. Trong đó, cựu Đại sứ Pháp Jean-Francois Giraud đã từng đặt may 20 bộ vest trong suốt nhiệm kỳ tại Việt Nam (từ 2010 – 2012) để mặc trong những dịp tiếp khách đặc biệt.
Ngoài ra, tiệm may của ông Hùng còn vinh dự được tiếp đón và phục vụ nhiều chính khách cấp cao khác như Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz, Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew hay Tham tán Đại sứ quán Liên Bang Nga Arkady Druzhinin…
Dù là khách nước ngoài hay người Việt, là Đại sứ hay người bình thường thì ông vẫn luôn giành sự quan tâm giống nhau cho mỗi sản phẩm. Bởi ông quan niệm mỗi khách hàng đều là một Đại sứ và “dù làm bất cứ công việc gì, tôi luôn đặt tâm huyết và sự chỉn chu lên hàng đầu”.