Nhu cầu thưởng thức cà phê của khách hàng đang thay đổi từng ngày, bởi vậy, lắng nghe khách hàng là “công thức” giúp các chuỗi thương hiệu đi đến thành công. |
Định vị cao cấp và riêng biệt hơn
Tròn một thập kỷ thương hiệu Starbucks có mặt ở thị trường Việt Nam. Với văn hóa trên toàn cầu của mình, hãng cà phê này vẫn luôn giữ bản sắc, không thêm bớt tiêu chí để đảm bảo các khách hàng ở Việt Nam luôn được thưởng thức đúng “chất” trong mỗi ly cà phê, đồ uống của mình.
Tuy nhiên, hành vi tiêu dùng tại thị trường Việt Nam luôn thay đổi. Đó là điều bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam ấn tượng nhất trong 10 năm qua.
Thời gian đầu Starbucks mới đến Việt Nam, khách hàng phải tự lấy đồ uống của mình thay vì ngồi một chỗ chờ nhân viên mang đồ ra… Điều này khiến nhiều người cảm thấy mình không được chào đón. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, họ đã thích nghi và điều đó tạo ảnh hưởng tới các mô hình kinh doanh khác. Thậm chí, bà Patricia Marques cho rằng, Starbucks tiên phong góp phần tạo ra sự thay đổi đó.
“Starbucks đã tồn tại trên toàn cầu hơn 50 năm, còn tại Việt Nam mới có 10 năm. Đã có rất nhiều sự thay đổi trong thời gian đó và sẽ còn nhiều sự bất ngờ khác sẽ được chúng tôi chuyển đến khách hàng trong thời gian tới”, bà Patricia Marques nói.
Starbucks Vietnam muốn thể hiện sự thay đổi sâu sắc trong tâm trí, hành động và định hướng lâu dài của mình để thực sự trở thành cà phê hàng ngày của khách hàng trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh.
– Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam
Starbucks sẽ tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại những địa bàn mới, ngoài những thành phố đã đặt chân đến. Tùy vào tiến độ thực tế, nhưng CEO Starbucks khẳng định, trong năm 2023, Starbucks sẽ đạt được dấu mốc 100 cửa hàng ở Việt Nam. Hiện hãng này đã có 87 cửa hàng tại 7 tỉnh, thành phố.
Starbucks muốn thể hiện sự thay đổi sâu sắc trong tâm trí, hành động và định hướng lâu dài của mình để thực sự trở thành cà phê hàng ngày của khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh giữa các thương hiệu ngày càng gay gắt.
Theo đó, Starbucks sẽ tiếp tục đưa các sản phẩm mới đến người tiêu dùng, đặc biệt, sẽ cao cấp hóa các dòng sản phẩm. Trong năm 2023, khách hàng tại Việt Nam sẽ được thưởng thức cà phê hạt Starbucks Vietnam Đà Lạt.
Tuy nhiên, số cửa hàng của Starbucks vẫn khiêm tốn, đứng sau các chuỗi nội địa Highlands, The Coffee House, Phúc Long và Trung Nguyên Legend. Tuy nhiên, đây là tên tuổi nước ngoài hiếm hoi, cùng với Café Amazon (thành viên của Tập đoàn Central – Thái Lan) còn trụ được và có dấu ấn trong cuộc “chiến giữa” các chuỗi cà phê, với thị phần áp đảo của doanh nghiệp nội địa.
Dù có mặt tại Việt Nam từ năm 2019, nhưng do dịch Covid-19, nên kế hoạch mở chuỗi của Café Amazon bị chậm lại. Café Amazon chủ yếu đặt tại các trung tâm thương mại thuộc Tập đoàn Central. Tranh thủ sự phục hồi của thị trường, Central đang nhanh chóng thực hiện kế hoạch mở rộng trên toàn quốc. Để đẩy nhanh sự hiện diện của chuỗi, thương hiệu này sẽ tập trung vào chiến lược nhượng quyền thương mại.
Trong khi đó, thương hiệu nội địa The Coffee House cũng đang tái khởi động mô hình “cửa hàng Signature”, với định vị cao cấp và riêng biệt hơn. Trước đó, tên tuổi này đóng cửa hàng Signature ở quận 3 (TP.HCM) và chuyển đến trung tâm thương mại Crescent Mall (quận 7).
Điểm khác biệt của cửa hàng Signature này là chuyên phục vụ cà phê đặc sản, món ăn đa bản sắc và không gian bài trí liên quan đến hành trình cà phê. Theo ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc điều hành The Coffee House, mô hình này được thiết kế để phù hợp với xu hướng nâng tầm trải nghiệm cà phê và ẩm thực ngày càng cao của người tiêu dùng Việt.
The Coffee House xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 8/2014 tại TP.HCM, với định vị là chuỗi cà phê giá bình dân, nhưng có trải nghiệm như các chuỗi quốc tế. Năm 2017, thương hiệu này lần đầu vượt mốc 80 cửa hàng trên toàn quốc và mở thêm 25 cửa hàng vào năm 2020, nâng độ phủ lên 175 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành phố. Đến nay, sau 2 năm dịch Covid-19, số lượng cửa hàng của chuỗi đồ uống này giảm còn 157 điểm.
PhinDeli Café sau khi về tay Nova Service (thành viên của Tập đoàn Nova) đã nhanh chóng “thay da đổi thịt” với tốc độ mở chuỗi tăng chóng mặt trong năm 2021. Hiện PhinDeli Café đã có hơn 20 cửa hàng với diện tích lớn tại những vị trí đắc địa ở TP.HCM như: Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngã sáu Phù Đổng, Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo (quận 1); vòng xoay Hồ Con Rùa (quận 3); Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh)… Ngoài ra, PhinDeli Café còn xuất hiện ở khắp các khu đô thị, phức hợp du lịch – nghỉ dưỡng của Tập đoàn Nova tại nhiều tỉnh, thành phố.
