Theo đó, với bánh chưng, nếu thời tiết nóng thì có thể bảo quản vào ngăn mát tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần còn lại thì dùng màng che thực phẩm bao kín. Lưu ý khi lấy bánh trong tủ lạnh ra cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn.
Để đảm bảo sức khỏe người dân dịp Tết, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đã đưa ra một số gợi ý về cách bảo quản thực phẩm. |
Nên hạn chế rán bánh chưng vì như vậy đã làm tăng thêm lượng chất béo (dầu/mỡ) vào trong khẩu phần ăn hàng ngày không có lợi cho sức khỏe.
Đối với các loại bánh bị mốc trắng, lên men mùi chua… tốt nhất là không nên ăn vì tất cả các thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố Aflatoxin. Loại độc chất này có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ Aflatoxin từ thực phẩm.
Giò là món ngon đặc trưng của người Việt, là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Giò có nhiều loại: Giò lụa, giò bò, giò tai, giò xào…
Giò lụa với thành phần chủ yếu là thịt lợn nạc, ngoài ra còn có thịt mỡ, nước mắm và gia vị, vì thế giò không để lâu được. Giò lụa không được sử dụng hàn the vì nó không tốt cho sức khỏe.
Cách bảo quản giò lụa, giò bò, chả là giống nhau, để ở nhiệt độ thường dưới 25 độ C. Khi bảo quản đúng cách giò sẽ giữ được 4-6 ngày nếu để ngăn mát, thậm chí giữ được khoảng 10 ngày nếu để ở ngăn đá, nếu bạn đã lỡ mua quá nhiều.
Giò lụa lấy ra khỏi ngăn đông, để ở nhiệt độ phòng khoảng 4 giờ hoặc chuyển vào ngăn mát trước khi sử dụng 8 giờ. Nếu muốn sử dụng ngay thì rã đông nhanh: Bọc giò lụa vào bọc nilon, ngâm vào nước lạnh khoảng 1 giờ.
Tuy nhiên, do chúng ta thường chỉ mua lượng vừa đủ ăn trong vòng 1 tuần nên không nhất thiết phải bảo quản giò trong ngăn đá hoặc tủ đông bởi quá trình rã đông sẽ làm hao hụt các chất dinh dưỡng.
Giò tai, giò xào do đặc điểm về sự kết dính mà phải để ở nhiệt độ mát, lạnh vì vậy để bảo quản nên để vào ngăn mát tủ lạnh.
Món thịt đông là món ăn truyền thống, độc đáo của người Việt. Thịt nấu đông ăn với cơm nóng, chấm nước mắm nguyên chất với chanh ớt, ăn với dưa hành, dưa cải, củ kiệu… là món ăn được sử dụng trong ngày Tết và những ngày thông thường trong năm.
Với món thịt đông, nên chia thành từng hộp nhỏ vừa đủ ăn từng bữa để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, và nó vừa giữ được hương vị đặc trưng vừa giúp món ăn bảo quản lâu hơn.
Dưa hành là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Dưa hành nên bảo quản ở nơi thoáng mát, khi ăn dùng đũa sạch gắp dưa hành ra, rửa qua bằng nước sôi để nguội hoặc nước muối pha loãng, sau đó bóc vỏ ngoài, lấy phần dưa hành trắng nõn để ăn.
Với các loại thực phẩm khác như rau xào, không nên để trong tủ lạnh khi dùng không hết, vì hàm lượng nitrat có trong các loại rau xanh khá nhiều, nếu nấu xong để quá lâu, vi khuẩn phân hủy, lượng nitrat sẽ lại tạo thành nitrit – chất gây ung thư, cho dù là bạn có đun lại đi chăng nữa cũng không thể khử được. Vì vậy không nên ăn các món rau đã để qua đêm.
Những thực phẩm đã chế biến nên ăn ngay, không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ. Những thức ăn còn dư sau bữa ăn nên đun nóng lại, để nguội rồi mới để vào trong ngăn mát tủ lạnh.
Nếu thức ăn còn nóng cho ngay vào tủ lạnh, nơi có nhiệt độ thấp, thức ăn sẽ biến chất, nước trong thức ăn ngưng đọng thành hơi nước, thúc đẩy vi khuẩn có hại sinh trưởng dẫn đến gây độc cho thực phẩm.
Khi ăn phải nấu chín lại thức ăn trước khi dùng vì nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng hạn chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó.
Và nguyên liệu để bảo quản thực phẩm là tủ lạnh phải thường xuyên được làm sạch. Không để tủ lạnh bị quá tải để đảm bảo đủ độ lạnh cần thiết. Luôn giữ nhiệt độ tủ lạnh dưới 4 độ C, tủ đông là dưới 0 độ C.
Thực phẩm tươi sống gồm các loại thịt, hải sản, sau khi mua về phải tiến hành sơ chế sạch sẽ, rửa nhiều nước và để ráo. Sau đó phân chia thành từng phần để dễ dàng chế biến và tiện lấy ra sử dụng.
Đối với thức ăn đã nấu chín, nên cân đối khối lượng vừa đủ cho một lần sử dụng vào từng hộp sạch, sau đó cho vào tủ lạnh. Bảo quản thức ăn thừa tránh xa các thực phẩm sống để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
Thức ăn được lấy ra ở trong tủ lạnh chỉ sử dụng một lần cho bữa sau, và nếu còn không để lại bữa sau, thức ăn để lâu nhất là 5 – 6 giờ. Thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, để lâu trong tủ lạnh vẫn sinh ra độc tố.
Thức ăn đun lại, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100ºC, nhưng độc tố do vi sinh khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên độc tính gây nên ngộ độc cho người sử dụng. Mỗi gia đình nên chế biến lượng thức ăn vừa đủ, đừng quá dư thừa, vì khi thừa đun lại thức ăn sẽ bị sẽ bị hao hụt chất dinh dưỡng.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo an toàn thực phẩm ngày Tết, khuyến cáo đầu tiên với người tiêu dùng là phải chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải thực hiện việc sử dụng, bảo quản sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Rất nhiều trường hợp còn hạn sử dụng nhưng bảo quản sai dẫn đến sản phẩm hư, hỏng.
Đặc biệt, người dân không nên biến tủ lạnh thành kho lưu trữ thực phẩm lâu dài. Hiện nay, thị trường rất đa dạng, phong phú vào ngày mùng 1-2 Tết các cơ sở kinh doanh đã có thực phẩm tươi sống để bán nên không nhất thiết tích trữ thực phẩm.
Người dân cũng cần lưu ý khi sử dụng thực phẩm tại các lễ hội xuân. Mùa Tết, lễ hội ở miền Bắc thời tiết thường có mưa xuân, ẩm nên mặt hàng có dầu như hướng dương, hạt đậu phộng, hạt dẻ… dễ bị nấm mốc, có độc tố ảnh hưởng sức khỏe.
Trong khi đó, phía Nam vào dịp Tết nhiệt độ cao, thời tiết nóng dẫn đến các sản phẩm giàu đạm như thịt, cá bảo quản không tốt dễ bị thiu, mốc, hỏng…
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng khuyến cáo, ngày Tết, nhà nào cũng có mứt kẹo, bánh ngọt, nước ngọt có ga và các loại hạt như dưa, hướng dương nên các bậc phụ huynh cần kiểm soát việc trẻ ăn quá nhiều đồ ăn, đồ uống.
Nếu trẻ uống nhiều nước ngọt, ăn nhiều bánh ngọt trước hoặc trong khi ăn sẽ dẫn tới có cảm giác no tới bữa không ăn hoặc chán ăn. Đồng thời, nước ngọt có ga là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh như béo phì, tiểu đường, tim mạch, bệnh thận, gout, loãng xương…
Uống một lon nước ngọt có ga mỗi ngày có thể làm tăng gần 7 kg cân nặng trong một năm, bởi một lon nước ngọt 600 ml chứa khoảng 36 g đường, đường có trong nước uống tăng lực là 24 g/lon 250 ml.
Thành phần chủ yếu của nước ngọt có ga là hương vị, chất tạo ngọt, khí CO2, chất bảo quản nên không tốt cho sức khỏe về mặt dinh dưỡng.
Ngoài ra, hạt dưa, hạt bí và một số loại hạt khác dễ bị hư hỏng, mốc; mứt và bánh kẹo trôi nổi trên thị trường, không rõ nhãn mác, xuất xứ không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, cần hạn chế ăn uống những thực phẩm trên.
Tết cổ truyền là dịp vui nhất trong năm, nhưng để dịp vui đó được trọn vẹn, theo chuyên gia cần nhớ giữ gìn sức khỏe cho trẻ. Ăn đủ nhu cầu cần thiết từ 4 nhóm thực phẩm. Ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, sức khỏe của trẻ chỉ đảm bảo khi bữa ăn và giấc ngủ không bị thay đổi.
“Không ăn thực phẩm dễ bị ôi lưu, nghi ngờ ôi thiu, thức ăn chế biến từ bữa trước… đề phòng tiêu chảy. Hạn chế ăn bánh kẹo, uống nước ngọt có ga, các loại hạt… do không tốt với sức khỏe”, bác sĩ Tiến nói.