Đại diện Nova Service cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2026 sẽ nâng số cửa hàng PhinDeli Café lên 2.500 cửa hàng ở trong nước và nước ngoài (như Bắc Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…).
Ngoài PhinDeli Café, Nova Service còn nắm nhiều thương hiệu trà và cà phê khác trải dài từ phân khúc trung đến cao cấp như Gloria Jean’s Coffees Vietnam, Cô Ba, Beach Club Coffee, Kalea Coffee…. Dù tổng số cửa hàng chưa nhiều, nhưng Nova Service vẫn đang được xem là một thế lực mới đáng gờm trong thị trường trà và cà phê Việt Nam.
“Gây thương nhớ” với từng nhóm khách hàng
Allegra World Coffee Portal (nền tảng thông tin chuyên ngành về ngành cà phê của Anh) dự báo, các chuỗi cà phê Việt sẽ đạt tổng cộng khoảng 5.200 cửa hàng vào năm 2025. Nhìn chung, thị trường về dài hạn vẫn được cho là có tiềm năng, nhưng cũng không dễ chinh phục.
Trở lại với mục tiêu cao cấp hóa của các chuỗi cà phê, theo một số nghiên cứu từ Nielsen, một trong các xu hướng tiêu dùng nổi bật ở Việt Nam là khách hàng muốn sử dụng những sản phẩm cao cấp hơn. Một mặt, sản phẩm cao cấp có thể thoả mãn được nhu cầu của họ tốt hơn. Mặt khác, khi mua sắm sản phẩm cao cấp, người tiêu dùng cảm thấy đang “tự thưởng” cho bản thân.
Muốn vậy, các thương hiệu phải đưa được những điểm “chất” – “nhất” vào sản phẩm của mình, từ đó khéo léo khiến khách hàng cảm thấy thuyết phục khi trả mức giá cao hơn.
Xu hướng này đang diễn ra khá sôi động trong ngành hàng ẩm thực và đồ uống (F&B). Bởi lẽ, ngày càng có nhiều người sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn. 74% người tiêu dùng Việt Nam cho biết, họ có thể chi tiêu thoải mái, hoặc dễ dàng mua được những thứ họ muốn.
Cao cấp hóa là một xu hướng không thể thiếu để ngày một đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại. Nếu biết cách thổi làn gió “lifestyle” (phong cách sống) vào thương hiệu, các chuỗi trong ngành F&B có thể chiếm được vị trí nhất định trong danh sách lựa chọn của người tiêu dùng.
Ngoài ra, sau đại dịch Covi-19, các chuỗi cũng phải thay đổi “công thức” để đi đến thành công, bởi sự trải nghiệm của khách hàng đã thay đổi .
Giai đoạn này, The Coffee House không chạy đua mở chuỗi, mà tìm kiếm giá trị phù hợp hơn. Khách hàng hiện có nhu cầu trải nghiệm sản phẩm nhiều hơn nên liên tục trong thời gian qua, chuỗi tập trung vào sản phẩm, giới thiệu những bộ sản phẩm mới và tạo được ấn tượng tốt, “gây thương nhớ” với từng nhóm khách hàng.
– Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường F&B hấp dẫn nhất trên toàn cầu. Theo báo cáo của D’Corp, Việt Nam có hơn 540.000 cửa hàng bán đồ ăn, thức uống. Trong đó có khoảng 278.424 mô hình quy mô siêu nhỏ, 153.576 quy mô nhỏ, 34.128 quy mô vừa và 73.872 quy mô lớn (năm 2021).
– Mức chi tiêu cho các dịch vụ ăn uống đạt hơn 360 USD/tháng, cao hơn so với các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia.
– Giới trẻ là đối tượng khách hàng quan trọng bậc nhất của ngành F&B Việt Nam. Nhu cầu ăn uống ở các nhà hàng quán ăn của giới trẻ không ngừng tăng lên, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Theo đánh giá, giới trẻ từ 15 đến 25 tuổi đang là đối tượng khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp F&B cần quan tâm nhiều nhất.
Ông Ngô Nguyên Kha chia sẻ, những đòi hỏi, yêu cầu về sản phẩm và trải nghiệm của khách hàng ngày một cao hơn. Lắng nghe nhu cầu khách hàng, The Coffee House nhận ra rằng, buổi hẹn cà phê giờ đây cần 3 yếu tố: cà phê hợp gu – món ăn ngon và đa bản sắc – không gian cảm hứng.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Starbucks khẳng định, để có hiệu quả hoạt động tại từng cửa hàng trong mảng F&B, phải có “công thức” đúng, thì mới mở rộng và phát triển được.
Theo đó, cùng với việc mở rộng hợp tác và phát triển, tinh thần và giá trị cốt lõi quan trọng nhất của Starbucks
Vietnam vẫn được gìn giữ và duy trì xuyên suốt trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai là khơi nguồn cảm hứng và nuôi dưỡng tinh thần con người – một người, một cốc cà phê và một tình hàng xóm vào một thời điểm. Đây điều mà Starbucks Vietnam sẽ tiếp tục thực hiện, không bao giờ thay đổi. Bên cạnh đó,
Starbucks đã tạo nên doanh nghiệp bằng các kết nối nhân văn, sự tham gia của cộng đồng và sự ca tụng các nền văn hóa. Cuối cùng, đó là tinh thần tôn trọng con người, phục vụ con người.